Là thành phố du lịch, nhưng từ 23 giờ trở đi, hầu hết những con đường tại thành phố Đà Nẵng thưa vắng người qua lại. Chỉ còn một số ít quán bar, câu lạc bộ, quán ăn khuya là sáng đèn để đón những vị khách thích “thưởng thức” không khí về khuya.
.
Khu vực bờ đông sông Hàn là một trong những điểm đến hằng đêm của nhiều du khách khi đến Đà Nẵng. Ảnh: MINH TRÍ |
Từ thiếu đến cấm
Tại kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố khóa VIII, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh nói du khách đến Đà Nẵng vẫn còn than buồn vì thiếu địa điểm vui chơi về khuya, cần phải xem xét, cho phép mở cửa các địa điểm vui chơi giải trí quá giờ quy định để phục vụ du khách. Thật ra, hạn chế này đã được lãnh đạo thành phố và những người hoạt động trong lĩnh vực nhìn thấy từ nhiều năm trước.
Năm 2012, Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim Đà Nẵng cũng từng xây dựng chợ đêm Đà Nẵng theo mô hình Singapore ngay trước mặt và bên hông chợ siêu thị cũ. Sau một thời gian hoạt động tương đối nhộn nhịp với những hàng quần áo, giày dép, mắt kính, hàng lưu niệm, đồ trang sức, đến nay, chỉ còn hơn 10 ki-ốt phục vụ giải khát, ẩm thực (cơm gà, mì Quảng, bánh xèo, cao lầu, bánh canh, bánh bèo, bánh lọc, bún chả cá…). Khách đến đây hằng đêm cũng thưa vắng dần.
Chị N.T.T, nhà ở đường Trần Cao Vân, từng kinh doanh mặt hàng trang sức tại đây cho biết, thời gian đầu, du khách cũng tìm đến mua sắm nhưng do phần lớn là “hàng chợ” với chất lượng, mẫu mã bình dân, nên khách ngày càng vắng. Thêm vào đó, chợ đêm Đà Nẵng thiếu những sản phẩm mang tính đặc trưng, bày bán những mặt hàng có thể tìm thấy ở bất kỳ tỉnh, thành nào nên người mua không mấy mặn mà. Bày bán một thời gian, chị T. thấy không ổn nên xin rút như nhiều hộ kinh doanh khác.
Sau đó 2 năm, lãnh đạo thành phố chủ trì cuộc họp với các ngành liên quan nghe báo cáo đề án khả thi hình thành chợ đêm tại khu vực vỉa hè phía đông 2 bên cầu Sông Hàn (đường Trần Hưng Đạo) do Công ty TNHH DHTC Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Cùng với việc phối cảnh chợ đêm vô cùng hấp dẫn, quy mô hơn 200 gian hàng, mở cửa từ 18 giờ đến 24 giờ, bố trí trên diện tích đất 12.560m2, ông Nguyễn Doãn Đông, Chủ tịch Công ty TNHH DHTC tỏ ra khá chắc chắn khi nói rằng, chợ đêm sông Hàn hình thành sẽ tạo thêm điểm nhấn cho kinh tế du lịch thành phố. Sau buổi làm việc hồ hởi này, rất nhiều bài báo đã giật tít “Đà Nẵng sẽ có chợ đêm sông Hàn”, “Đà Nẵng sắp có chợ đêm dọc vỉa hè bờ đông sông Hàn”… Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau gần 2 năm, dự án này vẫn chưa được triển khai. Và, đường phố Đà Nẵng vẫn “ngủ” trước 23 giờ, khách du lịch vẫn “thiếu” một nơi dạo chợ, mua sắm mang về làm quà hoặc kỷ niệm một chuyến đi.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện Đà Nẵng có hơn 10 địa chỉ vui chơi giải trí về khuya, chủ yếu là các bar, câu lạc bộ, đông khách từ 21 giờ đến 24 giờ. Đơn cử như Sky 36, Golden Pine Pub, The City Pub, Simple Man Coffee Bar, Imagine Pub, Leo Night Club, Phương Đông Night Club… Trong đó, chỉ duy nhất địa chỉ Beach Bar (nằm trong tổ hợp vui chơi giải trí biển DanaBeach Club) đón khách từ 8 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau. Tuy nhiên, những địa chỉ này vẫn còn mang dáng dấp của những quán bar địa phương, với hơn 50% lượng khách đang sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố Đà Nẵng. Hay nói đúng hơn, những địa chỉ này vẫn thiếu sức lan tỏa để thu hút khách phương xa.
Trong khi thành phố đã và đang thiếu thốn, nghèo nàn dịch vụ du lịch về đêm thì dòng sông Hàn cũng lặng lẽ hơn kể từ sau vụ chìm tàu Thảo Vân 2 hồi tháng 6 khiến 3 du khách thiệt mạng. Sau sự cố này, Đà Nẵng mới nhận thấy những bất cập, thiếu sót, chủ quan (kể cả sai lầm) trong quản lý du lịch đường sông, để ban hành những mệnh lệnh mới, như cấm hoàn toàn việc cải hoán, nâng cấp tàu cá thành tàu du lịch, yêu cầu các doanh nghiệp trang bị lại toàn bộ áo phao tiện lợi cho khách khi lên tàu, lắp đặt camera, đèn, phao cứu hộ… Ông Đặng Hòa, Giám đốc DN tư nhân Hoàng Giang, đơn vị kinh doanh 2 tàu du lịch Hàn Giang trên sông Hàn gần 20 năm qua cho biết, du lịch sông Hàn đang trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Thời hoàng kim, sông Hàn có gần 30 du thuyền hoạt động, tô thêm nét lung linh, huyền ảo cho đôi bờ, nay chỉ có vài du thuyền đủ điều kiện hoạt động cầm chừng. Vụ tai nạn đã ảnh hưởng tiêu cực đến cả ngành du lịch đường sông.
Thời gian gần đây, trong quá trình mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội, cùng với việc tập trung kiểm tra xử lý các hành vi lái xe sử dụng rượu, bia quá mức cho phép, chạy quá tốc độ, Công an thành phố Đà Nẵng tham mưu UBND thành phố ban hành lệnh cấm các nhà hàng, khách sạn, quán ăn… bán rượu, bia sau 22 giờ và đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp.
Ngay khi thông tin này được lan truyền, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Về điều này, đại diện một số đơn vị lữ hành cho biết, trong khi Đà Nẵng đang thiếu (và yếu) những địa chỉ vui chơi về khuya cho du khách vì việc cấm này sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch. Bởi, các bar, câu lạc bộ, thậm chí quán nhậu hải sản muốn hoạt động về đêm hiệu quả, thu hút khách thì phải bán rượu, bia. Do đó, vấn đề ở đây không phải là cấm, mà là quản lý như thế nào cho hợp lý về an ninh trật tự, an toàn giao thông và bảo đảm điều kiện cho ngành du lịch phát triển.
Vũ hội đường phố, sân chơi nghệ thuật quần chúng đánh thức bờ đông sông Hàn. Ảnh: PHẠM NGỌC TIẾN |
Hướng đi nào phù hợp?
Năm 2014, Ban quản lý Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU), công bố kết quả khảo sát khách du lịch tại 5 điểm chính là Đà Nẵng, Hội An, Huế, Sapa, Hạ Long, cho thấy Đà Nẵng và Hội An thu hút khách du lịch lưu trú lâu hơn Sapa, Huế và Hạ Long. Trung bình du khách ở Đà Nẵng và Hội An gần 4,5 đêm, trong khi chỉ ở từ 1,5 đến 2,5 đêm ở Huế, Sapa và Hạ Long. Trong khi đó, so với khách quốc tế, thời gian khách nội địa lưu trú ở Hạ Long lại dài hơn ở Hội An, Đà Nẵng. Kết quả này được duy trì đến nay.
Ông Trịnh Bằng Có, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, phần lớn khách quốc tế chọn ở lại Đà Nẵng lâu vì nơi đây có nhiều khu nghỉ mát, khu du lịch cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng tốt, giá rẻ. Khách quốc tế, đặc biệt đến từ các nước châu Âu ít có nhu cầu mua sắm, giải trí bên ngoài khu nghỉ mát nên Đà Nẵng không chịu quá nhiều áp lực về địa chỉ mua sắm cho đối tượng khách này.
Tuy nhiên, Đà Nẵng cần đặt câu hỏi vì sao lượng khách nội địa lưu trú tại đây ít ngày, bởi phần lớn khách nội địa thường thích ra khỏi khách sạn vào ban đêm. Phải chăng sau khi tắm biển, thăm thú Bà Nà, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn thì thành phố vẫn còn thiếu những dịch vụ mua sắm, giải trí về đêm? Theo ông Trịnh Bằng Có, Đà Nẵng có lợi thế về mặt sông Hàn, ngoài dịch vụ mua sắm, nên chăng cần tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật nhằm tạo điểm nhấn, sự nổi bật ở các cụm công trình trọng điểm. Ngoài ra, có thể ưu tiên chiếu sáng ở hai bên bờ sông góp phần tăng thêm sự lung linh cho sông Hàn.
Cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ ngày một tốt hơn, cách đây không lâu, Đà Nẵng cung cấp cho du khách những thông tin liên quan đến du lịch qua một ứng dụng có tên inDanang App. Sản phẩm do một nhóm bạn trẻ đang sinh hoạt tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng thực hiện. Anh Nguyễn Văn Chương, người đưa ra ý tưởng ban đầu về inDanang App cho biết, nội dung chạy thử trên trang thông tin này được lấy từ Sở Công thương và Sở Du lịch Đà Nẵng nên bảo đảm tính chính xác.
Ngoài những thông tin đơn thuần như ăn gì, chơi gì, ở đâu, thì ứng dụng inDanang App còn cung cấp cho du khách những nội dung cụ thể, chi tiết hơn như đến địa chỉ A nên ăn món gì, địa chỉ B nên sử dụng dịch vụ gì để nhận được sự phục vụ tốt nhất. Trong thời gian 4 tháng chạy thử nghiệm, inDanang App được hơn 12.000 người tải về sử dụng, trong đó có nhiều du khách quốc tế. Theo anh Chương, sự khác biệt của inDanang App là du khách có thể thông qua trang điện tử để kết nối với tổng đài hỗ trợ 0511.1022 thành phố để nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ khi cần. Bên cạnh đó, inDanang App cũng tạo ra cầu nối thông tin giữa nhà cung cấp dịch vụ du lịch địa phương và khách du lịch.
Ngoài những thế mạnh du lịch sẵn có cũng như phá bỏ rào cản về giới hạn thời gian đón trả khách của quán xá, anh Trần Trà, Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên Đà Nẵng chia sẻ, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho du khách, Đà Nẵng cần xây dựng đường Bạch Đằng và đường Trần Hưng Đạo thành những trạm thông tin bằng việc lắp đặt nhiều hơn những điểm tra cứu về dịch vụ du lịch. Những trạm tra cứu cần được bài trí bắt mắt, hiện đại, tận dụng để thu hút du khách dừng chân.
Có thể nói, chỉ khi nào đường phố Đà Nẵng thật sự nhộn nhịp, những địa điểm công cộng thật sự xôm tụ bằng những hoạt động mua sắm, nghệ thuật, giải trí thì bức tranh đêm Đà Nẵng, sẽ tự mình chuyển biến theo chiều hướng tích cực và mang nhiều màu sắc hơn.
TIỂU YẾN
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Quảng Nam - Đà Nẵng: Sớm hình thành không gian đô thị chung
- Một dự án bất động sản có 8 luật, hàng chục nghị định, thông tư... điều chỉnh
- Đà Nẵng: Mở toang cửa ngõ Tây Bắc
- Đà Nẵng ủng hộ các lĩnh vực mà Tập đoàn giáo dục KinderWorld muốn đầu tư
- Đà Nẵng: Hạn chế xây chung cư cao tầng tại các khu đất dưới 1.200m2
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng “nóng” lên bất thường
- Thu nhập 10 triệu/tháng làm thế nào để mua được nhà?
- Căn hộ nghỉ dưỡng Monarchy ra mắt tòa B3 hướng sông Hàn đẹp nhất dự án
- Bẫy lãi suất trong giấc mơ mua nhà
- Lãi suất 2018: Ổn định nhưng khó giảm
- Doanh nghiệp bất động sản đang dựa quá nhiều vào vốn vay
- Giá trị bất động sản qua “lăng kính” người mua
- Xong thủ tục, ôtô Indonesia sắp tràn về Việt Nam
- Ngăn chặn mua, bán trái phép chung cư thuộc sở hữu Nhà nước
- Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất được thừa phát lại lập vi bằng có hợp lệ?
- Hạ tầng đồng bộ có ‘ủ nhiệt’ cho BĐS?
- Bất động sản Đà Nẵng đang “tạo sóng” mới (Bài 2: Hủy giao dịch, "bẻ kèo" vì giá đất tăng "chóng mặt")
- Bất động sản Đà Nẵng đang “tạo sóng” mới (Bài 1: Giá đất lên như “diều gặp gió”!)
- Tạo động lực mới phát triển Đà Nẵng
- Hoán đổi, thu hồi các khu đất, dự án để phục vụ công cộng