ĐNĐT - Ngày 20-3, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi đối thoại với 101 hộ có nhà và đất ở trong diện giải tỏa ở khu vực chợ Cồn.
.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Trần Thọ và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tiếp xúc với hộ giải tỏa để nắm bắt nguyện vọng người dân |
Tại buổi tiếp xúc, người dân đã bày tỏ sự đồng tình về chủ trương di dời, giải tỏa để nâng cấp, xây dựng Trung tâm thương mại chợ Cồn. Tuy nhiên, mục đích lớn lao hơn là chỉnh trang đô thị, cải thiện chỗ ở cho người dân và phát triển kinh tế.
Ông Phạm Lạc (trú tổ 10, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) cho biết gia đình ông chỉ có 47m2 đất ở nhưng có đến 15 nhân khẩu với 3 hộ gia đình. Nhà ở gần chợ nên nhiều năm qua bị ô nhiễm mùi hôi, nước thải. Ông Lạc tha thiết được thành phố giải tỏa, bố trí tái định cư (TĐC) để gia đình có chỗ ở mới, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.
Cũng ở tổ 10, bà Nguyễn Thị Hường nói gia đình đã mong mỏi được giải tỏa suốt 13 năm qua vì thường xuyên nghe thông tin đầu tư dự án cải tạo chợ Cồn. Những người xung quanh gia đình bà Hường cũng khắc khoải chờ đợi nhận quyết định đầu tư chính thức từ chính quyền thành phố bởi nhiều hộ gia đình đã sống ở nơi đây suốt gần 50 năm qua trong những ngôi nhà khá chật chội.
“Đà Nẵng đã phát triển từng ngày, đổi thay từng ngày và đô thị Đà Nẵng khang trang, hiện đại đang là niềm tự hào của người dân thành phố. Nhưng khu vực Cầu Vồng với các tổ dân phố 10, 11 phường Hải Châu 2 lại là khu phố “ổ chuột”, mang hình bóng của đô thị cũ. Chúng tôi tha thiết được giải tỏa, bàn giao mặt bằng để nâng cấp chợ Cồn cho khang trang và chỉnh trang đô thị thành phố”, một hộ dân thuộc diện giải tỏa trình bày với lãnh đạo thành phố.
Nhiều cánh tay đưa lên mạnh mẽ bày tỏ sự đồng thuận về di dời giải tỏa |
Lòng dân đồng thuận với chủ trương giải tỏa như “nắng hạn gặp mưa rào” nhưng cũng âu lo, trăn trở về chính sách đền bù giải tỏa, bố trí TĐC, giải quyết các hồ sơ pháp lý về đất do có nhiều hộ chưa được lập quyền sử dụng đất, nhà ở thuê. Nhiều hộ có diện tích đất ở quá nhỏ nên giá trị đền bù ít và sẽ rất khó có điều kiện để mua nhà, đất ở sau giải tỏa.
Nói chuyện với bà con, Bí thư Thành ủy Trần Thọ nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố muốn nghe ý kiến của người dân, người dân được chọn các phương án trong việc thực hiện đền bù, giải tỏa và bố trí TĐC.
Theo đó, người dân được chọn giữa việc đền bù theo giá thị trường thì đi theo đó là mua nhà ở mới, đất ở TĐC cũng định giá theo giá thị trường. Nếu thuận theo phương án đền bù theo giá quy định của thành phố thì cũng hưởng các quyền lợi ưu đãi về giá tương ứng.
Về ổn định nơi ở TĐC, theo chủ trương chung của thành phố, những hộ giải tỏa có diện tích thu hồi dưới 50m2 sẽ được bố trí mua nhà ở chung cư hoặc giao đất có thu tiền chuyển quyền sử dụng đất ở khu vực phường Hòa Cường Nam. Nhà ở chung cư được bố trí ở các khu chung cư đầu tư xây dựng mới tại đường Ông Ích Khiêm và đường Đống Đa.
Bí thư Thành ủy Trần Thọ, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ kiểm tra thực tế tại khu vực tổ 10, 11 và 12, phường Hải Châu 2. Ảnh: H.Hiệp |
Hộ có diện tích thu hồi trên 50m3 được bố trí mua nhà chung cư và mua thêm đất ở TĐC. Tùy vào diện tích đất thu hồi và hồ sơ pháp lý về nhà đất sẽ bố trí thêm đất TĐC theo các quy định áp dụng về tính giá đất hộ phụ giải tỏa hoặc tính hệ số so với đơn giá đất. Thành phố sẽ vận động các cơ quan, đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ những hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo làm nhà ở.
Đất ở TĐC hay căn hộ chung cư được nợ tiền chuyển quyền sử dụng trong thời gian 5 năm. Nếu tiếp tục nợ thì phát sinh lãi suất nhưng mức lãi suất sẽ thấp hơn lãi suất áp dụng cho vay đối với chương trình nhà ở xã hội.
Qua cuộc tiếp xúc, các đơn vị chức năng của thành phố sẽ tiến hành lập phiếu khảo sát đến 101 hộ dân trong khu vực giải tỏa. Nếu có sự đồng thuận với chủ trương di dời giải tỏa, phương án đền bù thiệt hại, bố trí TĐC với tỷ lệ 80%, thành phố sẽ quyết định chủ trương đầu tư nâng cấp chợ Cồn.
Điểm đặc biệt ở dự án này là thành phố đã chuẩn bị sẵn quỹ đất TĐC, hộ giải tỏa có ngay điều kiện làm nhà ở mới trước khi bàn giao mặt bằng.
Triệu Tùng
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2030
- Siết tín dụng bất động sản: Loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"
- Cam kết lợi nhuận tựa con dao hai lưỡi
- 03/08/2018 1:25 PM Sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế
- Việt Nam sẽ có đô thị thông minh vào 2025
- 'Địa ốc hạng sang Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển'
- Biến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thành điểm “ngắm cảnh, ăn uống, vui chơi”?
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Cú hích xây dựng Đà Nẵng đột phá, đáng sống
- Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore liên kết hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng
- Dự án căn hộ cao cấp: Những hiện tượng lạ trên thị trường
- Bài toán giải quyết rủi ro khi đầu tư thị trường bất động sản nam Đà Nẵng
- Giá đất tái định cư tại một số dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ
- Phát triển đô thị Đà Nẵng: Hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường
- Sắp có ‘thuốc’ trị tranh chấp tại các chung cư
- Việt Nam có quá ít bất động sản xanh
- Siết lập vi bằng, mua bán nhà bớt rủi ro
- Nhận diện lực đẩy mới của thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Chẳng dại gì mang 800 triệu mua đất ngoại thành, chọn chung cư mà ở
- Sốc với ưu đãi chưa từng có tại công viên giải trí nổi tiếng Đà Nẵng
- Ngắm hoàng hôn trên Cầu Vàng – Bà Nà Hills