SGTT.VN - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 thay thế Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Theo đó, vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện Nghị định 109/2007/NĐ-CP là xác định giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp đã được tháo gỡ.
Nghị định vẫn quy định doanh nghiệp được lựa chọn cả hai hình thức giao đất hoặc thuê đất. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chọn thuê đất thì không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý của diện tích đất thuê vào giá trị doanh nghiệp như quy định tại Nghị định 109.
Đối với diện tích đất doanh nghiệp được giao thì phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp. Khi xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp được phép loại trừ những diện tích đất sử dụng cho hoạt động sản xuất cung ứng các dịch vụ, sản phẩm công ích, phúc lợi công cộng (như công viên cây xanh, môi trường đô thị, bến bãi xe khách, đất làm công trình thuỷ lợi...) không phải nộp tiền sử dụng đất. Đối với diện tích đất sử dụng cho các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật về đất đai cũng được xem xét, loại trừ.
Về giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất giao vào giá trị doanh nghiệp do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định và công bố tại thời điểm tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp. Trường hợp giá đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất có mục đích sử dụng tương tự thực tế trên thị trường để xác định lại giá đất cụ thể cho phù hợp.
Để tránh tình trạng kéo dài thời gian khi cổ phần hóa, Nghị định quy định, trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được phương án sử dụng đất của doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố phải có ý kiến chính thức đối với lô đất doanh nghiệp tiếp tục sử dụng sau cổ phần hoá và giá đất. Nếu sau 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ mà các địa phương chưa có ý kiến chính thức về giá đất sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng giá đất do địa phương công bố tại thời điểm gần nhất đồng thời, công bố công khai trong phương án cổ phần hoá.
Ngoài ra, để đẩy mạnh cổ phần hoá các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước Nghị định đã bổ sung các quy định nhằm xác định rõ đối tượng cổ phần hóa là các công ty mẹ của Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung và hoàn thiện phương thức cổ phần hoá các đối tượng này theo hướng tùy theo điều kiện cụ thể việc cổ phần hóa từng Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sẽ được triển khai linh hoạt theo các phương thức như: cổ phần hoá toàn bộ các doanh nghiệp thành viên 100% vốn đầu tư của công ty mẹ trước sau đó mới cổ phần hoá công ty mẹ sau; hoặc cổ phần hoá ngay công ty mẹ trong đó có đánh giá lại giá trị đầu tư tại các doanh nghiệp thành viên 100% vốn đầu tư của công ty mẹ.
Về cơ chế bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài), để khắc phục bất cập trong thời gian qua, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng nhà đầu tư chiến lược (tối đa là 03 đối với mỗi doanh nghiệp). Giá bán cho các nhà đầu tư chiến lược theo phương thức đấu giá công khai trước là giá không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai; tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng lên 05 năm. Đồng thời Nghị định bổ sung quy định đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù (bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác mỏ quý hiếm) và các Tập đoàn, Tổng công ty cần lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trước khi đấu giá công khai ra công chúng thì phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, phương thức và số lượng cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược. Giá bán trong trường hợp này là giá thoả thuận nhưng không thấp hơn giá khởi điểm đã được duyệt.
Nghị định cũng bổ sung quy định việc áp dụng kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán lại kết quả định giá và xử lý các vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động các lĩnh vực trên theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, để tạo sự gắn bó chặt chẽ, lâu dài giữa người lao động và doanh nghiệp, Nghị định đã bổ sung đối tượng được mua cổ phần ưu đãi. Theo đó, người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp, thuộc đối tượng doanh nghiệp cần sử dụng và có cam kết làm việc lâu dài cho doanh nghiệp trong thời hạn ít nhất là 03 năm sẽ được mua thêm 200 cổ phần/01năm cam kết làm việc, nhưng tối đa không quá 2.000 cổ phần/lao động. Riêng người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao làm việc tại doanh nghiệp được mua thêm theo mức 500 cổ phần/01năm cam kết làm việc nhưng tối đa không quá 5.000 cổ phần/lao động. Giá bán cổ phần ưu đãi cho người lao động mua thêm được xác định là giá đấu thành công thấp nhất (trường hợp đấu giá công khai trước) hoặc bằng giá khởi điểm bán cho các nhà đầu tư chiến lược (đối với trường hợp bán thoả thuận trước). Mỗi một người lao động chỉ được hưởng quyền mua thêm cổ phần ưu đãi theo một mức xác định (200 cổ phần/01năm làm việc hoặc 500 cổ phần/01năm).
Theo tài liệu của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước gửi về Bộ Tài chính thì chỉ có 289 doanh nghiệp được tiến hành cổ phần hoá theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP (tính từ tháng 8/2007 đến nay), chỉ đạt 25% so với số doanh nghiệp phải tiến hành cổ phần hoá giai đoạn 2007-2010 theo các phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trương Minh Tình
Ảnh: Nghị định có một số quy định mới về đất đai đối với doanh nghiệp (ảnh minh hoạ). Ảnh: Lê Hoài Phương
http://www.sgtt.com.vn
Các bản tin khác
- Tích cóp cả đời, chết cô đơn trên khối tài sản lớn
- Phải đổi cách xác định giá đất khi giải tỏa
- Tranh quyền thừa kế khối tài sản nghìn tỷ đồng
- Đi tìm giá thực của BĐS
- HÔM NAY, BẮT ĐẦU SIẾT CHẶT CHO VAY TIỀN MẶT
- 120.000 tỷ đồng đầu tư công giúp 'giải hạn' cho địa ốc
- NGÂN HÀNG MỞ “VAN TÍN DỤNG” CHO BẤT ĐỘNG SẢN
- Bất động sản ở Đà Nẵng - Ảm đạm đất nền, khởi sắc đô thị xanh
- Địa ốc nhấp nhổm bung hàng ăn theo lãi suất
- SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NGOẠI HỐI VÀ THỊ TRƯỜNG VÀNG
- Giá BĐS giảm trên diện rộng: Mua hay chờ?
- Nhà đất chờ đợt “sóng” mới
- Đà Nẵng tôn vinh 16 nữ doanh nhân
- Vợ chồng lập di chúc chung, nhiều rắc rối
- Đà Nẵng: Nhiều định hướng quan trọng về phát triển hạ tầng giao thông và đô thị đến năm 2020
- Hoàn tiền cho người đóng trước bạ nhà, đất giá cao
- Trước năm 2015, hoàn thành xây dựng cảng Sơn Trà, nâng cấp cảng Sông Hàn thành cảng du lịch
- Khổ vì hạn mức đất
- Kích cầu, bất động sản chưa hồi phục
- Cần công khai thông tin để hạn chế rủi ro