Trong thời gian qua, khi thực hiện Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/05/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ kýthì có rất nhiều báo, đài đưa tin về hoạt động công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, một số cơ quan thông tin đại chúng đưa tin về hoạt động này không chính xác, không phân biệt được giữa hai khái niệm công chứng với chứng thực, điều này đã gây nhầm lẫn đối với tổ chức và người dân, trong đó có cả cán bộ, công chức. Thông qua bài viết này, xin được làm rõ về khái niệm, thẩm quyền hoạt động công chứng và chứng thực.
1. Về khái niệm Công chứng và Chứng thực:
Công chứng là việc Công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
+ Bản chính là bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu tiên có giá trị pháp lý để sử dụng, là cơ sở để đối chiếu và chứng thực bản sao.
+ Bản sao là bản chụp, bản in, bản đánh máy, bản đánh máy vi tính hoặc bản viết tay có nội dung đầy đủ, chính xác như sổ gốc hoặc bản chính.
+ Sổ gốc là sổ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp bản chính lập ra khi thực hiện việc cấp bản chính, trong đó có ghi đầy đủ những nội dung như bản chính mà cơ quan, tổ chức đó đã cấp.
Chứng thực chữ ký là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực.
2. Về thẩm quyền:
Thẩm quyền công chứng:
- Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng (Phòng Công chứng, Văn phòng Công chứng) có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ hợp đồng mua bán, thuê mượn, tặng cho xe ô tô và các loại tài sản khác;
Các hợp đồng giao dịch về bất động sản như: Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi; Hợp đồng thuê mượn; Hợp đồng tặng cho; Hợp đồng thế chấp.
- Công chứng hợp đồng bảo lãnh, cầm cố, thế chấp;
- Công chứng các loại giao dịch, hợp đồng hợp pháp theo yêu cầu ;
-Công chứng Hợp đồng thương mại, Hợp đồng uỷ quyền;
- Công chứng di chúc;
- Công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản;
- Công chứng văn bản khai nhận di sản;
- Nhận lưu giữ di chúc;
- Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch.
Việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng. Người thực hiện việc công chứng sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch phải là Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động hoặc giải thể thì Công chứng viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch.
Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch được thực hiện theo thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương IV của Luật Công chứng.
Thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký:
Phòng Tư pháp quận, huyện:
- Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài;
- Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giầy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài;
- Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực và đóng dấu của Phòng Tư pháp.
Ủy ban nhân dân xã, phường:
- Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt;
- Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.
Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã./.
Phước Hạnh
http://sotuphap.danang.gov.vn/