(Baodautu.vn) Tầm ngắm hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) năm 2014 của nhà đầu tư nước ngoài là các ngành: tài chính, ngân hàng, công nghiệp, y tế và bất động sản.
Thống kê từ các tổ chức nghiên cứu M&A như MergerMarket, IMAA và AVM Vietnam cho thấy, hoạt động M&A tại Việt Nam tăng trưởng gấp 5 lần kể từ năm 2009 (từ 1,08 tỷ USD lên 5,1 tỷ USD năm 2012).
Tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực trong tầm ngắm hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) năm 2014 |
Năm 2013, hoạt động M&A có xu hướng giảm nhẹ, với tổng giá trị ước đạt 4 tỷ USD. Tuy nhiên, đây cũng là năm xuất hiện nhiều thương vụ ấn tượng.
Hàng loạt thương vụ “khủng” như: KKR rót 200 triệu USD cho Masan Consumer; Masan Consumer mua 65,5% cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo; SCG (Thái Lan) bỏ ra 4.900 tỷ đồng mua 85% cổ phần của Prime Group; Warburg Pincus rót 200 triệu USD vào Vincom Retail; HDBank sáp nhập DaiAbank và mua lại Công ty TNHH một thành viên Tài chính Việt - Societe (SGVF); PVFC hợp nhất Western Bank thành PVComBank; MBS hợp nhất VITS; Viettel mua 70% cổ phần Xi măng Cẩm Phả của Vinaconex...
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Công ty AVM Vietnam, năm 2014 và những năm tiếp theo, thị trường M&A vẫn tiếp tục sôi động. Các thương vụ thời gian tới sẽ tập trung vào các ngành, như tài chính - ngân hàng, bất động sản, y tế, công nghiệp..., với sự quan tâm đặc biệt của khối nhà đầu tư nước ngoài.
Khối ngoại thâm nhập mạnh ngành tài chính - ngân hàng
Trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, M&A ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam diễn ra sôi động. Số thương vụ M&A trong ngành ngân hàng nhiều hơn so với các năm trước đó và so với các ngành khác với một loạt thương vụ sáp nhập đã được công bố và thực hiện.
Năm 2013, trong tổng số 39 ngân hàng thương mại Việt Nam, có 15 đơn vị đã có đối tác chiến lược cùng ngành. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn 3 ngân hàng nằm trong diện kiểm soát đặc biệt cần tiếp tục tính tới phương án sáp nhập, hoặc chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài cùng ngành. Hơn nữa, với phương án để đối tác nước ngoài có thể kiểm soát một ngân hàng trong nước, Chính phủ đã có chủ trương nâng hạn mức sở hữu nước ngoài trên 30% và thực tế, đã có tiền lệ cho trường hợp của SCB. Do đó, các trường hợp khác cũng có thể được thực hiện.
Ông Đặng Xuân Minh, Giám đốc Công ty AVM Vietnam nhận xét, nhìn chung, M&A trong ngành ngân hàng dự báo sẽ vẫn sôi động trong trung hạn, do nằm trong lộ trình tái cấu trúc ngành ngân hàng Việt Nam. Dự báo, số lượng ngân hàng thương mại sẽ được giảm từ 39 hiện nay về 13 - 15 vào năm 2017.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong năm 2014, sẽ M&A 6 - 7 ngân hàng và nhiều khả năng có thêm ngân hàng thực hiện M&A ở giai đoạn cuối của đề án tái cấu trúc, làm lành mạnh hệ thống, giảm bớt số lượng ngân hàng yếu kém, tạo niềm tin cho thị trường.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có tiền lệ cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu chi phối ngân hàng cổ phần. Vì vậy, những ngân hàng nhỏ, nhưng có năng lực nhất định về dịch vụ phi tín dụng truyền thống bao gồm tín dụng tiêu dùng, thẻ, thanh toán sẽ là mục tiêu của nhiều định chế tài chính nước ngoài lớn đến từ Australia và Canada, vốn chưa có sự hiện diện đáng kể tại Việt Nam.
Bất động sản, dược phẩm, y tế khởi sắc
Năm 2013 là năm có nhiều thương vụ M&A quy mô hàng trăm triệu USD trong ngành bất động sản tập trung chính ở các hoạt động như bán dự án bất động sản có tính thanh khoản cao; việc thâu tóm các dự án lớn của các tập đoàn nước ngoài. Hiện tượng các chủ đầu tư bán hàng loạt dự án có thể do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, xu hướng bán dự án để thu hồi vốn, giải tỏa áp lực cho doanh nghiệp trong lúc thị trường khó khăn là việc làm cần thiết để doanh nghiệp bất động sản thích nghi và tồn tại trong giai đoạn khủng hoảng.
Bằng cách đầu tư trực tiếp vào các dự án phát triển quỹ đất và các dự án xây dựng mới, phối hợp với các chủ đầu tư trong nước có kinh nghiệm và năng lực, dự đoán, năm 2014 sẽ là một năm hợp tác thành công của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Với ngành công nghiệp dược phẩm, y tế, hoạt động M&A được dự báo sẽ tiếp tục sôi động với các hoạt động thâu tóm, hoặc hợp nhất. Nguyên nhân là bản thân ngành này sẵn có một tiềm năng phát triển dành cho hoạt động M&A của các công ty y dược nội địa - tính chất dài hạn của ngành, cùng với các chiến lược phát triển, mở rộng với động lực chi phối, kiểm soát thị trường của các doanh nghiệp lớn.
M&A trong ngành công nghiệp tiếp bước
Nổi bật nhất sẽ là ngành công nghiệp xi măng khi hàng loạt nhà máy trong ngành này đang gặp nhiều khó khăn, nhưng không phải công ty vật liệu xây dựng nào muốn bán cũng được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Trong năm 2014, khi lực cầu đầu tư chưa đủ mạnh với niềm tin thị trường yếu ớt, bối cảnh ngành xi măng đang gặp khó khăn về đầu ra như hiện nay, thì việc đẩy mạnh xuất khẩu, tìm được đầu ra cho sản phẩm là vô cùng cấp bách. M&A là xu thế tất yếu không của riêng ngành xi măng, mà còn của cả ngành vật liệu xây dựng nói chung, là lối thoát tốt nhất để các doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản.
Ngành công nghiệp nhựa cũng là ngành nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Dự báo, trong giai đoạn 2014 - 2020, sẽ có không ít tập đoàn nhựa nước ngoài chuyên về nhựa kỹ thuật cao, nhựa công nghiệp và nhựa gia dụng cao cấp đang có dự án đầu tư toàn cầu và muốn mở rộng quy mô kinh doanh qua hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, xét về đầu vào, các công ty sản xuất, kinh doanh ngành nhựa trong nước đều có nguyên liệu, máy móc, công nghệ nhập khẩu. Doanh thu hầu hết đến từ thị trường nội địa, xuất khẩu không vượt trội (hiện chỉ mới có Nhựa Bình Minh và Nhựa Đại Đồng Tiến đã tiến hành kinh doanh, đầu tư ở nước ngoài). Hơn nữa, xét về đầu ra, lợi nhuận hiện tại ở thị trường trong nước tương đối thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Vì vậy, trong giai đoạn kinh doanh khó khăn vẫn tiếp diễn như hiện nay, không ít công ty kỳ vọng vào M&A để có thêm cơ hội sống sót, hoặc phát triển lớn mạnh khi doanh nghiệp nội có thể mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tăng thị phần, tăng sức cạnh tranh, tăng vốn để trang bị công nghệ mới, tăng độ phủ hệ thống phân phối trong nước.
* Sáng 17/7, Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố thông tin chính thức về Diễn đàn Mua bán sáp nhập Doanh nghiệp Việt Nam năm 2014 (M&A Vietnam Forum 2014). * Diễn đàn được tổ chức ngày 7/8/2014, tại Trung tâm Hội nghị White Palace, Hoàng Văn Thụ, Thành phố Hồ Chí Minh |
Hữu Tuấn
Theo Báo Đầu tư
Các bản tin khác
- Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2030
- Siết tín dụng bất động sản: Loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"
- Cam kết lợi nhuận tựa con dao hai lưỡi
- 03/08/2018 1:25 PM Sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế
- Việt Nam sẽ có đô thị thông minh vào 2025
- 'Địa ốc hạng sang Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển'
- Biến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thành điểm “ngắm cảnh, ăn uống, vui chơi”?
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Cú hích xây dựng Đà Nẵng đột phá, đáng sống
- Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore liên kết hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng
- Dự án căn hộ cao cấp: Những hiện tượng lạ trên thị trường
- Bài toán giải quyết rủi ro khi đầu tư thị trường bất động sản nam Đà Nẵng
- Giá đất tái định cư tại một số dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ
- Phát triển đô thị Đà Nẵng: Hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường
- Sắp có ‘thuốc’ trị tranh chấp tại các chung cư
- Việt Nam có quá ít bất động sản xanh
- Siết lập vi bằng, mua bán nhà bớt rủi ro
- Nhận diện lực đẩy mới của thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Chẳng dại gì mang 800 triệu mua đất ngoại thành, chọn chung cư mà ở
- Sốc với ưu đãi chưa từng có tại công viên giải trí nổi tiếng Đà Nẵng
- Ngắm hoàng hôn trên Cầu Vàng – Bà Nà Hills