Hôm nay (25/7), Bộ trưởng Hà Hùng Cường chủ trì phiên họp Chiến lược phát triển ngành tư pháp. Tham dự phiên họp có các Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, các nguyên Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, Phạm Quý Tỵ; đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, một số Bộ có liên quan và nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Định hướng Chương trình thảo luận, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các đại biểu tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng như: Tên của Chiến lược là phát triển ngành tư pháp hay phát triển công tác tư pháp; phạm vi điều chỉnh, cấu trúc của Chiến lược; các phần, nội dung cụ thể trong từng phần để bảo đảm bao quát rộng và đánh giá sâu về các lĩnh vực cốt lõi và phù hợp với khuôn khổ chung của Chiến lược; đồng thời cần đưa ra các định hướng lớn trong từng giai đoạn.
Xây dựng ngành Tư pháp là ngành trọng yếu của Chính phủ trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược pháp luật của đất nước
Theo Dự thảo Chiến lược, mục tiêu tổng quát phát triển ngành Tư pháp đến năm 2030 là xây dựng ngành Tư pháp với chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức phù hợp với yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN, phù hợp với thông lệ quốc tế; giúp Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật, quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, dịch vụ pháp lý, dịch vụ công; hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, tận tụy và có trách nhiệm với nhân dân; góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.
Về mục tiêu cụ thể, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngành Tư pháp giữ vai trò chủ trì giúp Chính phủ, Quốc hội, các cấp chính quyền địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước; củng cố và phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực quản lý cốt lõi của ngành Tư pháp về xây dựng và thi hành pháp luật, hành chính tư pháp, thi hành án, hiện đại hóa và tổ chức cung cấp các dịch vụ do Bộ Tư pháp quản lý… Giai đoạn từ năm 2020 – 2030, ngành Tư pháp sẽ là ngành trọng yếu của Chính phủ trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược pháp luật của đất nước; xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp quốc tế mà Chính phủ là một bên; bảo vệ và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, lĩnh vực tư pháp.
Điều chỉnh thời gian phù hợp với những Đề án, Chiến lược chung của đất nước
Cơ bản nhất trí với Dự thảo Chiến lược, các thành viên đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Chiến lược. Các ý kiến cho rằng, dự thảo Chiến lược phải cập nhật được những nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp được giao đảm nhiệm, nhất là những nhiệm vụ “cốt lõi”. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh thời gian của Chiến lược đến 20 năm cho phù hợp với những Đề án, Chiến lược chung của đất nước. Các đại biểu cũng đề nghị trong phiên họp này phải “chốt” được tên của Chiến lược, nhiều ý kiến cho rằng tên Chiến lược phát triển ngành tư pháp sẽ mang tính bao quát, bao trùm hơn là Chiến lược phát triển công tác tư pháp. Tuy vậy, cũng cần phải giới hạn lại phạm vi như quy định rõ “không có tòa án, kiểm sát, để cho người đọc không nghĩ tư pháp đã bỏ sót những quy định này”
Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh cho rằng, Dự thảo Chiến lược phải nói được tới đây ngành Tư pháp có những chức năng, nhiệm vụ nào, nguồn lực ra sao. Chẳng hạn, tại nhiều nước, cán bộ làm công tác hộ tịch là người của Trung ương phân bổ về địa phương, thậm chí ở Hàn Quốc, Tòa án Tối cao quản lý thống nhất công tác này. Còn ở nước ta, biên chế cán bộ tư pháp hộ tịch hiện do chính quyền địa phương quyết định, dẫn tới tình trạng Bộ, Sở, Phòng Tư pháp chỉ đạo không nghe, vẫn bắt dân thêm giấy tờ, thủ tục ngoài quy định. “Trong công tác hộ tịch chỉ cần 4.000 cán bộ chuyên trách, không nhất thiết phải rải mành mành mỗi xã có 1 cán bộ tư pháp hộ tịch” – ông Khanh mạnh dạn đề xuất.
Nhân lực chất lượng cao là nhân tố quyết định, đột phá trong hoàn thiện thể chế
Quan tâm đến mục tiêu phát triển, Chánh Văn phòng Bộ Trần Tiến Dũng đề nghị phải xác định 5-6 lĩnh vực trọng tâm để tập trung triển khai như xã hội hóa công tác thi hành án dân sự tới mức nào hay cán bộ làm công tác tư pháp phải ra sao, chứ 1-2 cán bộ làm hơn 20 đầu việc thì khó chuyên nghiệp được. GS.Lê Hồng Hạnh cũng nêu quan điểm phải chọn mảng công việc chủ lực, thực sự là dấu ấn của ngành Tư pháp để ngành bứt phá hơn nữa và ngày càng được xã hội ghi nhận. Một số ý kiến khác lại đưa ra những giải pháp thực hiện Chiến lược. Ông Trần Văn Xuân đến từ Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, Dự thảo cần có kiến nghị kinh phí đầu tư xây dựng pháp luật theo cách tiếp cận mới sao cho đảm bảo mối tương quan giữa kinh phí bỏ ra với hiệu quả công việc.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, thể chế tạo sức cạnh tranh rất lớn và muốn hoàn thiện thể chế thì nhân lực chất lượng cao là nhân tố quyết định, đột phá. Đồng tình quan điểm trên, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền còn cho rằng, Chiến lược “vẫn thiếu bóng giải pháp” và đề nghị bổ sung giải pháp về sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp.
Phân tích một cách cụ thể những nhân tố tác động đến ngành Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chỉ ra rằng, phải xuất phát từ quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; vì mục tiêu hành chính nhà nước hiệu quả. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần xác định Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện quyền hành pháp, định hướng phát triển của Bộ Tư pháp tác động đến định hướng phát triển của Chính phủ và ngược lại… Đến 2020 là giai đoạn “triển khai thi hành Hiến pháp 2013, không thể đi chệch Hiến pháp”. Đồng tình về quan điểm cần điều chỉnh thời gian đến năm 2035, nhưng Bộ trưởng cũng đề nghị tiếp tục cân nhắc thêm. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đưa ra ý kiến định hướng chỉ đạo về cấu trúc, nội dung…của Chiến lược để Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý. Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu, không thể chậm trễ hơn nữa trong xây dựng Chiến lược, phải cố gắng theo đúng kế hoạch trình Chính phủ vào cuối năm nay.
Hoàng Vy Anh
Theo Cổng TTĐT Bộ Tư pháp
Các bản tin khác
- 2 cách để xác nhận CMND khi chuyển sang Căn cước công dân
- Mua đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu có được cấp Sổ đỏ?
- Cách mua bán đất khi chưa có Sổ đỏ
- Xây dựng phương án mở về đền bù, tái định cư
- Triển khai lập Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030
- Tin tổng hợp Đà Nẵng:
- Đã đến lúc phải tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân
- Những trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất khi làm Sổ đỏ
- Sau tất cả, chuyên gia tin đất Đà Nẵng sẽ tăng giá thêm 30-50%
- 5 trường hợp phải sang tên Sổ đỏ
- Đà Nẵng cảnh báo cho người dân về 'sổ đỏ' giả
- Đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu vẫn được cấp Sổ đỏ
- Bán nhà mà không bán đất có được không?
- Toàn bộ người lao động sẽ được nghỉ làm chiều thứ 7?
- Có được mượn cớ mất sổ để làm lại Sổ đỏ?
- Giấy tờ giả "hành" công chứng viên
- Thủ tục làm Sổ đỏ cho đất không có giấy tờ
- Không được chứng thực chữ ký Giấy ủy quyền mua bán đất
- 4 trường hợp thu hồi Sổ đỏ mới nhất
- Khu vực đường Bạch Đằng: Cho phép dừng, đỗ phương tiện đón trả khách không quá 5 phút