(PLO) Ngày 1-9-2010, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư 16 quy định hai cách tính diện tích nhà chung cư được cho là trái với Luật Nhà ở và Bộ Luật dân sự, khiến người dân phải trả tiền mua nhà cho cả cột và hộp kỹ thuật.
Để sửa đổi quy định đang gây tranh cãi này, ngày 20-2, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư 03/2014/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 8-4, bãi bỏ cách tính từ tim tường, thống nhất một cách tính diện tích như sau: Diện tích sử dụng căn hộ được tính theo kích thước thông thủy và được ghi vào Giấy chứng nhận cấp cho người mua, bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ và diện tích ban công, lô gia (nếu có) gắn liền với căn hộ đó, không tính tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.
Như vậy, quy định mới bỏ cách tính từ tim tường được cho là đang gây nhiều thiệt thòi cho người dân và làm lúng túng cho cơ quan chức năng khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.
Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh: Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các trường hợp mua bán căn hộ chung cư thương mại giữa chủ đầu tư và khách hàng không tuân thủ các nội dung và theo hợp đồng mẫu ban hành kèm theo Thông tư này thì hợp đồng đã ký không được pháp luật công nhận và không được sử dụng làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận. Chủ đầu tư có trách nhiệm đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư theo mẫu quy định tại Thông tư này với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tính sai thì phải trả lại tiền cho khách hàng
Xoay quanh việc ban hành thông tư 03 sửa đổi thông tư 16 của Bộ Xây dựng, tại phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức chiều 25-2, trả lời chất vấn của các chuyên gia và người dân về việc ban hành Thông tư 16 với hai cách tính diện tích gây bất lợi cho người dân, mang nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và trái Luật, ông Nguyễn Trần Nam Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: Bộ Xây dựng không sai khi ban hành thông tư 16: “Chúng tôi đưa ra cách tính diện tích theo tim tường bởi có nhiều người dân kiến nghị như thế, vì nó có lợi cho họ (?!)”.
Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp phản bác: Dù hướng dẫn 2 cách tính nhưng chủ đầu tư chỉ tính theo tim tường để có lợi cho họ và gây thiệt hại cho người mua chung cư. Với căn hộ tầng thấp, chỉ riêng cột đã chiếm tới cả chục mét vuông, trong khi cùng diện tích nhưng người ở tầng cao hơn lại có diện tích sử dụng thực tế lớn hơn. Điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng xã hội và thiệt thòi về lâu dài cho những người mua phải căn hộ có cột, hộp kỹ thuật trong nhà.
Theo đại diện các hộ dân ở khu chung cư cao cấp Keangnam, nhiều người khi nhận nhà đã sốc vì căn hộ “ẵm” phải cột, hộp kỹ thuật, trong khi hợp đồng không hề ghi thông tin chủ sở hữu phải mua căn hộ có hộp kỹ thuật, cột nhà. Nếu tính trung bình mỗi căn hộ bị “ăn gian” diện tích thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng thì tại khu vực Keangnam, chủ đầu tư đã dễ dàng “ẵm” 900 tỉ đồng “nhờ” Thông tư 16.
Ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Không thể bán nhà mà lại bắt người mua phải “ôm” cột, hộp kỹ thuật suốt đời như thế. Lợi ích thuộc về ai, khi có cả triệu người đã mua phải căn hộ thiếu diện tích?”
Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng khẳng định Thông tư 16 là không hợp pháp và bất hợp lý. “Nếu Bộ Xây dựng khẳng định mình đúng thì xin hỏi tường ngăn, tường chịu lực, cột, hộp kỹ thuật nằm trong nhà và được tính là sở hữu riêng thì người mua có quyền khoan, đục thoải mái không? Tại sao Bộ Xây dựng khẳng định Thông tư 16 không sai nhưng lại sửa, bỏ cách tính từ tim tường?”.
Bà Trần Thị Quốc Khánh (ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cũng cho rằng doanh nghiệp đã thu tiền rồi thì giờ phải tính toán để trả lại tiền cho khách hàng.
Ông Phan Trung Lý-Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kết luận: Thông tư 16 hướng dẫn hai cách tính diện tích căn hộ là sai thẩm quyền, không phù hợp với Luật Nhà ở, mâu thuẫn với quy định về sở hữu chung trong Bộ luật Dân sự, quy định này cũng không có trong nghị định của Chính phủ. Quy định cho cách lựa chọn như vậy đã khiến các doanh nghiệp chỉ tính diện tích căn hộ từ tim tường khiến diện tích căn hộ thấp hơn so với hợp đồng. Doanh nghiệp được hưởng lợi, còn thiệt hại người dân gánh chịu. Ông Lý đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT nghiên cứu để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà, đồng thời có biện pháp xử lý hậu quả phát sinh để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.
ĐL
Theo Báo PLTPHCM
Các bản tin khác
- Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2030
- Siết tín dụng bất động sản: Loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"
- Cam kết lợi nhuận tựa con dao hai lưỡi
- 03/08/2018 1:25 PM Sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế
- Việt Nam sẽ có đô thị thông minh vào 2025
- 'Địa ốc hạng sang Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển'
- Biến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thành điểm “ngắm cảnh, ăn uống, vui chơi”?
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Cú hích xây dựng Đà Nẵng đột phá, đáng sống
- Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore liên kết hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng
- Dự án căn hộ cao cấp: Những hiện tượng lạ trên thị trường
- Bài toán giải quyết rủi ro khi đầu tư thị trường bất động sản nam Đà Nẵng
- Giá đất tái định cư tại một số dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ
- Phát triển đô thị Đà Nẵng: Hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường
- Sắp có ‘thuốc’ trị tranh chấp tại các chung cư
- Việt Nam có quá ít bất động sản xanh
- Siết lập vi bằng, mua bán nhà bớt rủi ro
- Nhận diện lực đẩy mới của thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Chẳng dại gì mang 800 triệu mua đất ngoại thành, chọn chung cư mà ở
- Sốc với ưu đãi chưa từng có tại công viên giải trí nổi tiếng Đà Nẵng
- Ngắm hoàng hôn trên Cầu Vàng – Bà Nà Hills