Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay đối với những dự án bất động sản có khả năng thanh khoản cao; phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp; đã xây xong phần thô đang hoàn thiện chờ đưa vào sử dụng và tăng tỷ trọng cho vay mua nhà để ở.
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong tờ trình Chính phủ ban hành chỉ thị về một số giải pháp nhằm quản lý thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vừa được Bộ Xây dựng gửi lên Thủ tướng ngày 13/9.
Trong tờ trình, Bộ Xây dựng cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của thị trường bất động sản đang bộc lộ những yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định. Giá cả hàng hóa cao, cơ cấu mất cân đối... đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê. Cùng đó, tình trạng không theo quy hoạch khiến đô thị phát triển không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng.
Hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện, nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc hệ thống ngân hàng và huy động của người dân chứ chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người dân muốn tạo lập nhà ở.
Cùng với đó là công tác cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, thu thuế trong giao dịch bất động sản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất... chưa đáp ứng được yêu cầu, làm giảm khả năng thanh khoản của thị trường cũng như của hệ thống ngân hàng.
Do vậy, muốn để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững, Chính phủ cần có những chỉ đạo nhằm tăng cường kiểm soát, khắc phục những khiếm khuyết, không để thị trường này trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao, tác động xấu lan truyền đến hệ thống tổ chức tín dụng và ảnh hưởng mục tiêu phát triển kinh tế.
Đối với nhu cầu và kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương phải được kiểm tra chặt chẽ, nhất là tại các những nơi có nhiều dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.
Đặc biệt, theo Bộ Xây dựng, nguồn vốn luôn là yếu tố có ảnh hưởng và chi phối lớn nhất tới thị trường bất động sản. Trong giai đoạn thắt chặt tín dụng cho vay bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, ban hành tiêu chí cho vay bất động sản để áp dụng trong hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Theo đó, Ngân hàng có thể chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay đối với những dự án bất động sản đáp ứng các yếu tố sau: có khả năng thanh khoản cao; phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp; đã xây xong phần thô đang hoàn thiện chờ đưa vào sử dụng và tăng tỷ trọng cho vay mua nhà để ở.
Trước mắt, ngân hàng có thể hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới (trừ nhóm nhà ở xã hội), bất động sản cao cấp (căn hộ chung cư có giá trên 30 triệu/m2, hoặc diện tích trên 120m2, biệt thự, nhà liên kế); tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình cấp tín dụng, phát hiện và xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn, nợ xấu; kiểm soát hiện tượng đầu tư nội bộ của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng vào bất động sản.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề xuất ban hành quy định và kiểm soát khi thỏa thuận đầu tư để có thêm nhiều loại cơ cấu căn hộ trong các dự án phát triển nhà ở. Mục tiêu ưu tiên là các căn hộ có diện tích trung bình (từ 70m2 đến 90m2) và diện tích nhỏ (dưới 70m2) với giá bán hợp lý.
Đặc biệt, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM cần tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng, bảo đảm số lượng căn hộ nhà chung cư đạt trên 80%. Việc này đồng nghĩa với hạn chế phát triển nhà ở cao cấp (biệt thự, nhà liền kề, căn hộ chung cư có diện tích từ 120m2 trở lên). Nhóm này bị giới hạn tối đa không quá 20% trong tổng số nhà ở thương mại xây dựng mới.
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương cần nghiêm túc thực hiện quy định giành 20% diện tích đất trong các dự án phát triển nhà ở để xây dựng nhà ở xã hội; xác định cơ cấu nhà ở cho phù hợp với nhu cầu thị trường.
▪ BẢO ANH
Thị trường bất động sản đang chững lại do ảnh hưởng từ việc thắt chặt tín dụng - Ảnh: Từ Nguyên.
http://vneconomy.vn
Các bản tin khác
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng: Cần một cuộc “đại phẫu”? (Kỳ cuối: Không thể không làm!)
- Hỗ trợ công nhân tiếp cận nhà ở xã hội
- Quy hoạch tuyến đường vành đai phía tây 2
- Đà Nẵng: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không quá 10 ngày
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng: Cần một cuộc “đại phẫu”? (Bài 3: Những kiến giải)
- Bùng nổ xu hướng “wellness” trong lĩnh vực địa ốc
- Chuyên gia nói gì về thị trường đất nền?
- Người Việt mua nhà chú trọng đến vị trí
- Thị trường bất động sản: Cảm nhận nhịp đập M&A của thị trường
- Khách sạn, căn hộ condotel, biệt thự nghỉ dưỡng tiếp tục hưởng lợi từ du lịch Đà Nẵng
- Sát nhập Công ty Quản lý nhà với Công ty Quản lý nhà chung cư
- Các ngân hàng đang cho vay bất động sản ra sao?
- Đà Nẵng: Đấu giá quyền sử dụng 19 lô đất lớn trên địa bàn
- Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đất đai
- Sứ mệnh của doanh nghiệp bất động sản Việt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0
- Đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa phục vụ thi công các dự án
- Đà Nẵng đấu giá một số khu đất có diện tích lớn
- Cần một cuộc "đại phẫu" trong quy hoạch đô thị Đà Nẵng?
- Hình thành cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị
- Vì sao nhà đầu tư châu Á đổ bộ bất động sản Việt Nam?