Chiều nay tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Ngành Tư pháp (28/8/1945 – 28/8/2015) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Tới dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng; Đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương; Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương; các đồng chí Lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về phía Bộ Tư pháp có Bộ trưởng Hà Hùng Cường; các Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ Tư pháp, cán bộ lão thành, đại diện các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp
Về phía khách mời quốc tế có Bộ trưởng Tư pháp Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào; Bộ trưởng Tư pháp Vương quốc Căm – pu – chia, Bộ trưởng Tư pháp Vương quốc Thái Lan, các vị Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế và nước ngoài tại Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống của Ngành và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Các lĩnh vực công tác tư pháp ngày càng gần dân hơn
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, 70 năm qua, Ngành Tư pháp đã có sự trưởng thành vượt bậc; công tác Tư pháp đang ngày càng thấm sâu hơn vào từng việc làm thiết thực, giúp cho quốc kế, dân sinh; ngày càng gắn kết, phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành Tư pháp với chức năng xuyên suốt là xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về công tác pháp luật và các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đã bám sát thực tiễn trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành và tổ chức thi hành những chính sách, pháp luật quan trọng; xây dựng các thiết chế pháp luật, tư pháp phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đặc biệt, trong thời kỳ Đổi mới, Ngành Tư pháp đã và đang từng bước nâng tầm nhận thức lí luận, đổi mới tư duy chính trị - pháp lý trong việc nghiên cứu, đề xuất và tham gia xây dựng các chiến lược quốc gia về pháp luật, tư pháp phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao tính dự báo và chất lượng của các chương trình lập pháp, lập quy theo các nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, cũng như việc hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, nghề tư pháp; trở thành cơ quan tham mưu tin cậy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện đường hướng phát triển lĩnh vực pháp luật và tư pháp của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế...
Việc hoàn thiện tổ chức, thể chế quản lý các lĩnh vực và hoạt động của ngành Tư pháp theo lộ trình, định hướng trong các Chiến lược quốc gia và Chiến lược phát triển Ngành được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Ngành về cơ bản đều đã có luật điều chỉnh. Ngành Tư pháp đã huy động khá hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội bằng việc thực hiện nhất quán và kiên trì chủ trương xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp với những bước đi thận trọng, lộ trình phù hợp, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc và ngày càng ổn định của các nghề luật sư, công chứng, đồng thời, bước đầu phát triển nghề đấu giá viên, thừa phát lại, quản tài viên... qua đó, đảm bảo lợi ích hài hoà của cả 3 khu vực: kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và xã hội, bao gồm nhiều đối tượng hưởng chính sách, người nghèo, người dễ bị tổn thương được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước.
Từ quá trình xây dựng và trưởng thành của Ngành trong 70 năm qua, Bộ trưởng đã nêu ra các bài học quý báu để Ngành vững bước đi lên.
Ngành Tư pháp kiên định lập trường tư tưởng, giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng
Biểu dương những đóng góp của Ngành Tư pháp Việt Nam trong suốt 70 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, do bám sát đường lối, chủ trương của Đảng và thực tiễn, ngành Tư pháp đã năng động, kịp thời phát hiện và đề xuất kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều chính sách pháp lý quan trọng xây dựng các thiết chế pháp luật, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của Đất nước trong từng giai đoạn.
Tổng Bí thư cũng đã biểu dương Ngành Tư pháp đã có những đóng góp vào việc tạo dựng nền tảng về tổ chức và hoạt động của các cơ quan chính quyền nhân dân, cơ quan tòa án, kiểm sát, thi hành án, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, Ngành Tư pháp cũng đã cơ bản hoàn thành việc luật hóa các lĩnh vực quản lý của Ngành trong đó đáng chú ý là những đạo luật liên quan trực tiếp quyền lợi ích của người dân, gần đây Bộ Tư pháp cũng đã bảo vệ thành công một số vụ kiện quốc tế về đầu tư, thương mại góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia về mặt pháp lý.
Tổng Bí thư cũng đánh giá cao năng lực của hàng vạn cán bộ Ngành Tư pháp với trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp ngày càng cao.
Phân tích bối cảnh hiện nay, Tổng Bí thư nhấn mạnh, một trong những bài học kinh nghiệm chung của các ngành, các cấp, của mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó có Ngành Tư pháp, đó là phải tuyệt đối trung thành với Đảng, đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, tận tuỵ với công việc mà Đảng, Nhà nước giao phó, góp phần giữ vững và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ. Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Người làm công tác tư pháp "phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng"; "phải nêu cao gương Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo".
Đề cập nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên và quan trọng là: “Trong bất luận hoàn cảnh nào, Ngành Tư pháp phải kiên định lập trường tư tưởng, luôn giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống luật pháp của nước ta”;
Tổng Bí thư đề nghị, trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Ngành Tư pháp phải chú trọng cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 với những nội dung đề cao và phát huy dân chủ, tôn trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân và dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho Nhà nước đó vận hành trôi chảy, vừa phải tiếp nhận, phát triển những giá trị đã được khẳng định của văn minh nhân loại, vừa phải phù hợp với những giá trị tốt đẹp của truyền thống Việt Nam, phù hợp với yêu cầu chế độ ta, đất nước ta trong giai đoạn phát triển mới - Tổng Bí thư khẳng định “đây và vấn đề có tính nguyên tắc rất hệ trọng, hơn ai hết, Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc vấn đề này, làm tốt hơn nữa việc nghiên cứu, làm rõ và từng bước bổ sung, đổi mới cả về lý luận và thực tiễn hoàn thiện thể chế theo phương châm học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài nhưng phải biết sàng lọc, vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tuyệt đối không được mơ hồ mất cảnh giác để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách hướng lái luật pháp của chúng ta đi con đường khác nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay”.
Tổng Bí thư yêu cầu: Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội, tiếp tục thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi cá nhân, tổ chức có ý thức chấp hành đúng pháp luật, khắc phục tình trạng “phép vua thua lệ làng”. Ngành Tư pháp cần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, lý lịch tư pháp; nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, hành chính; đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, góp phần đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cán bộ nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Tổng Bí thư yêu cầu Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan từ đào tạo nguồn thẩm phán đến việc tuyển chọn thẩm phán; chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam đào tạo đội ngũ luật gia, luật sư giỏi, am hiểu pháp luật quốc tế, thành thạo ngoại ngữ để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và công dân Việt Nam.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương độc lập hạng Nhất cho Ngành Tư pháp vì những đóng đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nền Tư pháp Nhân dân - những thế hệ khởi đầu và tiếp nối truyền thống
Thay mặt các cán bộ lão thành Ngành Tư pháp, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc xúc động chia sẻ, cùng nhau nhìn lại chặng đường 70 năm đã đi qua và từ đó tiếp tục đi lên, ông cảm thấy rất xúc động và tự hào nhớ về những thế hệ đầu tiên của Ngành Tư pháp Việt Nam - những người đã hào hứng tuân theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khước từ mọi vinh hoa, phú quý để gánh vác kháng chiến, khởi đầu nền Tư pháp Nhân dân, những thế hệ sau tiếp tục truyền thống, tôi luyện trong kháng chiến, vượt qua khó khăn duy trì công tác tư pháp cho đến ngày toàn thắng năm 1975.
Trong thời kỳ đổi mới, ngành ta với các cán bộ nhiệt huyết, được đào tạo bài bản về mọi phương diện đang có những cống hiến to lớn và thấm nhuần đường lối lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm bắt những nhu cầu xã hội, tham mưu xây dựng pháp luật, giải phóng sức dân, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường vốn còn mới mẻ và còn nhiều thách thức đối với mới chúng ta.
Tự hào về truyền thống 70 năm của Ngành Tư pháp, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Bí Thư Ban Chấp hành Đoàn Bộ Tư pháp trân trọng cảm ơn những thành quả của các thế hệ đi trước, đồng thời xin hứa: thế hệ trẻ của ngành luôn trau dồi đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, lòng yêu ngành, yêu nghề, thực hiện tốt Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp; không ngừng phấn đấu để phát huy những thành quả đã đạt được và tô đẹp hơn truyền thống vẻ vang của Ngành Tư pháp.
Cũng tại buổi Lễ, thay mặt cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp Căm – pu – chia, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thái Lan, các Đại sứ, các nhà ngoại giao đại diện cho các quốc gia và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Bun-cợt Xẳng-xổm-xắc đánh giá cao và chúc mừng những thành tựu quan trọng của Ngành Tư pháp Việt Nam trong suốt 70 năm qua, đặc biệt trong việc hoàn thiện thể chế, cải cách tư pháp, hướng tới mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đặc biệt là những thành tựu to lớn trong việc xây dựng một hệ thống pháp luật toàn diện và trong việc triển khai những lĩnh vực ưu tiên của các Chiến lược, Chương trình góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật và thực thi pháp luật một cách hiệu quả của các cơ quan, tổ chức Nhà nước, tổ chức xã hội và toàn dân.
Ngài Bộ trưởng Bun-cợt Xẳng-xổm-xắc cũng bày tỏ tin tưởng Ngành Tư pháp Việt Nam sẽ tiếp tục dành được các thành tựu mới và thắng lợi cao hơn trong công tác hoàn thiện thể chế, cải cách pháp luật, nhất là trong việc triển khai các hoạt động phục vụ quá trình phát triển Ngành Tư pháp theo Hiến pháp năm 2013.
Hoàng Vy Anh
Theo Cổng TTĐT Bộ Tư Pháp
Các bản tin khác
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng: Cần một cuộc “đại phẫu”? (Kỳ cuối: Không thể không làm!)
- Hỗ trợ công nhân tiếp cận nhà ở xã hội
- Quy hoạch tuyến đường vành đai phía tây 2
- Đà Nẵng: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không quá 10 ngày
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng: Cần một cuộc “đại phẫu”? (Bài 3: Những kiến giải)
- Bùng nổ xu hướng “wellness” trong lĩnh vực địa ốc
- Chuyên gia nói gì về thị trường đất nền?
- Người Việt mua nhà chú trọng đến vị trí
- Thị trường bất động sản: Cảm nhận nhịp đập M&A của thị trường
- Khách sạn, căn hộ condotel, biệt thự nghỉ dưỡng tiếp tục hưởng lợi từ du lịch Đà Nẵng
- Sát nhập Công ty Quản lý nhà với Công ty Quản lý nhà chung cư
- Các ngân hàng đang cho vay bất động sản ra sao?
- Đà Nẵng: Đấu giá quyền sử dụng 19 lô đất lớn trên địa bàn
- Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đất đai
- Sứ mệnh của doanh nghiệp bất động sản Việt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0
- Đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa phục vụ thi công các dự án
- Đà Nẵng đấu giá một số khu đất có diện tích lớn
- Cần một cuộc "đại phẫu" trong quy hoạch đô thị Đà Nẵng?
- Hình thành cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị
- Vì sao nhà đầu tư châu Á đổ bộ bất động sản Việt Nam?