Đa số người Việt đặt mục tiêu lớn trong đời là tích cóp tiền mua nhà phố, thậm chí là đất nền bỏ hoang vì tâm lý ăn chắc mặc bền, tích lũy tài sản an toàn.
Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Nam Phát, Nguyễn Mạc Hoài Nam cho rằng dù thị trường bất động sản ngày càng phát triển, sản phẩm đa dạng với giá cả khá hợp lý, thế nhưng tâm lý sở hữu nhà gắn liền với đất vẫn chiếm ưu thế rất lớn. Ông Nam chỉ ra các lý do người Việt say mê kênh đầu tư này.
Thứ nhất: Do tập quán cha ông để lại, ngôi nhà phải gắn liền với đất mới là tài sản có giá trị. Trải qua nhiều giai đoạn thị trường nhà đất nóng sốt, quan niệm này càng được củng cố. Niềm tin giá đất tăng dần theo thời gian hoặc giữ giá tốt hơn những tài sản khác khiến người Việt luôn ưu tiên loại sản phẩm này, thậm chí họ còn mua đất nền để chờ cơ hội tăng giá hoặc làm của để dành, của hồi môn.
Thứ hai: Việc mua đất nền hoặc nhà phố còn gắn liền với tiềm năng phát triển tương lai trong bối cảnh các gia đình Việt thường có nhiều thế hệ sống cùng hoặc ở gần nhau. Các gia đình này chuộng đất nền và nhà phố vì một khi kinh tế khá giả có thể xây ngôi nhà mới khang trang hơn ngay trên chính mảnh đất hoặc ngôi nhà cũ.
Thứ ba: Một bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh chỉ chấp nhận cho tiền con cái mua nhà phố hoặc đất nền. Họ vẫn bảo thủ với quan niệm cũ, ngoài ra họ còn bị ám ảnh bởi sự nhếch nhác, xô bồ, không an ninh của các khu căn hộ chung cư có từ hàng chục năm trước hoặc nhà tập thể thời họ còn trẻ.
Bất động sản gắn liền với đất gồm đất nền và nhà phố thường là mục tiêu tích lũy tài sản của nhiều người Việt. Ảnh: Vũ Lê |
Thứ tư: Việc mua nhà phố hoặc đất nền mang lại cho chủ sở hữu cảm giác mình là người chủ thực sự của tài sản có giá trị. Người Việt muốn được toàn quyền quyết định, hiện thực hóa các mơ ước bằng nhiều hình thức: thiết kế xây dựng theo sở thích, buôn bán, cho thuê, mở văn phòng kinh doanh tại chính nhà mình. Với tài sản là một khu đất còn trống, chủ đất có thể triển khai kế hoạch đầu tư: xây nhà vừa để ở vừa làm phòng trọ hoặc tìm kiếm đối tác đầu tư mô hình này.
Thứ năm: Quan niệm đất đai là tài nguyên không sinh thêm trong khi dân số ngày càng tăng mạnh, tốc độ đô thị hóa nhanh. Nhà phố và đất nền trong đô thị được xem là dòng sản phẩm có thể khan hiếm theo thời gian. Mặc dù không có công thức trả lời đổ tiền vào đất trong bao lâu sẽ sinh lời và tỷ suất sinh lời là bao nhiêu, nhưng người Việt vẫn xem đây là kênh đầu tư an toàn trong dài hạn.
Thứ sáu: Tại các đô thị phát triển, nếu chịu khó di chuyển ra khu vực rìa trung tâm, người Việt vẫn có thể tìm kiếm đất nền và nhà phố giá vừa túi tiền, kết nối hạ tầng khá ổn. Riêng tại TP HCM, đất nền ở một số quận huyện vùng ven vẫn còn khá rẻ và điều này thu hút được nhiều đối tượng khách hàng. Các cặp vợ chồng trẻ mua đất xây nhà cấp bốn, nhà đầu tư mua đất để hiện thực hóa tài sản và tích lũy lâu dài hoặc xu hướng xây nhà cho thuê để vừa thu tiền lẻ vừa chờ giá đất tăng.
Thứ bảy: Thị trường chung cư tại Việt Nam dù đã có bước phát triển đáng kể so với vài thập niên trước nhưng hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định. Các vụ tranh chấp sở hữu chung - riêng, bất đồng về cách quản lý và cung ứng dịch vụ trong các tòa nhà, nhiều chi phí phát sinh thêm... vẫn đang diễn ra khắp nơi. Điều này khiến một bộ phận người Việt không hài lòng và cảm thấy bất an khi giao tài sản của mình cho người khác quản lý giám sát. Họ tránh những rắc rối phát sinh bằng cách mua đất nền, nhà phố để ở hoặc cho thuê bằng hình thức tự quản và xem đây là kênh tích lũy tài sản theo kiểu truyền thống.
Vũ Lê ghi
Các bản tin khác
- Phải nộp thuế khi uỷ quyền giao dịch bất động sản
- Thị trường đất nền Đà Nẵng tăng nhiệt
- Đà Nẵng: Đất nền vùng ven tăng giá
- Đà Nẵng: Đổ xô ra vùng ven mua đất
- Kênh huy động vốn mới cho bất động sản
- Muốn công chứng bán xe, phải mang xe đến?
- Nghịch lý thị trường bất động sản ở Đà Nẵng
- Thắt chặt tín dụng với thị trường bất động sản: Người dân có nhiều cơ hội mua nhà hơn
- Triển vọng thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại
- Thị trường bất động sản chờ đợi gì ở năm Tân Mão?
- Thị trường bất động sản năm 2010: Không nóng ảo!
- Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 2011
- Chính sách mới về giảm nợ và thu nợ tiền sử dụng đất quy ra vàng
- Giá đất tại Đà Nẵng năm 2011: Cao nhất 35,28 triệu đồng/m2
- Thành lập Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng
- Hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng Vẫn phân biệt đối xử công - tư
- Khó khăn trong chuyển nhượng căn hộ
- Giá đất sốt từng ngày
- Đà Nẵng: Đất đô thị có mức giá cao nhất 25,2 triệu đồng/m2