Năm 2006 Luật Công chứng có hiệu lực đã xác lập cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng về xã hội hoá hoạt động công chứng. Công chứng viên (CCV) là linh hồn, là yếu tố cốt lõi tạo nên uy tín, chất lượng, thương hiệu của một VPCC. Mặc dù hiện nay những tiêu chuẩn của CCV đã được Luật Công chứng quy định, nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần bàn tới. Cần làm gì để tạo điều kiện cho công dân và tổ chức được thụ hưởng tốt nhất loại hình dịch vụ công quan trọng này, PV Tạp chí Pháp lý đã có cuộc phỏng vấn Ts. Lê Quốc Hùng – Trưởng VPCC Hà Nội xung quanh vấn đề xã hội\ hóa công chứng và những ý kiến đóng góp của ông cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng.
P/v: Một trong khía cạnh thể hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là Luật Công chứng đã đổi mới căn bản chế định Công chứng viên (CCV), đã đề cao trách nhiệm và nghĩa vụ của công chứng viên. Vậy, xin ông cho biết địa vị pháp lý của CCV làm việc trong Văn phòng công chứng tư (VPCC) và Phòng công chứng Nhà nước (PCC) có gì khác nhau không?
TS. Lê Quốc Hùng: Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn được quy định trong luật và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng. Công chứng viên không nhất thiết phải là công chức nhà nước. Đây là điểm rất mới ở nước ta trong khi ở nước ngoài điều này từ lâu đã trở nên phổ biến. Trong lịch sử phát triển nghề công chứng ở châu Âu thì công chứng viên chưa bao giờ là công chức nhà nước. Công chứng viên được nhà nước bổ nhiệm chức danh, được thay mặt nhà nước nhưng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Luật Công chứng hiện hành cũng không quy định công chứng viên là công chức nhà nước. Trên thực tế hiện nay tồn tại hai loại công chứng viên: Công chứng viên nhà nước làm việc trong các phòng công chứng nhà nước và công chứng viên không phải là công chức nhà nước làm việc trong các Văn phòng công chứng. Mặc dù có hai loại công chứng viên làm việc ở hai hình thức tổ chức hành nghề công chứng khác nhau nhưng về địa vị pháp lý của họ trong hành nghề công chứng hoàn toàn như nhau; Luật Công chứng không phân biệt giá trị pháp lý của văn bản công chứng của hai loại công chứng viên hoạt động ở hai mô hình tổ chức hành nghề công chứng.
TS . Lê Quốc Hùng - Trưởng VPCC Hà Nội
TS . Lê Quốc Hùng - Trưởng VPCC Hà Nội
Thực hiện xã hội hoá hoạt động công chứng đã làm cho hoạt động công chứng trở thành một nghề chuyên môn sâu, mang tính chuyên nghiệp hoá. Để đáp ứng được thực tế đó đòi hỏi phải hoàn thiện Luật công chứng nói chung và các quy định về địa vị pháp lý của công chứng viên nói riêng. Ông có thể cho một vài ý kiến góp ý sửa đổi bổ sung nhằm nâng cao địa vị pháp lý của công chứng viên?
TS. Lê Quốc Hùng: Luật công chứng dành toàn bộ chương II, từ điều 13 đến điều điều 22 để quy định về địa vị pháp lý của công chứng viên. Đây là chế định cực kỳ quan trọng của Luật công chứng (10/67, chiếm 15% tổng số điều khoản của Luật). Điều 13 đã quy định tiêu chuẩn của công chứng viên khá cao: Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật; Có thời gian công tác pháp luật từ năm năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức; Có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng; Đã qua thời gian tập sự hành nghề công chứng; Có sức khoẻ bảo đảm hành nghề công chứng. Hơn nữa, chương trình khung đào tạo nghề công chứng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định (Điều 14). Quy định như vậy là chặt chẽ và cần phải tuân thủ định hướng này. Nhưng theo tôi Điều 15 của Luật cần phải được chỉnh sửa, không nên quy định quá nhiều đối tương được miễn đào tạo nghề công chứng. Cần quy định gọn lại như sau: Người được miễn đào tạo nghề công chứng: 1. Đã là thẩm phán, kiểm sát viên. 2. Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật. Như vậy, trong khoản 1 cần bỏ chức danh điều tra viên, luật sư từ ba năm trở lên và bỏ khoản 3. Để bảo đảm công chứng viên có đủ sức khoẻ thực hành nghề công chứng nên chăng cần quy định độ tuổi tối đa của quá trình tác nghiệp công chứng. Theo chúng tôi, trong Điều 13 cần quy định thêm tiêu chí độ tuổi, ví dụ trên 65 hoặc trên 70 không được ký vào văn bản công chứng và có thể sửa lại điểm đ Điểu 13 như sau: đ) Có sức khoẻ bảo đảm hành nghề công chứng và dưới 70 tuổi..
Nghề công chứng là nghề chuyên sâu, chuyên nghiệp hoá nên mọi đối tượng đều phải qua một thời gian tập sự. Quy định như vậy nhằm bảo đảm hoạt động thực tiễn của công chứng viên trước khi hành nghề, tránh sai sót đáng tiếc. Trên tinh thần đó chúng tôi đề nghị bỏ điều 17 của Luật và Điều 18 được chỉnh sửa cho phù hợp với việc bỏ Điều 17..
Để giảm thiểu tối đa những bất cập, vướng mắc trong hoạt động hành nghề công chứng và với tư cánh là người hoạt động thực tiễn, ông có kiến nghị sửa đổi nào nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động hành nghề công chứng?
TS. Lê Quốc Hùng: Tại Điều 41 Luật công chứng chỉ mới quy định “Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong văn bản công chứng trong các trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng không ký được…”. Như vậy, Luật chưa bắt buộc điểm chỉ. Nhằm bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các giao dịch, tránh tình trạng giả mạo nhân thân của các bên trong giao dịch, cần đưa vào Điều 41 chế định bắt buộc điểm chỉ vào giao dịch.
Chế định quyền khiếu nại của người yêu cầu công chứng cần được bổ sung để hoàn thiện hơn về phạm vi khiếu nại và cách thức giải quyết khiếu nại vì trong điều 63 chỉ quy định việc khiếu nại hành vi từ chối công chứng và quy định Trưởng văn phòng công chứng và Trưởng phòng công chứng giải quyết khiếu nại theo một thủ tục như nhau là không phù hợp. Điều quy định này chưa minh định rõ bản chất việc giải quyết khiếu nại này. Nếu coi việc giải quyết khiếu nại này là thực hiện theo Luật khiếu nại, tố cáo thì không phù hợp với quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật khiếu nại, tố cáo vì Văn phòng công chứng không phải là cơ quan hành chính nhà nước. Nếu coi đây là giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với tổ chức cung cấp dịch vụ công thì ý nghĩa của việc giải quyết lần hai của Giám đốc Sở tư pháp là không thuyết phục vì Công chứng viên và Văn phòng công chứng chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình. Mặt khác, Luật công chứng cũng chưa có quy định về cơ chế bảo đảm thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, nên không thể bảo đảm quyền lợi của người yêu cầu công chứng trong trường hợp Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng không thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Giám đốc Sở.
Còn những quy định trong Luật về tổ chức và hoạt động của VPCC thì sao? Thưa ông!?
TS. Lê Quốc Hùng: Cần bổ sung vào khoản 1 Điều 34 Luật công chứng quy đinh về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng công chứng thêm trong trường hợp Công chứng viên duy nhất của Văn phòng công chứng chết. Nên bổ sung một chế định quy định về việc Văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động ngay trong Điều này vì trong thực tiễn đời sống xã hội không thiếu những trường hợp xuất hiện nhu cầu tạm ngừng hoạt động Văn phòng hoặc Phòng công chứng một cách chính đáng.
Nên bỏ điều quy định: “ Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh” tại Điểu 26 Luật công chứng vì quy định như vậy dễ gây cho nhiều người cách hiểu phải áp dụng Luật doanh nghiệp vào quá trình điều chỉnh hoạt động của Văn phòng công chứng, hơn nữa làm giảm nhẹ tính dịch vụ công của hoạt động công chứng.
Theo ông, độ tuổi của CCV khi được bổ nhiệm tối đa là bao nhiêu thì phù hợp với điều kiện thực tiễn ?
TS. Lê Quốc Hùng: Cần bổ sung Điều 19 Luật công chứng thêm khoản 6 quy định về độ tuổi khi bổ nhiệm công chứng viên không quá 70 tuổi vì trên thực tế trong thời gian qua một số công chứng viên được bổ nhiệm khi tuổi quá cao, sức khoẻ không bảo đảm, thường xuyên nằm viện gây trở ngại trong công việc…
Là trưởng VPCC, trong quá trình thực hiện Luật Công chứng, ông thấy có điều khoản nào còn mâu thuẫn với Bộ Luật khác và cần hợp chuẩn lại như thế nào?
TS. Lê Quốc Hùng: Cần hợp chuẩn một số quy định còn mâu thuẫn giữa các luật: Khoản 1 Điều 44 Luật công chứng quy định việc huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có thoả thuận, cam kết của tất cả những người tham gia hợp đồng, giao dịch đó. Trong khi đó, Điều 425 Bộ luật dân sự 2005 lại quy định một bên có quyền huỷ hợp đồng, Điều 103 và Điều 124 Luật nhà ở cũng quy định một bên có quyền đơn phương huỷ hợp đồng cho thuê nhà, hợp đồng quản lý nhà ở. Sự mâu thuẫn này đã gây lúng túng cho người yêu cầu công chứng cũng như công chứng viên.
Và hiện nay, các quyết định bổ nhiệm công chứng viên của các Văn phòng công chứng ( không phải viên chức nhà nước) ghi phạm vi địa bàn hoạt động công chứng, Bộ Tư pháp ghi: “Bổ nhiệm công chứng viên….làm công chứng viên tại thành phố Hà Nội.” là trái với điểm a khoản 1 Điều 22 trong Luật công chứng, trong đó quy định công chứng viên được lựa chọn nơi hành nghề công chứng. Việc Bộ Tư pháp ghi xác định “Bổ nhiệm công chứng viên…làm công chứng viên tại thành phố Hà Nội.” trong Quyết định bổ nhiệm công chứng viên (làm việc trong các VPCC tư) dẫn đến cách hiểu công chứng viên này chỉ hoạt động tại địa bàn ghi trong quyết định bổ nhiệm còn các công chứng viên làm việc trong Phòng công chứng (Nhà nước) thì không bị giới hạn địa bàn hoạt động nên khi nghỉ hưu có thể thành lập Văn phòng công chứng tại địa bàn khác. Điều này gây ra sự bất bình đẳng giữa hai loại công chứng viên.
Luật Công chứng không cho phép nhưng một số CCV vẫn thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở. Ông nghĩ sao về thực tế này?
TS. Lê Quốc Hùng: Không cần quy định việc công chứng bắt buộc phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng vì công chứng viên chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về văn bản công chứng nên việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở nếu công chứng viên thấy thuận lợi. Từ đó, trong quá trình bàn thảo sửa đổi Luật công chứng, không nhất thiết phải tiếp tục giữ lại Điều 39 quy định về địa điểm công chứng.
Theo ông có nên thành lập Hiệp Hội CCV để các CCV chia sẻ thông tin nghiệp vụ?
TS. Lê Quốc Hùng: Cần tạo điều kiện để Hiệp hội công chứng viên ra đời và hoạt động có hiệu quả, thực chất giúp cho tổ chức này có thể bảo vệ quyền lợi cho công chứng viên và thống nhất các hoạt động cho các tổ chức hành nghề công chứng. Hiệp hội công chứng viên sẽ đóng góp vai trò to lớn trong việc chia sẻ thông tin nghiệp vụ giữa các tổ chức hành nghề công chứng và tránh việc cạnh tranh không lành mạnh. Giải quyết các mối quan hệ nội bộ trong các văn phòng công chứng đảm bảo hoạt động công chứng với tư cách là một nghề mới phát triển ổn định.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trần Long – Văn Thư (thực hiện)
Theo Tạp chí Pháp lý
Các bản tin khác