TT - Ngày 27-5, tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về dự án Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng các nội dung sửa đổi hai dự luật này chưa thấy rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm về khó khăn của thị trường bất động sản - Ảnh: Quang Định |
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng dự thảo luật phải tính đến trách nhiệm của nhà quy hoạch, trách nhiệm của nhà điều chỉnh thị trường, trách nhiệm của nhà cấp phép…
Cơ quan quản lý không thể vô can
* Đại biểu CHU SƠN HÀ (Hà Nội): Không dùng ngân sách xây nhà công vụ Quỹ nhà công vụ để bố trí cho cán bộ khi luân chuyển công tác, nhận nhiệm vụ là cần thiết. Tuy nhiên, tôi đề nghị không bỏ ngân sách ra để xây nhà công vụ nữa, mà để cho doanh nghiệp xây dựng nhà công vụ cho thuê giá thương mại và Nhà nước chỉ bỏ phần tiền trợ giá thuê. Khi thôi nhiệm vụ thì cơ quan thông báo đến doanh nghiệp cho thuê để doanh nghiệp đòi lại nhà hoặc cơ quan cắt tiền trợ giá thuê nhà. |
“Các cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm về tình trạng sống dở chết dở hiện nay của thị trường bất động sản, nhưng trong báo cáo tổng kết thi hành luật thời gian qua không thấy nêu câu nào cả” - ông Quyền nói. Theo ông Quyền, việc cấp phép bừa bãi, cấp phép không có kế hoạch, không trên cơ sở cung cầu thị trường…dẫn đến tình trạng khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản thì cơ quan cấp phép phải chịu trách nhiệm. “Trong cả hai dự án luật này chúng ta không nhìn thẳng vào sự thật là quản lý nhà nước trong lĩnh vực này rất yếu” - ông Quyền khẳng định.
Cũng theo ông Quyền, rất nhiều chủ thể tham gia quan hệ pháp luật về bất động sản và nhà ở, đó là các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, nhà đầu tư, nhà bảo hành, nhà khai thác, bảo dưỡng, khách hàng… Nếu tranh chấp xảy ra có thể liên quan đến rất nhiều chủ thể, nên dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần phân định rõ hơn trách nhiệm của từng đối tượng. Riêng với cơ quan quản lý nhà nước và nhà quản lý cụ thể, cần quy định rất chặt chẽ về quy hoạch, kế hoạch, sao cho khi nhà quản lý muốn thay đổi quy hoạch thì phải có tiêu chí rõ ràng. “Đường Trường Chinh, Hà Nội là một ví dụ, phải có tiêu chí xác định đường thẳng hoặc đường cong, chứ không thể phụ thuộc vào ý chí chủ quan của nhà quản lý được”- ông Quyền nói.
Liên quan đến dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch cho rằng hiến pháp quy định mọi người có quyền có nhà ở là một tiến bộ, nhưng có nên theo hướng tạo lập chính sách để mọi người sở hữu nhà ở không, hay tập trung chính sách của Nhà nước làm sao để mọi người có chỗ ở chứ không phải sở hữu nhà ở. Nếu đồng thuận với quan điểm này thì nhà ở xã hội phải tính khác, không thể một người lương không đủ sống nhưng cứ phải đeo đuổi mua nhà. Do đó, Nhà nước tạo điều kiện tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ cho các đối tượng, chưa cần khuyến khích sở hữu nhà ở.
Cũng theo ông Lịch, trách nhiệm phát triển nhà ở chủ yếu là chính quyền địa phương nên luật phải ràng buộc trách nhiệm này, đồng thời đặt vấn đề “chúng ta có mạnh dạn làm theo cách là nguồn thu từ xổ số kiến thiết chỉ để xây dựng nhà ở cho thuê, không được làm chuyện khác”. Đại biểu Huỳnh Thành Lập - trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - cũng cho rằng mục tiêu chính của Luật nhà ở (sửa đổi) là tạo ra chính sách để xây thật nhiều nhà cho dân, đồng thời ủng hộ quan điểm chú trọng chính sách để mọi người có chỗ ở chứ không phải sở hữu nhà ở.
Kiểm soát tiền “mua nhà trên giấy”
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng các quy định về việc bán nhà ở hình thành trong tương lai vẫn chưa làm rõ được cơ chế đảm bảo nguồn vốn huy động ứng trước của người mua nhà sẽ được sử dụng đúng mục đích. Theo ông Nam, cần quy định rõ trong luật là tiền ứng trước mua nhà của người mua nhà phải được ký gửi tại một tổ chức tín dụng và chỉ được dùng để thanh toán cho công trình đó, giải ngân theo tiến độ của công trình có sự giám sát của ngân hàng và đại diện khách hàng. Ngoài ra, chỉ cho phép chủ đầu tư được huy động vốn của khách hàng tại thời điểm đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 (hoặc quy hoạch tổng mặt bằng) vì đây là lúc doanh nghiệp đã đầu tư khoản tiền lớn để giải phóng mặt bằng nên rất cần vốn để triển khai dự án.
Ông Nam cũng đề nghị quy định cụ thể về việc góp vốn và phân biệt rõ hai hình thức huy động vốn và mua bán nhà hình thành trong tương lai, giai đoạn nào thì bắt buộc phải ký hợp đồng mua bán nhà ở. “Với các dự án xây dựng nhà ở hay nhà ở đang xây dựng trong dự án sẽ được thế chấp tại các tổ chức tín dụng để vay vốn, thời hạn giải chấp sẽ phải thực hiện trước khi chủ đầu tư dự án hay các tổ chức, cá nhân tiến hành ký hợp đồng mua bán, cho thuê với khách mua nhà. Ngoài ra, cũng cần khống chế số lần chuyển nhượng và một số điều kiện ràng buộc khác, nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng chuyển nhượng tràn lan, trốn thuế” - ông Nam phân tích.
Ông Phạm Huy Hùng (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank, đại biểu TP Hà Nội) cũng cảnh báo về tình trạng “tay không bắt giặc”. Chẳng hạn, có những chủ đầu tư ăn mặc đẹp, đi xe xịn, xách cặp rất oai nhưng nợ như chúa chổm, họ chỉ ép mấy cái cọc là bán, thu tiền nhiều lắm mà tiền đi đâu không biết. “Cho nên chỗ này cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát để hạn chế rủi ro”- ông Hùng nói. Theo ông Lịch, cần đặt dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trong mối quan hệ với Luật doanh nghiệp (sửa đổi), tinh thần là mọi người có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm, nhưng đây có phải là loại hình kinh doanh có điều kiện không, người VN định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản đến mức nào…
V.V.THÀNH - L.KIÊN - Q.THANH
Theo Báo Tuổi Trẻ
Các bản tin khác
- Phải nộp thuế khi uỷ quyền giao dịch bất động sản
- Thị trường đất nền Đà Nẵng tăng nhiệt
- Đà Nẵng: Đất nền vùng ven tăng giá
- Đà Nẵng: Đổ xô ra vùng ven mua đất
- Kênh huy động vốn mới cho bất động sản
- Muốn công chứng bán xe, phải mang xe đến?
- Nghịch lý thị trường bất động sản ở Đà Nẵng
- Thắt chặt tín dụng với thị trường bất động sản: Người dân có nhiều cơ hội mua nhà hơn
- Triển vọng thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại
- Thị trường bất động sản chờ đợi gì ở năm Tân Mão?
- Thị trường bất động sản năm 2010: Không nóng ảo!
- Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 2011
- Chính sách mới về giảm nợ và thu nợ tiền sử dụng đất quy ra vàng
- Giá đất tại Đà Nẵng năm 2011: Cao nhất 35,28 triệu đồng/m2
- Thành lập Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng
- Hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng Vẫn phân biệt đối xử công - tư
- Khó khăn trong chuyển nhượng căn hộ
- Giá đất sốt từng ngày
- Đà Nẵng: Đất đô thị có mức giá cao nhất 25,2 triệu đồng/m2