(Cadn.com.vn) - Vốn huy động của hệ thống ngân hàng (NH) trên địa bàn TP Đà Nẵng tăng cao hơn nhiều so với vốn cho vay, buộc các NH đang chạy đua cho vay dưới mọi hình thức.
Ngân hàng thừa tiền?
Theo NHNN Chi nhánh Đà Nẵng, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thành phố trong 10 tháng đầu năm 2016 đạt 86.500 tỷ đồng, tăng 16,63% so với tháng cuối năm 2015. Trong khi đó, huy động vốn của các TCTD trên địa bàn lại đạt 95.500 tỷ đồng, tăng 21,31% so với tháng cuối năm 2015, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng 4,68%. Như vậy, nếu tính số tiền huy động và cho vay có thể thấy các TCTD trên địa bàn đang “tồn két” 9.000 tỷ đồng. Điểm khác biệt, nếu như các năm trước đây huy động của các TCTD đều chủ yếu từ tiền gửi của dân cư thì năm nay, số lượng tiền huy động từ các tổ chức kinh tế lại tăng đột biến gần 30% và tiền gửi từ dân cư chỉ tăng 17,82%. Điều này, cho thấy các tổ chức kinh tế dường như không những không vay vốn ngân hàng để mở rộng quy mô đầu tư mà chỉ gửi tiết kiệm đảm bảo nguồn vốn.
Dấu hiệu dư tiền của các NH cũng thể hiện qua động thái, mới đây, thông qua kênh tín phiếu, NHNN đã hút ròng gần 13.300 tỷ đồng từ thị trường và chỉ trong gần 5 tháng qua, tổng cộng NHNN đã hút ròng gần 104.000 tỷ đồng qua kênh này. Điểm đáng lưu ý là lãi suất của tín phiếu rất thấp chỉ dao động ở mức 0,5%/năm, gần bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm nhưng các NH vẫn bỏ tiền mua vì nếu để tồn két không những mất chi phí quản lý mà còn không được hưởng lãi. Cùng với đó, biểu hiện rõ nhất của hiện tượng dư tiền này là lãi suất liên NH xuống mức thấp kỷ lục chưa từng có, hiện lãi suất qua đêm của các TCTD chỉ ở mức 0,2- 0,3%/năm.
Ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Agribank Đà Nẵng cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 của chi nhánh 19 - 20%, tuy nhiên đến thời điểm này, tăng trưởng mới chỉ đạt xấp xỉ 15%, trong khi đó huy động vốn tăng trưởng đến 19% so với cuối năm 2015. Ông Phúc cũng cho rằng mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh nhưng tiền gửi của các tổ chức và người dân vẫn cứ tiếp tục tăng.
Nhân viên NH Đông Á chi nhánh Đà Nẵng giới thiệu cho khách hàng vay vốn.
Chạy đua “xả vốn”
Theo ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng, năm 2016 tổng hạn mức cho vay của các TCTD trên địa bàn thành phố được phép tăng 25.000 tỷ đồng, trong khi đó đến thời điểm hiện nay mới chỉ tăng 11.000 tỷ đồng còn 15.000 tỷ đồng đang chờ giải ngân. Như vậy có thể thấy dự địa vốn của các TCTD cho vay là khá lớn, vì vậy buộc các NH phải chạy đua cho vay. Ông Minh cũng thừa nhận, đây là thời của người đi vay chứ không phải là thời của NH. Các NH hiện có mức thanh khoản khá tốt, thậm chí dư thừa buộc phải tìm kiếm cho ra các tổ chức, cá nhân có khả năng vay vốn để cho vay. Thậm chí NH phải thông qua nhiều kênh khác nhau như các hiệp hội, các buổi kết nối để tiếp xúc với doanh nghiệp và cùng tìm cách tháo gỡ các điều kiện khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Tuy vậy, việc đẩy mạnh cho vay các NH cũng rất thận trọng trong việc quản lý nợ xấu. Theo NHNN tính đến cuối tháng 9-2016 nợ quá hạn của các TCTD trên địa bàn là 2.751 tỷ đồng, chiếm 3,23% trên tổng dư nợ và đang nỗ lực đưa tỷ lệ nợ xấu này xuống 3% vào cuối năm 2016 nên việc lựa chọn khách hàng vay cũng là bài toán nan giải.
Ông Sơn, cán bộ tín dụng một phòng giao dịch NH Agribank Đà Nẵng cho biết, trước đây áp lực chỉ tiêu cấp trên giao tìm nguồn vốn huy động nhưng bây giờ cán bộ tín dụng phải “đốt đuốc” tìm khách hàng tốt vay vốn. “Nhu cầu tín dụng vào thời điểm cuối năm bao giờ cũng tăng cao hơn so với những tháng trong năm nên hàng ngày cứ phải mở danh bạ điện thoại gọi điện hoặc thông qua các mối quan hệ để mời chào vay vốn”, ông Sơn bày tỏ.
Khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế trên địa bàn tăng mạnh trong 10 tháng đầu năm buộc các NH tìm đến kênh cho vay tiêu dùng và mua bất động sản để “xả vốn”. Điển hình, trong tháng 10, hàng loạt NH liên tục tung ra các gói hấp dẫn cho vay tiêu dùng như: NH BIDV tung ra gói lãi suất tối đa 6%/năm đối với 5 lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao; NH Kiên Long dành 800 tỷ đồng cho vay mua ô-tô với lãi suất 8,5%/năm; Viettinbank Đà Nẵng cho vay dài hạn 15 năm với lãi suất 7,5%/năm trong vòng 12 tháng đầu tiên, HDBank dành riêng hạn mức 6.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng với lãi suất chỉ 7%/năm trong 3 tháng đầu; Đặc biệt, từ nay đến 31-12-2016, Agribank dành 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất từ 5-7%/năm đối với khách hàng, doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, các NH còn đua mở các điểm cho vay vốn tại các dự án bất động sản để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng; phát tờ rơi quảng cáo cho vay vốn không cần thế chấp; kết hợp với các cửa hàng, siêu thị cho vay mua hàng trả góp...
Việc tăng trưởng tín dụng trên địa bàn chưa đạt mục tiêu và đang có dấu hiệu chững lại, các NH chạy đua giảm lãi suất cho vay khơi thông dòng vốn là tín hiệu đáng mừng cho các tổ chức, cá nhân khi mùa cao điểm sử dụng vốn cuối năm đang tới.
Xuân Đương
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- 2 cách để xác nhận CMND khi chuyển sang Căn cước công dân
- Mua đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu có được cấp Sổ đỏ?
- Cách mua bán đất khi chưa có Sổ đỏ
- Xây dựng phương án mở về đền bù, tái định cư
- Triển khai lập Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030
- Tin tổng hợp Đà Nẵng:
- Đã đến lúc phải tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân
- Những trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất khi làm Sổ đỏ
- Sau tất cả, chuyên gia tin đất Đà Nẵng sẽ tăng giá thêm 30-50%
- 5 trường hợp phải sang tên Sổ đỏ
- Đà Nẵng cảnh báo cho người dân về 'sổ đỏ' giả
- Đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu vẫn được cấp Sổ đỏ
- Bán nhà mà không bán đất có được không?
- Toàn bộ người lao động sẽ được nghỉ làm chiều thứ 7?
- Có được mượn cớ mất sổ để làm lại Sổ đỏ?
- Giấy tờ giả "hành" công chứng viên
- Thủ tục làm Sổ đỏ cho đất không có giấy tờ
- Không được chứng thực chữ ký Giấy ủy quyền mua bán đất
- 4 trường hợp thu hồi Sổ đỏ mới nhất
- Khu vực đường Bạch Đằng: Cho phép dừng, đỗ phương tiện đón trả khách không quá 5 phút