Kiều bào muốn mua nhà đất trong nước cần phải chuẩn bị nhiều bước: xác minh nguồn gốc Việt Nam, quy trình chuyển tiền, thuê luật sư chuyên nghiệp, tìm đơn vị môi giới uy tín hỗ trợ giao dịch... mới có thể đầu tư an toàn, hiệu quả
Để được mua nhà và hưởng các quyền như người trong nước, kiều bào phải chứng minh nguồn gốc Việt Nam, khâu này mất rất nhiều thời gian, đặc biệt đối với những người thất lạc khai sinh và hộ khẩu. Ảnh: Vũ Lê
Giảng viên bất động sản thuộc Trung tâm Tư vấn doanh nghiệp và Phát triển kinh tế vùng khoa kinh tế phát triển (Đại học kinh tế TP HCM), Ngô Đình Hãn nhận định, chính sách cho người Việt về nước mua nhà với các quyền như người trong nước là cú hích kích cầu tích cực. Tuy nhiên, để đầu tư bất động sản tại Việt Nam được thuận buồm xuôi gió, kiều bào cần lưu tâm khá nhiều vấn đề.
Bước một: Chuẩn bị pháp lý cá nhân hay điều kiện mua nhà tại Việt Nam. Người Việt ở nước ngoài nên mang đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, nhân thân nếu có. Cần tìm hiểu kỹ xem mình đủ điều kiện đứng tên chủ quyền bất động sản hay không. Nên tham vấn cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hỏi về điều kiện này.
Hiện nay giấy chứng nhận nguồn gốc người Việt do cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Kiều bào cũng cần quan tâm đến gói tư vấn chuyên biệt của doanh nghiệp bất động sản trực tiếp bán sản phẩm cho mình. Trường hợp không thể chứng minh nguồn gốc là người Việt, có thể chọn 2 giải pháp. Một là nhờ người thân đáng tin cậy đứng tên thay với điều kiện có giấy tờ chứng minh việc đứng tên hộ. Tiền thanh toán người mua là kiều bào nên thanh toán cho người bán thông qua ngân hàng. Hai là chấp nhận mua nhà với điều kiện là người nước ngoài với quyền sở hữu 50 năm, sau đó được gia hạn thêm.
Bước hai: Chuẩn bị pháp lý của dòng tiền. Nguồn tiền mua nhà chuyển từ nước ngoài về Việt Nam cần phải theo đúng quy định của pháp luật. Kiều bào nên tham vấn lời khuyên và hướng dẫn của ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng để có sự phối hợp tốt. Nên mua bằng nguồn tiền tự có thì tính an toàn sẽ cao hơn. Hạn chế vay để tránh những biến động lãi suất. Khi thanh toán tiền, kiều bào nên thông qua ngân hàng, vì đây là cơ sở quan trọng chứng minh giao dịch.
Bước ba: Cẩn trọng với pháp lý của tài sản. Kiều bào chỉ nên mua những bất động sản có pháp lý minh bạch, có chủ quyền (sổ hồng) hoặc cam kết pháp lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu mua nhà trong các dự án khu dân cư, căn hộ thì phải tìm hiểu kỹ về pháp lý dự án, thậm chí là xác minh uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp (chủ đầu tư) trước khi chọn mặt gửi vàng.
Bước bốn: Cân nhắc loại hình bất động sản cần đầu tư. Vì không thường xuyên ở Việt Nam và không tiện quản lý, giám sát tài sản, người Việt ở nước ngoài chỉ nên lựa chọn những bất động sản tạo ra giá trị gia tăng, có thể ở hoặc khai thác được qua hình thức cho thuê, dịch vụ… Đối với loại hình bất động sản này thì lợi tức phát sinh hàng tháng từ tiền cho thuê, bên cạnh đó còn có yếu tố gia tăng giá trị theo thời gian. Lưu ý vị trí của bất động sản đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc gia tăng giá trị suất đầu tư.
Bước năm: Tìm một đơn vị môi giới chuyên nghiệp hỗ trợ giao dịch. Vì từ môi trường nước ngoài có thị trường bất động sản phát triển minh bạch chuyển sang thị trường bất động sản mới nổi là Việt Nam, kiều bào không nên tự mua nhà theo kiểu "một mình một ngựa". Khi thực hiện giao dịch nhà đất nên thông qua bên thứ 3 là sàn giao dịch bất động sản uy tín để đảm bảo quy trình mua bán an toàn. Đơn vị môi giới có thể cung cấp cho kiều bào về tình hình chung của thị trường địa ốc, giá cả, giá trị tài sản và kỳ vọng cũng như tham vấn sơ bộ về hợp đồng mua bán, các thỏa thuận chung.
Bước sáu: Lưu ý bất động sản hình thành trong tương lai. Điều 56 của Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2015 quy định chủ đầu tư dự án trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết, bên mua, bên thuê mua có quyền yêu cầu ngân hàng hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác theo hợp đồng đã ký kết.
Kiều bào nên chọn mua những dự án được các ngân hàng có tên trong danh sách bảo lãnh bán nhà đang xây do Ngân hàng Nhà nước công bố. Hiện nay có 33 ngân hàng được công bố diện này. Ngoài ra kiều bào cũng cần phải chọn những chủ đầu tư uy tín, được ngân hàng thương mại đủ điều kiện cam kết hợp tác để bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà. Doanh nghiệp nào cam kết càng mạnh, được ngân hàng uy tín bảo lãnh thì độ an toàn càng cao.
Bước bảy: Tìm người quản lý tài sản đáng tin cậy để duy tu bảo dưỡng bất động sản và kiểm soát các vấn đề phát sinh. Nếu có người thân ở Việt Nam, nên nhờ người thân quản lý trực tiếp. Nếu không có họ hàng, có thể thuê đơn vị khai thác và quản lý tài sản để đại diện khai thác và quản lý hộ. Nên duy tu, bảo dưỡng thường xuyên (tốt nhất là định kỳ) để tránh tình trạng nhanh xuống cấp vì ít được quan tâm.
Bước tám: Cần liên hệ một luật sư chuyên ngành tư vấn pháp lý từ xa. Luật sư sẽ hỗ trợ người Việt ở nước ngoài từ khâu soạn thảo hợp đồng, thương lượng thêm bớt các điều khoản (nếu cần thiết) với chủ đầu tư. Nếu có nhu cầu cho thuê cũng cần một hợp đồng cho thuê chặt chẽ, đúng luật. Trường hợp muốn bán tài sản trong nước, người Việt ở nước ngoài cần được luật sư tư vấn các quyền và nghĩa vụ tài chính cụ thể.
Các bản tin khác
- Phải nộp thuế khi uỷ quyền giao dịch bất động sản
- Thị trường đất nền Đà Nẵng tăng nhiệt
- Đà Nẵng: Đất nền vùng ven tăng giá
- Đà Nẵng: Đổ xô ra vùng ven mua đất
- Kênh huy động vốn mới cho bất động sản
- Muốn công chứng bán xe, phải mang xe đến?
- Nghịch lý thị trường bất động sản ở Đà Nẵng
- Thắt chặt tín dụng với thị trường bất động sản: Người dân có nhiều cơ hội mua nhà hơn
- Triển vọng thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại
- Thị trường bất động sản chờ đợi gì ở năm Tân Mão?
- Thị trường bất động sản năm 2010: Không nóng ảo!
- Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 2011
- Chính sách mới về giảm nợ và thu nợ tiền sử dụng đất quy ra vàng
- Giá đất tại Đà Nẵng năm 2011: Cao nhất 35,28 triệu đồng/m2
- Thành lập Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng
- Hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng Vẫn phân biệt đối xử công - tư
- Khó khăn trong chuyển nhượng căn hộ
- Giá đất sốt từng ngày
- Đà Nẵng: Đất đô thị có mức giá cao nhất 25,2 triệu đồng/m2