Ngày 15-3, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng đã có buổi làm việc với thành phố Đà Nẵng về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách và công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn thành phố. Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan tham dự buổi làm việc.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trao Huy chương vì sự nghiệp ngành tài chính Việt Nam cho Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ.
Giảm thuế đối với nhà ở xã hội
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh cho biết, năm 2015, tổng thu ngân sách nhà nước trện địa bàn gần 15.000 tỷ đồng, đạt 123,6% dự toán HĐND TP giao và đạt 128,3% dự toán Trung ương giao. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2016, thành phố đã thu được 3.431 tỷ đồng, đạt 22,9% kế hoạch, đảm bảo để cân đối cho nhiệm vụ chi theo dự toán, đặc biệt là chi thực hiện chính sách an sinh xã hội, bình ổn giá, trợ cấp Tết cho các đối tượng và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác.
Một số khó khăn, vướng mắc của thành phố cũng đã được Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh đưa ra trong buổi làm việc. Về Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có giao cho các Bộ, ngành ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công lập do nhà nước quản lý, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí, tuy nhiên, hiện nay các Bộ ngành chưa triển khai thực hiện làm chậm tiến độ thực hiện các nội dung theo Nghị định số 16. Điều này khiến địa phương chưa đủ cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo lộ trình của Nghị định.
Đối với công tác cổ phần hóa, theo quy định khi cổ phần hóa toàn bộ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc thành phố quản lý, tiền thu từ cổ phần hóa được sử dụng để thanh toán chi phí cổ phần hóa và chi giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư, trường hợp còn thừa phải nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (bao gồm cả khoản chênh lệch tăng giữa giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển sang công ty cổ phần với giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp).
Tuy nhiên, trên thực tế, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý được tích luỹ, hình thành từ nhiều năm trong đó phần lớn do ngân sách địa phương đầu tư; khi cổ phần hoá, toàn bộ vốn nhà nước được bán phải nộp về trung ương nên địa phương không có nguồn để thực hiện đầu tư, hỗ trợ cho các doanh nghiệp còn lại phát triển. “Do đó, đối với tiền thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp công ích, UBND thành phố kính đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa để có nguồn vốn bổ sung, tham gia góp vốn thực hiện tăng vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp đồng thời đảm bảo việc nắm giữ cổ phần chi phối của Nhà nước và kiểm soát, quản lý tốt hoạt động của doanh nghiệp công ích sau khi cổ phần hóa.” – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh đề nghị.
UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị được sử dụng 50% nguồn cải cách tiền lương còn lại của thành phố để chi đầu tư xây dựng cơ bản. Theo ông Hồ Kỳ Minh, tính đến nay tổng nguồn để thực hiện cải cách tiền lương của thành phố là 1.770 tỷ đồng. Sau khi tính thực hiện chính sách tiền lương năm 2016 còn lại là 1.670 tỷ đồng. Với 50% số tiền còn lại đó, thành phố sẽ thực hiện đầu tư một số công trình quan trọng, trọng điểm phục vụ cho an sinh xã hội theo chủ trương của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, trong đó có dự án đường hầm qua Sông Hàn.
Về chính sách thuế đối với việc thực hiện thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, Đà Nẵng đề nghị Bộ Tài chính ủng hộ chủ trương xem xét cho phép không thu thuế giá trị gia tăng với mức thu thuế suất là 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp 10% để giảm giá thành cho các hộ thu nhập thấp khi mua nhà thuộc sở hữu nhà nước, nhưng vẫn đảm bảo thủ tục pháp lý để người mua làm các hồ sơ sở hữu căn hộ (quyết định bán nhà và giấy nộp tiền vào ngân sách). Bên cạnh đó, hiện tại Đà Nẵng có một số lượng lớn các hộ giải tỏa còn nợ đất tái định cư quá 5 năm, phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, theo quy định mới, kể từ ngày 1-3-2016, các hộ đã nợ quá 5 năm thì phải trả nợ theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Giá đất tại thời điểm trả nợ thường cao hơn giá đất tái định cư nên càng làm cho các hộ thêm khó khăn, không có cơ hội thanh toán nợ. Do đó, Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét có chính sách để hỗ trợ cho các đối tượng này.
Bố trí vốn thanh toán dứt điểm các dự án đã hoàn thành
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết, hiện Đà Nẵng đang cần vốn để tiếp tục triển khai một số công trình trọng điểm, trong đó có những công trình quan trọng, trọng điểm theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, thông báo của lãnh đạo đảng, nhà nước và những công trình có ý nghĩa động lực, phát huy vai trò lan tỏa của Đà Nẵng đối với phát triển khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài sự nỗ lực của địa phương, ông Thơ đề nghị Bộ Tài chính quan tâm hỗ trợ thành phố, cụ thể như trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định ổn định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương như hiện nay là 85% trong thời kỳ ổn định ngân sách mới 2017-2020; xử lý vốn ứng trước cho các dự án Công trình xây dựng cơ sở cai nghiên ma túy và quản lý sau cai nghiện tại Bàu Bàn (25 tỷ đồng), công trình Nhà thi đấu thể thao thành phố Đà Nẵng (300 tỷ đồng), công trình Cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý (90 tỷ đồng), Dự án Ứng dụng công nghệ Thông tin (2,1 tỷ đồng). Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành ưu tiên bố trí đủ số vốn 1.381 tỷ đồng trong kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 để thanh toán cho các dự án đã được triển khai hoàn thành và đưa vào sử dụng theo các cam kết hỗ trợ nhằm giúp thành phố trả nợ vốn vay thương mại và góp phần giảm nợ đọng xây dựng cơ bản.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục ủng hộ thành phố trong thời gian đến.
Bộ cũng cần sớm bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án theo Kết luận 75-KL/TW, Thông báo 186/TB-VPCP, Thông báo 242/TB-VPCP, nhất là các công trình, dự án chưa triển khai hoặc chậm triển khai như: Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (giai đoạn 2); Trung tâm công nghệ sinh học khu vực miền Trung tại Đà Nẵng; Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ Đà Nẵng; Cảng Liên Chiểu; Mở rộng tuyến quốc lộ 14B (giai đoạn 2); Cải tạo mở rộng dự án 14G; Di dời Ga đường sắt ra khỏi Trung tâm thành phố; Hành lang kinh tế Đông Tây 2 (EWEC2); các Khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng của Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; Làng đại học Đà Nẵng… Cũng như bố trí hơn 341 tỷ đồng triển khai các công trình phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại thành phố Đà Nẵng.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, UBND thành phố đề nghị Bộ Tài chính giải quyết cho ngân sách thành phố Đà Nẵng được tạm ứng vốn tồn ngân KBNN năm 2016 là 1.000 tỷ đồng; thời hạn cho vay 5 năm, mỗi năm thành phố hoàn trả 200 tỷ đồng. Thành phố cam kết bố trí vốn để trả nợ đúng hạn.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cơ bản thống nhất các đề xuất của thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu kết luận, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cơ bản thống nhất với các ý kiến đề xuất của UBND TP Đà Nẵng. Ông yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp chặt chẽ với thành phố để xử lý sớm, dứt điểm các kiến nghị, đặc biệt là các vấn đề về bố trí vốn để thanh toán cho các dự án đã hoàn thành, các dự án chuẩn bị triển khai phục vụ APEC… Bộ cũng sẽ nghiên cứu phương án hỗ trợ cho các hộ giải tỏa nợ tiền sử dụng đất cũng như các cơ chế ưu đãi khác. Theo ông Đinh Tiến Dũng, Đà Nẵng đã và đang triển khai rất tốt công tác thu – chi ngân sách, trong đó đặc biệt đẩy mạnh thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ. Đây là vấn đề khó khăn chung của cả nước chứ không phải của riêng Đà Nẵng. Tổng thu của thành phố trong 2 tháng đầu năm đạt trên 22%, đây cũng là con số ấn tượng so với mức trung bình 15% của cả nước. Trong thời gian tới, ông Dũng đề nghị thành phố tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ để xử lý các vấn đề liên quan; đồng thời triển khai tốt luật đầu tư công, bảo đảm hiệu quả giải ngân vốn và tinh giảm bộ máy công.
NGỌC THỦY
Theo Cổng TTĐT Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Chưa cấp sổ đỏ lâu dài cho condotel ở Đà Nẵng
- Bất động sản Việt Nam biến đổi theo cơn sốt bùng nổ công nghệ
- Vì sao văn phòng chia sẻ bùng nổ nhanh chóng?
- Triệu người lo sợ: Mua nhà an toàn phải trả giá đắt!
- Hướng đến "thiên đường" nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế
- Đà Nẵng hướng đến tăng trưởng du lịch bền vững
- "Viên ngọc báu" Bãi Bụt
- Hạng mục Cải tạo nút giao thông phía tây cầu Rồng: Bổ sung vào Dự án Phát triển bền vững thành phố
- Đề nghị đầu tư nhiều công trình trọng điểm
- Thế mạnh “bất bại” của Officetel – Kênh đầu tư không thể bỏ qua trong năm 2018
- Đấu giá quyền sử dụng đất quy hoạch Công viên phần mềm số 2
- Đẩy nhanh tiến độ Dự án Đô thị Đại học Đà Nẵng
- Chọn căn hộ đã bàn giao, người mua nhà cần chú ý gì?
- Tiềm năng thị trường căn hộ officetel
- Sớm gỡ những “nút thắt” phát triển
- Vicoland và Daewon hợp tác phát triển nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp
- 09/10/2018 2:07 PM Quy định tài sản chung, tài sản riêng vợ chồng
- Quảng trường mở bên bờ sông Hàn
- Cảnh báo tình trạng sốt đất ảo ở xã Hòa Liên
- Săn ngay gói Combo đêm để “bắt” những khoảnh khắc tuyệt diệu tại Bà Nà