VOV.VN - Quy định này sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn cũng như bảo đảm quyền lợi cho người góp vốn mua nhà.
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có một số nội dung mới siết chặt hoạt động đầu tư xây dựng trong lĩnh vực bất động sản, trong đó có quy định chủ đầu tư dự án phải được tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai.
Thị trường bất động sản đóng băng, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở hết vốn, chậm tiến độ, thậm chí “cao chạy xa bay” với hàng trăm tỷ đồng góp vốn của người dân. Điển hình là các vụ việc xảy ra ở Hà Nội gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, như dự án Tricon Towers ở Bắc An Khánh, Hoài Đức; dự án B5 Cầu Diễn ở Từ Liêm; dự án Hesco ở Văn Quán, Hà Đông…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, bảo lãnh là quy định cần thiết để góp phần giảm nguồn cung ảo cũng như những dự án mà trên thực tiễn sẽ khó hoàn thành
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, quy định này sẽ làm khó cho nhiều nhà đầu tư, nhưng đó chỉ là những nhà đầu tư nhỏ, kém năng lực: “Thời gian vừa qua có rất nhiều nhà đầu tư thấy lợi nhuận của thị trường bất động sản nói chung, nhà ở nói riêng lao vào làm nhưng nhiều nhà đầu tư dưới hình thức tay không bắt giặc, khá nhiều nhà đầu tư lợi dụng sơ hở không có bảo lãnh để tiến hành xin dự án mà không có kinh phí để triển khai. Vì thế tôi ủng hộ phải siết chặt cái này, để đảm bảo đúng là nhà đầu tư có đủ năng lực để thực hiện dự án. Đây là điều mà tất cả các nước trên thế giới đều làm”.
Cũng đồng tình với quy định về bảo lãnh, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các cơ quan chức năng phải nghiên cứu, xem xét thực tế một cách kỹ lưỡng khi ban hành các văn bản dưới Luật, tránh để nhiều dự án tắc nghẽn không triển khai được trong thời gian dài.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, quy định mới trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ ràng buộc các doanh nghiệp bất động sản hoạt động quy củ hơn, tăng trách nhiệm và sự uy tín trên thị trường: “Bây giờ rất nhiều dự án nhỏ lẻ, bán nhà xong là không có trách nhiệm gì cả, bỏ đi cuối cùng thành phố, người dân phải lo hết. Ví dụ như Phú Mỹ Hưng đến thời điểm này họ vẫn lo hết, từ bảo vệ đến tu sửa, dọn dẹp, tức là phát triển đô thị có trách nhiệm, không để gánh nặng lên người dân và thành phố. Tôi nghĩ dần dần chúng ta phải tiếp cận với bước đi thế giới, có đủ hàng cho người dân và người dân khi đã đặt tiền vào mua thì an toàn”.
Băn khoăn khi có tới hơn 90% doanh nghiệp bất động sản trong nước là nhỏ và vừa, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Reenco Sông Hồng, thuộc Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng lo ngại, khi Luật này đi vào cuộc sống, cũng có nghĩa là nhiều doanh nghiệp phải tự giải thể. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực tài chính và tự điều chỉnh nếu muốn tồn tại: “Tuân thủ quy định mới này, nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời thị trường. Chúng ta cần có lộ trình để các doanh nghiệp tự hoàn chỉnh, nếu nhỏ quá sẽ sát nhập và hợp tác với nhau, nếu chưa đủ điều kiện phải tạo mọi điều kiện để triển khai được các dự án trong tương lai”.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, bảo lãnh là quy định cần thiết để góp phần giảm nguồn cung ảo cũng như những dự án mà trên thực tiễn sẽ khó hoàn thành hoặc có độ trễ dài. Hơn nữa, hiện hàng tồn kho vẫn còn nhiều, nên chủ trương của Chính phủ là không khuyến khích việc bán nhà hình thành trong tương lai, tránh tình trạng thừa cung trong thời gian tới.
Quy định về bảo lãnh trong hoạt động mua bán bất động sản hình thành trong tương lai được kỳ vọng sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường bất động sản, bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Đã đến lúc các nhà đầu tư nhà ở cần làm thật, bán thật, phù hợp với đúng năng lực tài chính của mình./.
Các bản tin khác
- Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2030
- Siết tín dụng bất động sản: Loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"
- Cam kết lợi nhuận tựa con dao hai lưỡi
- 03/08/2018 1:25 PM Sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế
- Việt Nam sẽ có đô thị thông minh vào 2025
- 'Địa ốc hạng sang Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển'
- Biến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thành điểm “ngắm cảnh, ăn uống, vui chơi”?
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Cú hích xây dựng Đà Nẵng đột phá, đáng sống
- Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore liên kết hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng
- Dự án căn hộ cao cấp: Những hiện tượng lạ trên thị trường
- Bài toán giải quyết rủi ro khi đầu tư thị trường bất động sản nam Đà Nẵng
- Giá đất tái định cư tại một số dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ
- Phát triển đô thị Đà Nẵng: Hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường
- Sắp có ‘thuốc’ trị tranh chấp tại các chung cư
- Việt Nam có quá ít bất động sản xanh
- Siết lập vi bằng, mua bán nhà bớt rủi ro
- Nhận diện lực đẩy mới của thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Chẳng dại gì mang 800 triệu mua đất ngoại thành, chọn chung cư mà ở
- Sốc với ưu đãi chưa từng có tại công viên giải trí nổi tiếng Đà Nẵng
- Ngắm hoàng hôn trên Cầu Vàng – Bà Nà Hills