Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013, được công bố sáng 20/3, một lần nữa lại ghi nhận những sự thay đổi đáng kể về vị trí của các tỉnh thành tại Việt Nam.
Cầu Rồng tại Đà Nẵng. Sau khi rớt xuống vị trí thấp nhất trong lịch sử PCI của mình, xếp thứ 12/63 vào năm 2012, nay thì Đà Nẵng đã vươn trở lại dẫn đầu bảng xếp hạng.
Đà Nẵng trở lại số 1
Sau một thời gian tụt hạng, Đà Nẵng đã trở lại vị trí số 1 trên bảng xếp hạng. Với điểm số PCI trên 65, Đà Nẵng cùng Thừa Thiên - Huế đã có thành tích xuất sắc, vượt trội so với các tỉnh khác ngay trong nhóm có chất lượng điều hành "Rất tốt".
Hai gương mặt này không quá xa lạ trong nhóm dẫn đầu. Trước thời điểm 2011, Đà Nẵng từng liên tục giành vị trí thứ nhất hoặc thứ hai trong bảng xếp hạng PCI hàng năm. Sau khi rớt xuống vị trí thấp nhất trong lịch sử PCI của mình, xếp thứ 12/63 vào năm 2012, nay thì Đà Nẵng đã vươn trở lại dẫn đầu bảng xếp hạng.
Trong khi đó, Thừa Thiên - Huế cũng ghi dấu ấn lớn với PCI năm nay. Kể từ 2007, chỉ duy nhất một lần tỉnh này rơi khỏi nhóm 25 tỉnh có điểm số cao nhất và nằm trong nhóm "Tốt". Năm 2008 và 2009, thứ hạng của Thừa Thiên - Huế lần lượt là 10 và 14.
Nhóm nghiên cứu PCI cho hay trong thời gian qua, Thừa Thiên - Huế đã có những cam kết mạnh mẽ nhất về việc cải thiện điểm số PCI và đã cụ thể hóa các cam kết này bằng nhiều văn bản chính thức. Từ năm 2007 đến nay, địa phương này liên tục chú trọng đến mục tiêu đạt thứ hạng cao nhất trên bảng xếp hạng PCI và đã có kế hoạch cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu đó.
Ngoài ra, nhóm "Rất tốt" năm nay cũng có sự góp mặt của các trường hợp thành công từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với Đồng Tháp (63,35 điểm) và Kiên Giang (63,55 điểm). Kể từ lần đầu công bố PCI đến nay, Đồng Tháp chưa bao giờ xếp hạng dưới 11, và đã từng đạt thành tích cao nhất là vị trí số 1 vào năm 2012. Kiên Giang cũng vươn dần lên thứ hạng cao qua nhiều năm liền (xếp thứ 6/63 năm ngoái).
Quảng Ninh (với thứ hạng trung bình là 18 và cao nhất là vị trí thứ 7 năm 2010) và Bến Tre (thứ hạng trung bình là 16 và cao nhất là vị trí thứ 7 năm 2008) cũng là những gương mặt quen thuộc trong đội hình dẫn đầu PCI. Nhiều năm qua, Bến Tre liên tiếp là tỉnh có điểm số cao nhất trong lĩnh vực Chi phí không chính thức.
Đáng chú ý là sự vươn lên trong nhóm dẫn đầu của tỉnh Quảng Ngãi, với vị trí số 7 trong bảng xếp hạng năm nay. Đây là một bước tiến nổi bật của tỉnh này, vốn thường đứng ở vị trí trung bình với điểm số 38,5 từ năm 2006-2012 và chưa bao giờ vượt quá vị trí thứ 18.
Nhóm nghiên cứu nhận định rằng dường như sự cải thiện thứ hạng của Quảng Ngãi, giống như Thừa Thiên - Huế, xuất phát từ cam kết cải thiện chất lượng điều hành của chính quyền tỉnh, được cụ thể hóa trong các văn bản ban hành chính thức.
Bình Dương sa sút
Ở chiều ngược lại, tỉnh đầu tàu Bình Dương, từng nhiều năm liền có vị trí đáng kể trong xếp hạng PCI, nay lại đang trong quá trình đi xuống với sự tụt hạng đáng kể, rơi xuống vị trí 30 giữa bảng xếp hạng. Hầu hết các điểm số bị suy giảm do Bình Dương không còn giữ được chất lượng điều hành ở các chỉ tiêu thuộc điểm PCI gốc, chẳng hạn sự sụt giảm điểm số Chi phí gia nhập thị trường.
Một ví dụ, thời gian thực hiện thủ tục đăng kí doanh nghiệp trung bình ở Bình Dương mà doanh nghiệp trải nghiệm vẫn là 15 ngày, trong khi thời gian này vẫn tiếp tục được rút ngắn đi ở các tỉnh khác, dẫn đến điểm trung vị toàn quốc là 10 ngày. Hơn nữa, Bình Dương chỉ đạt được điểm trung bình trong các tiêu chí đo lường hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa.
Ở chỉ số Tiếp cận đất đai và Tính minh bạch, điểm số của Bình Dương cũng sụt giảm, dù không đáng kể. Nhiều năm qua, Bình Dương luôn có thành tích nổi bật về chính sách đất đai nhưng năm nay, 35% doanh nghiệp bất ngờ đưa ra nhận định chính quyền tỉnh không đền bù thỏa đáng khi thu hồi đất để xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc khu công nghiệp.
Về lĩnh vực Tính minh bạch, 41% doanh nghiệp ở tỉnh cho biết cần có mối quan hệ để tiếp cận các tài liệu quan trọng của tỉnh, tăng so với mức 37% năm 2008.
Cuối cùng, trong chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp cảm nhận họ đang phải đối mặt với cạnh tranh không lành mạnh từ các doanh nghiệp có mối quan hệ đặc biệt với quan chức tỉnh và từ các doanh nghiệp nhà nước, nhưng ở mức độ nhỏ hơn.
Một số tỉnh thành khác cũng ghi nhận sự tụt hạng đáng kể như trường hợp Lào Cai, từng là quán quân của bảng xếp hạng PCI, năm nay thể hiện phong độ sa sút, rơi xuống vị trí 17 thuộc nhóm điều hành Khá.
Theo Nhóm nghiên cứu, điểm số của Lào Cai bị kéo xuống do sự sụt giảm các chỉ tiêu gốc về Chi phí gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí thời gian và Tính năng động của chính quyền tỉnh. Doanh nghiệp tại tỉnh cho rằng có sự ưu ái đối với các doanh nghiệp có quan hệ thân quen với chính quyền.
Riêng với hai đầu tầu kinh tế của cả nước, trong khi Tp.HCM nằm trong top 10, thì Hà Nội vẫn lẹt đẹt ở nhóm giữa bảng xếp hạng (vị trí 33).
Bảng xếp hạng PCI 2013
Các bản tin khác
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng: Cần một cuộc “đại phẫu”? (Kỳ cuối: Không thể không làm!)
- Hỗ trợ công nhân tiếp cận nhà ở xã hội
- Quy hoạch tuyến đường vành đai phía tây 2
- Đà Nẵng: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không quá 10 ngày
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng: Cần một cuộc “đại phẫu”? (Bài 3: Những kiến giải)
- Bùng nổ xu hướng “wellness” trong lĩnh vực địa ốc
- Chuyên gia nói gì về thị trường đất nền?
- Người Việt mua nhà chú trọng đến vị trí
- Thị trường bất động sản: Cảm nhận nhịp đập M&A của thị trường
- Khách sạn, căn hộ condotel, biệt thự nghỉ dưỡng tiếp tục hưởng lợi từ du lịch Đà Nẵng
- Sát nhập Công ty Quản lý nhà với Công ty Quản lý nhà chung cư
- Các ngân hàng đang cho vay bất động sản ra sao?
- Đà Nẵng: Đấu giá quyền sử dụng 19 lô đất lớn trên địa bàn
- Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đất đai
- Sứ mệnh của doanh nghiệp bất động sản Việt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0
- Đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa phục vụ thi công các dự án
- Đà Nẵng đấu giá một số khu đất có diện tích lớn
- Cần một cuộc "đại phẫu" trong quy hoạch đô thị Đà Nẵng?
- Hình thành cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị
- Vì sao nhà đầu tư châu Á đổ bộ bất động sản Việt Nam?