Việc vợ chồng cùng lập di chúc chung ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, xung quanh chuyện này, thực tế đã nảy sinh nhiều vướng mắc pháp lý chưa có hướng gỡ…
BLDS cho phép vợ chồng được lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung. Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất kỳ lúc nào nếu được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Hiện nay, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng lập di chúc chung nhằm bảo toàn tài sản để lại cho con cháu nhưng thực tiễn đã nảy sinh khá nhiều vướng mắc pháp lý.
Không thể định đoạt tài sản của mình
Theo nhiều chuyên gia, vướng mắc lớn nhất là việc khi vợ hoặc chồng chết trước thì người còn lại cũng như người thừa kế theo di chúc không thể định đoạt di sản như bán, thế chấp… Có việc này bởi di chúc chung của vợ chồng chủ yếu định đoạt nhà, đất. Nhà, đất là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng, chưa phân định phần nào là sở hữu của mỗi người nên khi một người chết trước thì không thể công chứng việc mua bán phần tài sản thuộc sở hữu của người còn sống được. Mặt khác, theo luật di chúc chung chỉ có hiệu lực sau khi cả vợ chồng cùng chết hoặc người sau cùng chết. Do vậy, khi một trong hai người vẫn còn sống thì chưa thể làm thủ tục khai nhận thừa kế hoặc thỏa thuận phân chia di sản.
Chẳng hạn trường hợp của ông VTH ở TP Tân An (Long An). Thương người con gái độc thân, vợ chồng ông lập di chúc để lại căn nhà đang ở cho chị. Năm 2006, vợ ông H. bệnh nặng qua đời. Hai năm sau, ông H. bị tai biến, nằm liệt tại chỗ. Việc chữa trị, chăm sóc ông rất tốn kém trong khi chỉ một tay người con gái bươn chải. Nợ nần chồng chất, ông H. và con bàn nhau bán nhà trả nợ, còn lại mua một căn nhà nhỏ để cha con sống và có dư một ít tiền làm vốn cho người con mua bán sinh nhai.
Sau đó, người con đem hồ sơ nhà đất và tờ di chúc ra phòng công chứng khai nhận di sản thì bị từ chối. Theo phòng công chứng, đây là di chúc chung của vợ chồng nên khi ông H. còn sống thì di chúc chưa có hiệu lực. Ông H. muốn thay đổi nội dung di chúc nhằm có thể tự bán phần một nửa căn nhà của ông nên nhờ cậy một luật sư tư vấn miễn phí. Tuy nhiên, luật sư cho biết một nửa căn nhà của ông gắn liền với phần tài sản của người vợ đã mất, mặt khác theo luật, khi sửa đổi di chúc chung của vợ chồng thì không được làm thay đổi bản chất nội dung của di chúc. Nghĩa là dù ông H. có định đoạt lại nửa căn nhà phần ông thế nào thì cũng không thể thay đổi, hủy bỏ việc cho người con gái căn nhà đó được.
Bán nhà không được, thế chấp vay tiền ngân hàng cũng không xong, cha con ông H. đành ngậm ngùi chấp nhận hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, túng quẫn từng ngày.
Một vụ khác là trường hợp ông TVT ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), vốn có nhà bạc tỉ nhưng cuối đời phải sống trong cảnh khổ. Vợ chồng ông lập di chúc chung để lại căn nhà duy nhất trị giá khoảng 2 tỉ đồng cho hai con. Sau khi vợ mất, hai con bỏ rơi ông, không đứa nào chăm sóc vì chê cha khó tính, hay bẳn gắt. Ông tuổi già sức yếu (hơn 90 tuổi), muốn bán căn nhà của mình để có tiền trang trải tuổi già nhưng không được. Ông khởi kiện yêu cầu tòa hủy bỏ di chúc cũng bị tòa từ chối.
Ảnh hưởng tới thời hiệu khởi kiện thừa kế
Ngoài vướng mắc trên, theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM, quy định hiện hành về di chúc chung của vợ chồng còn nhiều bất cập khác. Bởi lẽ thời điểm phát sinh hiệu lực pháp luật của di chúc chung vợ chồng không đơn giản chỉ là căn cứ để phân chia di sản theo di chúc chung mà còn ảnh hưởng tới thời hiệu khởi kiện, quyền thừa kế cũng như việc định giá di sản của người chết...
Vị thẩm phán này phân tích: Thời hiệu khởi kiện thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy hết 10 năm mà một trong hai người lập di chúc vẫn còn sống thì thời hiệu khởi kiện xin chia thừa kế đối với phần di sản của người chết trước cũng không còn. Giả sử nếu di chúc chung đó không hợp pháp mà những người thừa kế không biết để khởi kiện kịp thời thì đến khi người lập di chúc sau cùng chết, thời hiệu khởi kiện không còn thì quyền lợi của người thừa kế coi như bị bỏ lửng…
Ngoài ra, quy định về hiệu lực của di chúc chung của vợ chồng sẽ dẫn đến tình trạng khó phân chia di sản. Nếu người còn lại sống thọ quá lâu, tài sản chung có thể không còn nguyên vẹn hay tăng, giảm giá trị thì việc xác định giá trị tài sản chung hết sức phức tạp, tạo ra nhiều tranh chấp khác khó giải quyết…
Còn trẻ cũng lập di chúc chung
Dù còn đang ở tuổi làm việc, sức khỏe đang tốt nhưng vợ chồng chị NTL và anh LVM ở quận 2 (TP.HCM) vẫn cùng nhau lập một bản di chúc chung để lại toàn bộ tài sản gồm nhà, đất và một số cổ phiếu của một ngân hàng cho hai con.
Chị L. tâm sự ban đầu chồng chị phản đối vì cho rằng “vợ chồng còn trẻ chứ có phải già cả sắp chết đâu mà phải lập di chúc”. Nhưng chị cứ nhất quyết phải lập di chúc để bảo toàn khối tài sản mà vợ chồng chị đã chung sức vất vả tạo lập từ thuở hàn vi cho các con. Chị phân trần: “Nếu lỡ một ngày ổng có thay lòng đổi dạ thì tài sản chung cũng không bị lọt vào tay kẻ khác”.
Chưa dự liệu các tình huống phát sinh
Nhà làm luật chưa dự liệu các khả năng khác khiến di chúc phải bị sửa đổi, bổ sung khi không thể tìm được sự đồng thuận của vợ chồng. Luật chỉ quy định nếu muốn hủy, sửa đổi di chúc chung thì vợ chồng nếu còn sống phải đồng thuận. Trong khi thực tế luôn có các trường hợp vợ, chồng mâu thuẫn, ly thân, ly hôn hay một bên vợ hoặc chồng còn sống nhưng đã bị tuyên bố mất tích, bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự... khiến cho họ không còn thể hiện được ý chí cá nhân được nữa.
Luật sư LÊ QUANG Y, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai
Hạn chế quyền định đoạt
Khoản 2 Điều 664 BLDS quy định khi vợ chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của bên còn lại. Với quy định này đã làm hạn chế quyền sở hữu của một bên vì khi muốn thay đổi phải được sự đồng ý của bên kia, nếu một bên không đồng ý việc thay đổi thì bên còn lại không thể thay đổi nội dung di chúc.
Cạnh đó, Điều 668 BLDS quy định di chúc chung vợ chồng chỉ có hiệu lực khi cả hai người cùng chết hoặc người sau cùng chết. Quy định này đã mâu thuẫn với khoản 5 Điều 667 BLDS về việc vợ hay chồng có quyền được định đoạt phần tài sản của mình thông qua việc sửa đổi di chúc. Hơn nữa, quy định này còn dẫn đến tình trạng những người đồng thừa kế không thể tranh chấp phần tài sản thừa kế nếu một trong hai người lập di chúc còn sống. Như vậy, nếu ngành tòa án thụ lý vụ án tranh chấp thừa kế đối với di chúc chung vợ chồng khi một người vợ hoặc chồng còn sống là sai luật.
Luật sư PHẠM TẤT THẮNG, Đoàn Luật sư TP.HCM
|
HOÀNG YẾN
Theo Báo Pháp luật tp. HCM
Các bản tin khác
- Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2030
- Siết tín dụng bất động sản: Loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"
- Cam kết lợi nhuận tựa con dao hai lưỡi
- 03/08/2018 1:25 PM Sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế
- Việt Nam sẽ có đô thị thông minh vào 2025
- 'Địa ốc hạng sang Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển'
- Biến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thành điểm “ngắm cảnh, ăn uống, vui chơi”?
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Cú hích xây dựng Đà Nẵng đột phá, đáng sống
- Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore liên kết hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng
- Dự án căn hộ cao cấp: Những hiện tượng lạ trên thị trường
- Bài toán giải quyết rủi ro khi đầu tư thị trường bất động sản nam Đà Nẵng
- Giá đất tái định cư tại một số dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ
- Phát triển đô thị Đà Nẵng: Hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường
- Sắp có ‘thuốc’ trị tranh chấp tại các chung cư
- Việt Nam có quá ít bất động sản xanh
- Siết lập vi bằng, mua bán nhà bớt rủi ro
- Nhận diện lực đẩy mới của thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Chẳng dại gì mang 800 triệu mua đất ngoại thành, chọn chung cư mà ở
- Sốc với ưu đãi chưa từng có tại công viên giải trí nổi tiếng Đà Nẵng
- Ngắm hoàng hôn trên Cầu Vàng – Bà Nà Hills