Tuy Luật Công chứng có cấm đoán nhưng tên văn phòng công chứng vẫn bị “nhân bản” thiếu kiểm soát.
Mới đây, Văn phòng Công chứng (VPCC) Phú Mỹ Hưng (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM) có công văn “cấp báo” với Sở Tư pháp TP.HCM: “Ở Nghệ An cũng có VPCC Phú Mỹ Hưng!”. Không chỉ e ngại có sự vi phạm pháp luật, VPCC này còn lo lắng về những rắc rối phát sinh từ việc bị trùng tên ngoài ý muốn.
Tên trùng tên
VPCC Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM cho biết VP mình được UBND TP.HCM cấp phép thành lập vào ngày 25-8-2010 và đăng ký hoạt động lần 1 vào ngày 26-10-2010, lần 2 vào ngày 24-5-2012 (do thay đổi trụ sở). Trong khi đó, VPCC Phú Mỹ Hưng ở Nghệ An được UBND tỉnh này cấp phép thành lập ngày 22-2-2013 và đăng ký hoạt động ngày 25-3-2013.
Cứ tưởng chỉ có mỗi tên Phú Mỹ Hưng bị trùng nhưng không phải vậy. Tại thời điểm này, tên VPCC Trung Tâm xuất hiện ở rất nhiều địa phương trong cả nước như TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh... Chưa rõ ai trước ai, chỉ biết là VPCC Trung Tâm ở TP.HCM là một trong những văn phòng được cấp phép hoạt động đầu tiên tại TP.HCM (năm 2008).
Nguyên tắc là cấm
Luật Công chứng năm 2006 quy định tên gọi của VPCC do công chứng viên lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ “VPCC”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc (khoản 3 Điều 26). Ngoài cấm đoán này thì không có quy định cụ thể nào khác để làm rõ phạm vi đặt tên trùng chỉ tính trong phạm vi tỉnh, thành mà VPCC đó có trụ sở hay tính trên phạm vi toàn quốc.
Hiện tại, muốn thành lập VPCC thì công chứng viên chỉ cần có hồ sơ đề nghị thành lập VPCC gửi UBND cấp tỉnh để được xem xét, giải quyết. Hồ sơ gồm có đơn đề nghị thành lập VPCC; đề án thành lập VPCC nêu rõ sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện; bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên. Theo đó, ngay từ khi gửi hồ sơ thì tên gọi của VPCC cũng được công chứng viên lựa chọn cho văn phòng của mình. Thế nhưng do không có nguồn thông tin tham khảo nên công chứng viên không thể biết được tên ấy đã có ai đặt chưa, nhất là trong phạm vi cả nước.
Chỉ có thể loại trừ trong phạm vi hẹp
Tại TP.HCM, hồ sơ đề nghị thành lập VPCC nộp tại Sở Tư pháp. Sau đó, Sở sẽ xin ý kiến của Bộ Tư pháp về tên gọi của VPCC đó có trùng với người nào chưa trước khi trình hồ sơ lên UBND TP.HCM xem xét, ra quyết định cho phép thành lập. Nếu tên mà công chứng viên lựa chọn cho VPCC của mình đã có người khác đặt rồi thì Bộ sẽ cho biết ngay để Sở yêu cầu đổi tên khác và thực tế đã có nhiều VPCC phải đổi tên. Ngoài ra, trang web của Sở Tư pháp TP.HCM cũng có nêu danh sách các tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động để mọi người đều biết.
Việc kiểm tra này của Sở cũng chỉ là một giải pháp chống trùng tên chứ không có quy định nào bắt buộc Sở phải làm như vậy.
KIM PHỤNG
Áp dụng theo việc đặt tên doanh nghiệp? Có ý kiến cho rằng căn cứ vào khoản 1 Điều 26 Luật Công chứng thì VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, việc đặt tên cũng phải theo luật này. Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 43/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp (áp dụng từ ngày 1-1-2011), việc đặt tên trùng là vi phạm điều cấm trong việc đặt tên doanh nghiệp. Nghị định này lưu ý doanh nghiệp không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc (trừ những doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã giải thể). Điều 15 của Nghị định 43/2010 còn quy định rõ: Tên trùng và gây nhầm lẫn là trường hợp tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký, tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu ”&”; ký hiệu ”-” ; chữ ”và”... “Phải hiểu là phạm vi cả nước” Theo một chuyên viên của Bộ Tư pháp, với quy định nêu tại khoản 3 Điều 26 Luật Công chứng “tên gọi của VPCC không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác…” thì cần phải hiểu là trong phạm vi cả nước chứ không chỉ trong một địa phương. Ấy thế mà nhiều địa phương khi xem xét hồ sơ xin thành lập VPCC chỉ kiểm tra xem có trùng tên trong địa phương mình hay không. Do thông tư hướng dẫn Luật Công chứng không đề cập đến nội dung này nên tới đây, khi xem xét, sửa đổi Luật Công chứng, Bộ Tư pháp sẽ có phương án bổ sung. |
http://plo.vn/
Các bản tin khác
- Việt Nam chính thức ký TPP
- Khánh thành cáp treo Fansipan Sapa 2 kỷ lục thế giới
- Cách chọn người hợp tuổi xông nhà Tết Bính thân 2016
- Asia Park - Mô hình công viên mới ở Việt Nam
- Bất động sản Sun Group gây ấn tượng tại Singapore
- Bất động sản sẽ hút lượng kiều hối khổng lồ
- Bất động sản không nghỉ tết
- Trungnam Group: Chinh phục thách thức mới
- Rủi ro khi mua bất động sản kiểu đa cấp
- Rộn ràng Lễ hội Hạt Ngọc Trời tại Đà Nẵng
- Khánh thành đường Nguyễn Tất Thành nối dài
- Dấu ấn Sun Group trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng
- Khánh thành tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài đi vào khu đô thị sinh thái Golden Hills
- Đường Nguyễn Công Trứ - Con đường nhớ nhất quận Ba
- Đà Nẵng: Tăng giá trị đô thị bằng cách xóa “điểm đen” giao thông
- Sóng M&A bất động sản 2016 bắt đầu nổi
- Hiệu quả vận động ODA và NGO
- Thu hồi 150.000m2 để xây dựng Khu biệt thự sinh thái Hoà Ninh
- Bất động sản tháng 1/2016: Giá ít biến động, thanh khoản tăng
- Mẹo làm ấm nhà siêu nhanh, siêu tiết kiệm trong ngày giá rét