Sáng 8-4, UBND quận Thanh Khê tổ chức công bố quyết định của UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng theo tỷ 1/500 nút giao đường Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương với sự tham dự của đại diện các sở: Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên-Môi trường... và gần 100 hộ dân ở gần khu vực nút giao thông.
Phối cảnh hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Hầm chui ba nhánh ở cửa ngõ phía bắc
Theo Quyết định 1313 của UBND thành phố, nút giao thông Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương do Viện Quy hoạch xây dựng lập, nằm trên địa bàn phường Chính Gián, quận Thanh Khê. Tổng diện tích quy hoạch phục vụ cho công trình nút chui 48.238m2, phía đông giáp đường Lê Duẩn và đường Lý Thái Tổ; phía tây giáp đường Điện Biên Phủ; phía bắc giáp khu dân cư hiện trạng; phía nam giáp khu dân cư hiện trạng và Công viên 29-3.
Hầm chui có hình dạng chữ Y, với ba hầm hở ở ba nhánh dẫn vào nút (hai nhánh hở trên đường Điện Biên Phủ, một nhánh hở trước cổng Công viên 29-3), riêng tâm của nút được thiết kế hầm kín nhằm bảo đảm trên trục đường Lê Độ-Nguyễn Tri Phương, các phương tiện vẫn lưu thông bình thường.
Ở nhánh Điện Biên Phủ, hầm chui bắt đầu từ số nhà 88 (số chẵn) và số nhà 79 (số lẻ) kéo dài đến trước cổng Công viên 29-3. Trên dải phân cách đường Điện Biên Phủ hiện tại sẽ được bố trí thành làn dành cho xe buýt nhanh (BRT) có bề mặt cắt ngang 7m, hai bên là hai nhánh đường chui, mỗi nhánh đường chui có mặt cắt ngang 7,5m, được tổ chức cho một làn ô-tô và một làn dành cho các phương tiện khác lưu thông thuận tiện.
Hai hầm kín ở giữa nút , mỗi hầm có chiều cao 4,5m và chiều rộng 7,5m. Vòng xoay (mặt đất) hiện tại được thiết kế cho xe buýt BRT lưu thông theo hướng Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương và ngược lại. Trên đường Điện Biên Phủ ngoài hai hầm chui, đường BRT, mỗi bên còn bố trí hai đường gom, có bề mặt cắt ngang 7m, bố trí hai làn xe, ngoài ra hai bên còn có vỉa hè có mặt cắt ngang 4,05m.
Cửa hầm hướng về phía đông (trước cổng Công viên 29-3) có tổng bề mặt cắt ngang 42,20m, được bố trí như sau: Mặt cắt ngang của hai hầm chui 15m, hai đường gom 14m, vỉa hè hai bên 10m, còn lại dành cho các dải phân cách và cây xanh.
Phối cảnh hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương. |
Người dân mong hầm chui là giải pháp lâu dài
Tham dự buổi công bố có gần 100 người dân, tuy nhiên chỉ có một ý kiến đóng góp về trang trí hầm chui và một ý kiến hỏi về vị trí chính xác của cửa hầm chui phía đường Điện Biên Phủ. Lý do chỉ có hai ý kiến là, trước đó UBND quận đã tổ chức hai buổi họp chính thức lấy ý kiến đóng góp của người dân; tại các cuộc họp này hầu hết thắc mắc của người dân đã được giải tỏa.
Đặc biệt, việc tổ chức lấy ý kiến người dân về giải pháp tổ chức giao thông qua nút có trên 65% người dân ủng hộ phương án làm hầm chui. Theo ông Đoàn Văn Lê, nhà ở tổ 43, phường Chính Gián, mặc dù nhà không ở khu vực nút, nhưng hằng ngày đi qua đây, chứng kiến cảnh ùn tắc giao thông, đặc biệt những vụ tai nạn giao thông xảy ra, thì việc thành phố làm hầm chui là giải pháp tốt nhất, vừa giải bài toán kẹt xe, tai nạn giao thông vừa tạo được mỹ quan đô thị.
Anh Nguyễn Tuấn Thành, nhà ở đường Điện Biên Phủ chia sẻ: Ban đầu nghe nói thành phố xây cầu vượt tại đây, bản thân tôi không ủng hộ vì chỉ cách cầu vượt ngã ba Huế 2km lại thêm cây cầu vượt nữa thì nặng nề quá. Hôm nay dự họp nghe thông báo làm hầm chui, tôi ủng hộ phương án này. Tuy nhiên, theo anh Thành, tuyến đường Điện Biên Phủ đã 3 lần chỉnh trang, điều này cũng có nghĩa ba lần người dân phải sửa chữa nhà cửa rất vất vả, vì vậy hy vọng đây là lần cuối cùng người dân phải làm việc này.
Tìm hiểu nguyện vọng của nguời dân sống dọc theo trục đường Điện Biên Phủ, hầu hết mọi người cho rằng việc cải tạo nút giao thông quan trọng này là rất cần thiết, tuy nhiên thành phố cần tính toán mang tính lâu dài để vài chục năm đến công trình cũng vẫn đáp ứng được, tránh tình trạng vài năm lại chỉnh sửa.
Đặc biệt, là phải đón đầu được tốc độ phương tiện cá nhân của người dân, nhất là ô-tô tăng mạnh trong thời gian đến để tránh tình trạng phải nâng cấp, mở rộng. Ngoài ra, một số người còn cho rằng, thành phố nên đẩy nhanh việc đưa tuyến xe buýt nhanh BRT vào hoạt động mới có thể hạn chế tình trạng kẹt xe ở khu vực nội đô cũng như tại nút giao thông này trong tương lai.
Thanh Vân
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Tổng thống Mỹ Trump thăm Hà Nội sau khi dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng
- Ba yếu tố đảm bảo lợi nhuận condotel mà nhà đầu tư nên lưu ý
- Sun Group sứ mệnh đánh thức những vùng đất giàu tiềm năng Việt Nam
- Đi tìm chân dung nhà đầu tư bất động sản
- Vốn ngoại đổ bộ vào thị trường địa ốc
- Hơn 35.293 tỷ đồng dự kiến đầu tư vào Đà Nẵng
- Nhận diện các mánh lừa của dân môi giới bất động sản
- Khai trương Lãnh sự quán danh dự Tây Ban Nha tại Đà Nẵng
- Tiếp bài "Condotel - bài toán khó cho quản lý đô thị": Chưa cấp "sổ đỏ" cho căn hộ condotel
- Đà Nẵng: Điều chỉnh quy hoạch 1/500 Khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy
- Thứ tư vui vẻ- giá rẻ cực shock tại Sun World Danang Wonders
- Condotel-bài toán khó cho quản lý đô thị - Bài cuối: Thị trường condotel tăng trưởng nóng
- Cần các dự án hạ tầng lớn để tạo động lực mới
- Condotel - bài toán khó cho quản lý đô thị - Bài 1: Phát triển biến dạng
- Khu đô thị Hòa Quý - Đồng Nò xây dựng thêm 2 cầu mới
- Đà Nẵng: Điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết Khu đô thị ven sông Hòa Quý –Đồng Nò
- Cải tạo và xây dựng nút giao thông phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý
- Golden City – Đón đầu xu thế đầu tư bất động sản khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng
- Bất động sản Đà Nẵng: Cuộc đua thay đổi diện mạo quanh sông Cổ Cò
- Nghiên cứu phương án tối ưu cải tạo các nút giao thông