Từ năm 2012 đến nay, sáu chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm; khuyến khích hỗ trợ đầu tư và phát triển tàu du lịch; đổi mới công nghệ; ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao; xuất khẩu phần mềm; sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch đã được chính quyền thành phố triển khai đến cộng đồng doanh nghiệp. Các chương trình này cùng với các chính sách cho vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Minh chứng cụ thể nhất là năm 2013, thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương vượt chỉ tiêu thu ngân sách. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp. Và năm 2014 là năm được thành phố Đà Nẵng chọn là “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, điều này thể hiện chủ trương đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển của chính quyền thành phố. Nhiều chương trình hỗ trợ của năm doanh nghiệp hiện đang được các Sở, ngành, địa phương triển khai đến cộng đồng doanh nghiệp.
Trong chương trình hành động này, Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố và Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ, được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo một sức bật mới giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
120 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh
Nhận thức vai trò và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội thành phố, trong những năm qua bên cạnh việc tìm kiếm huy động các nguồn vốn ưu đãi trong và ngoài nước để đầu tư phát triển các công trình hạ tầng của thành phố; Quỹ Đầu tư Phát triển đã cho vay 46 lượt hỗ trợ phát triển sản xuất, xuất khẩu với tổng số vốn trên 150 tỷ đồng. Năm 2014, thực hiện chương trình hành động “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, Quỹ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại cuộc họp sáng ngày 14/3, về triển khai thông báo cho vay phát triển sản xuất, xuất khẩu năm 2014 của Quỹ Đầu tư Phát triển theo quyết định số 1524/QĐ-UBND ngày 12/3/2014 của UBND thành phố; ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ cho biết UBND thành phố đã ủy thác 120 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cho Quỹ để thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tham gia bình ổn giá trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ cho vay là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, tham gia bình ổn giá trên địa bàn đối với các mặt hàng: thủy sản, dệt may, cơ khí, cơ điện lạnh, da giày, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm dược, xuất khẩu phần mềm, vật liệu xây dựng, dịch vụ du lịch; cho vay đối với hợp tác xã …
Các doanh nghiệp vay vốn phải đảm bảo các điều kiện về hồ sơ vay vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm gần nhất phải có lãi; không có nợ thuế, nợ xấu ngân hàng tại thời điểm vay vốn; báo cáo tài chính năm gần nhất phải được kiểm toán và có phương án sản xuất kinh doanh khả thi và có hiệu quả, có tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật. Trong đó ưu tiên các đối tượng có số nộp ngân sách thành phố lớn; góp phần giải quyết việc làm tại địa phương; góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của thành phố và có tham gia, đóng góp vào các chương trình an sinh xã hội của thành phố.
Thời hạn cho vay tối đa 1 năm với hạn mức cho vay tối đa 5 tỷ đồng/ lượt vay, doanh nghiệp. Lãi suất cho vay 7,5%/năm bằng nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác và nguồn vốn hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng.
Thông tin về chính sách hỗ trợ vay vốn của thành phố được các doanh nghiệp hồ hởi đón nhận, đồng thời mong muốn thành phố cần có thêm nhiều ưu đãi, giản đơn hơn nữa các điều kiện và thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn cho vay hỗ trợ. Cụ thể xem xét mức lãi suất nên theo hướng cạnh tranh, chênh lệch hơn nữa so với lãi suất của các ngân hàng thương mại đang áp dụng.
Ông Dương Văn Vinh, đại diện Hội doanh nghiệp quận Cẩm Lệ cho biết, trên địa bàn quận có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu vay vốn lưu động nhanh. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay chưa nhiều doanh nghiệp biết đến nguồn vốn cho vay của Quỹ hoặc còn e ngại trong việc nộp hồ sơ vay vốn. Do đó, ông Vinh đề nghị nên mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện cũng như rút ngắn thời gian thẩm định để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn.
Còn theo ông Phạm Bắc Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố, vấn đề cấp thiết của doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay là nguồn vốn. Có một thực tế hiện nay là “Các doanh nghiệp đôi khi chỉ cần 300-500 triệu trong vòng vài tháng để thực hiện đơn hàng, vì thế nên tối giản lại điều kiện, phân cấp mức độ vay ở mức nào thì mới cần báo cáo tài chính đã được kiểm toán” ông Bình chia sẻ.
Về vấn đề tài sản đảm bảo, theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc sở Công thương cũng nên phân cấp, cụ thể đối với những khoản vay có giá trị lớn có thể xem xét cho thế chấp bằng tài sản hình thành từ chính nguồn vốn vay đồng thời có cơ chế để quyết định tín chấp đối với các khoản vay ít. Bà Nguyễn Thị Thúy Mai nhấn mạnh, doanh nghiệp thành phố đang rất kỳ vọng vào Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như Quỹ Đầu tư Phát triển; đặc biệt năm nay là Năm doanh nghiệp nên cần tạo ra cơ chế thí điểm mới giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của thành phố để vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định sản xuất cũng như khẳng định sự đồng hành cùng doanh nghiệp của chính quyền thành phố.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ Đầu tư Phát triển đã ghi nhận tất cả các ý kiến đề xuất, góp ý của doanh nghiệp và các sở, ngành, đồng thời cho biết thành phố sẽ sớm xem xét để làm sao tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thành phố tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các bản tin khác
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng: Cần một cuộc “đại phẫu”? (Kỳ cuối: Không thể không làm!)
- Hỗ trợ công nhân tiếp cận nhà ở xã hội
- Quy hoạch tuyến đường vành đai phía tây 2
- Đà Nẵng: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không quá 10 ngày
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng: Cần một cuộc “đại phẫu”? (Bài 3: Những kiến giải)
- Bùng nổ xu hướng “wellness” trong lĩnh vực địa ốc
- Chuyên gia nói gì về thị trường đất nền?
- Người Việt mua nhà chú trọng đến vị trí
- Thị trường bất động sản: Cảm nhận nhịp đập M&A của thị trường
- Khách sạn, căn hộ condotel, biệt thự nghỉ dưỡng tiếp tục hưởng lợi từ du lịch Đà Nẵng
- Sát nhập Công ty Quản lý nhà với Công ty Quản lý nhà chung cư
- Các ngân hàng đang cho vay bất động sản ra sao?
- Đà Nẵng: Đấu giá quyền sử dụng 19 lô đất lớn trên địa bàn
- Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đất đai
- Sứ mệnh của doanh nghiệp bất động sản Việt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0
- Đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa phục vụ thi công các dự án
- Đà Nẵng đấu giá một số khu đất có diện tích lớn
- Cần một cuộc "đại phẫu" trong quy hoạch đô thị Đà Nẵng?
- Hình thành cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị
- Vì sao nhà đầu tư châu Á đổ bộ bất động sản Việt Nam?