TT - Có tình trạng người dân góp tiền mua nhà, chủ đầu tư lấy tiền đó làm việc khác khiến người dân chờ đợi mòn mỏi rất đau khổ.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội): “Tôi đề nghị chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức về vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn thôi, chứ về nơi thuận lợi rồi thì tại sao phải tạo điều kiện thêm nữa” |
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM): Quy định về các hành vi bị cấm trong dự thảo Luật còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe các chủ đầu tư “đại lừa”, do vậy cần quy định mạnh mẽ hơn - Ảnh: Hoàng Nam |
Chiều 24-10, trong phiên làm việc của Quốc hội về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), vấn đề các đại biểu tập trung đề nghị ban soạn thảo làm rõ là cơ chế, chính sách bảo vệ người mua nhà.
Ðại biểu Ðỗ Văn Ðương (TP.HCM) nói lâu nay ở các địa phương có hàng nghìn hecta đất để hoang hóa, trong khi đây là những diện tích đất để phát triển nhà ở và chủ đầu tư đã thu tiền của người mua nhà.
“Qua bao nhiêu năm vẫn chỉ là bãi cỏ hoang không có nhà. Những chủ đầu tư đó cũng không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Như vậy là lừa người dân và lừa cả Nhà nước, có thể nói là đại lừa. Giải quyết tình trạng này như thế nào?” - ông Ðương bày tỏ sự bức xúc.
Chưa đủ sức răn đe chủ đầu tư “đại lừa”
Ông Ðương cho rằng quy định về các hành vi bị cấm trong dự thảo luật còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe các chủ đầu tư “đại lừa”, do vậy cần quy định mạnh mẽ hơn.
Cụ thể như quy định rõ các hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong kinh doanh bất động sản, trong đó có hành vi huy động, chiếm dụng vốn trái phép
Ðại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng phản ảnh tình trạng người dân góp tiền mua nhà, chủ đầu tư lấy tiền đó làm việc khác khiến người dân chờ đợi mòn mỏi rất đau khổ.
Ông Lịch phân tích dự thảo luật nặng về quy định phần trăm số tiền góp vốn mua nhà, trong khi đây là cơ chế thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách, lẽ ra luật nên có những điều khoản chặt chẽ để bảo vệ vốn góp của người mua nhà.
Ông Lịch hiến kế: “Cần có quy định bắt buộc tiền góp mua nhà phải được ký gửi tại một ngân hàng nhất định, tiền ký gửi này chỉ được giải ngân để thực hiện công trình, cấm sử dụng mục đích khác. Ðồng thời người góp vốn có quyền yêu cầu ngân hàng và chủ đầu tư thông báo tình hình tài khoản ký gửi đó”.
Ðể nâng cao năng lực của chủ đầu tư kinh doanh bất động sản, ông Phạm Huy Hùng (nguyên chủ tịch HÐQT Ngân hàng Vietinbank) cho rằng cần nâng cao điều kiện vốn pháp định của doanh nghiệp.
“Dự thảo luật quy định mức vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là 20 tỉ đồng. Tôi chưa nhất trí. Cái vốn này nói lên năng lực của chủ đầu tư như thế nào. Dự án hàng nghìn mét vuông mà ông chỉ có 20 tỉ thì không đáng kể” - ông Hùng nói.
Trước đó, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết có ý kiến đề nghị mức vốn pháp định tối thiểu là 50 tỉ đồng, một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với từng thời kỳ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định mức vốn pháp định tối thiểu 50 tỉ đồng là quá cao so với mặt bằng vốn chung của các doanh nghiệp đang hoạt động.
Người nước ngoài được sở hữu 30% căn hộ chung cư
Trong khi đó, dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) được trình Quốc hội thảo luận sáng 24-10 cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại VN nhưng không được mua quá 30% số lượng căn hộ trong một chung cư.
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với quy định cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở nhưng cho rằng quy định “cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào VN” là có quyền mua nhà thì quá rộng.
Ủng hộ quan điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại VN bởi như vậy là phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, nhưng đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) băn khoăn:
"Đối tượng quá rộng, không tính đến thời gian nhập cảnh, mục đích nhập cảnh, tức là vào VN đi du lịch cũng được mua nhà. Nếu dễ dãi quá thì dễ xảy ra tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường” - ông Minh nói.
Ông Minh và nhiều ý kiến khác đề nghị nghiên cứu để quy định rõ đối tượng được quyền sở hữu nhà gắn với mục đích, thời gian nhập cảnh vào VN.
Ðại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đồng ý giới hạn điều kiện mua nhà của người nước ngoài về số lượng, vị trí nhưng đề nghị không nên hạn chế các quyền khác, ví dụ như quyền cho thuê lại.
Quá nhiều đối tượng có nhà công vụ
Theo quy định của dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) thì gần như tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều thuộc đối tượng được thụ hưởng nhà ở công vụ. Ða số đại biểu Quốc hội cho rằng quy định như vậy là quá rộng và không đảm bảo tính khả thi.
Theo đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội), ngoài lãnh đạo Ðảng, Nhà nước cần phải đảm bảo an ninh thì nhà công vụ chỉ phục vụ cán bộ luân chuyển đến vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.
Ví dụ dự thảo luật quy định đối tượng được thuê nhà ở công vụ là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được điều động, luân chuyển theo yêu cầu công tác.
"Quy định như vậy rất rộng, vì từ nơi khó khăn về trung tâm cũng là theo yêu cầu công tác. Tôi đề nghị chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức về vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn thôi, chứ về nơi thuận lợi rồi thì tại sao phải tạo điều kiện thêm nữa” - ông Hà bày tỏ.
Ðại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng cần thu hẹp đối tượng hưởng chính sách nhà ở công vụ để đưa họ tiếp cận nhà ở xã hội. Chỉ nên quy định đối tượng được hưởng nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước trong thời gian đảm nhận chức vụ.
Các đối tượng thực thi công vụ khác chỉ hưởng chính sách nhà ở công vụ khi họ luân chuyển về công tác tại vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
Còn đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị: Chính sách phát triển nhà công vụ phải đảm bảo công khai, minh bạch, quyền giám sát của Quốc hội, HÐND. Khi sử dụng ngân sách, quỹ đất xây dựng nhà công vụ phải báo cáo Quốc hội (ở trung ương) và HÐND (ở địa phương).
Ở trung ương chỉ nên xây dựng nhà công vụ cho đối tượng từ bộ trưởng trở lên. Tại địa phương, những nơi chưa có nhà ở thương mại mới xây nhà công vụ, còn nơi có nhà ở thương mại rồi thì hỗ trợ nhà ở bằng tiền hoặc qua chế độ lương.
Cứ nhập cảnh là được mua nhà Theo dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại VN bao gồm: a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại VN theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan; b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại VN; c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào VN. Các đối tượng thuộc mục b, c được sở hữu nhà với điều kiện chỉ được mua, thuê mua và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua và sở hữu không quá 250 căn nhà. |
Các bản tin khác
- 2 cách để xác nhận CMND khi chuyển sang Căn cước công dân
- Mua đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu có được cấp Sổ đỏ?
- Cách mua bán đất khi chưa có Sổ đỏ
- Xây dựng phương án mở về đền bù, tái định cư
- Triển khai lập Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030
- Tin tổng hợp Đà Nẵng:
- Đã đến lúc phải tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân
- Những trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất khi làm Sổ đỏ
- Sau tất cả, chuyên gia tin đất Đà Nẵng sẽ tăng giá thêm 30-50%
- 5 trường hợp phải sang tên Sổ đỏ
- Đà Nẵng cảnh báo cho người dân về 'sổ đỏ' giả
- Đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu vẫn được cấp Sổ đỏ
- Bán nhà mà không bán đất có được không?
- Toàn bộ người lao động sẽ được nghỉ làm chiều thứ 7?
- Có được mượn cớ mất sổ để làm lại Sổ đỏ?
- Giấy tờ giả "hành" công chứng viên
- Thủ tục làm Sổ đỏ cho đất không có giấy tờ
- Không được chứng thực chữ ký Giấy ủy quyền mua bán đất
- 4 trường hợp thu hồi Sổ đỏ mới nhất
- Khu vực đường Bạch Đằng: Cho phép dừng, đỗ phương tiện đón trả khách không quá 5 phút