Căn nhà gắn bó suốt cuộc đời với ai đó, không phải chuyện hiếm. Và cũng có nhiều người thường xuyên thay đổi nhiều nhà tới mức chưa kịp làm thân với xóm giềng. Dù ở hoàn cảnh nào, căn nhà không chỉ là nơi trú ngụ sau một ngày làm việc vất vả.
1.
Có lần tôi rảnh, ngồi chat với cô bạn gần nhà. Cô ấy rất giỏi, cả vợ lẫn chồng đều làm ra nhiều tiền. Cặp đôi này sinh liền lúc 4 cậu con trai và đang cho con theo học trường quốc tế với mức học phí của mỗi bé hơn cả thu nhập của viên chức kha khá.
Vợ chồng cô dường như có thú mua nhà đất. Năm nào cũng thấy mua 1 món nào đó. Chung cư xịn có vài cái, đất nền có vài miếng, nhà phố cũng “điểm danh” vài căn. Cứ đà này, thì chắc sau 20 năm nữa, cặp vợ chồng này sẽ có trong tay tới vài chục món bất động sản rải khắp Sài Gòn.
Nghe cô kể chuyện mà không khỏi ngả mũ bái phục. Cô bạn đang tính, nếu tụi nhóc học ở trường quốc tế nào khác xa hơn thì có lẽ gia đình sẽ chuyển nhà đi theo. Quận nào cũng có nhà, nên không lo chỗ ở. Ngoài việc mua để kinh doanh cho thuê, thì cũng có căn nhà cô để đó, cứ đến cuối tuần cả nhà “đổi gió” cho đỡ tẻ nhạt cuộc sống. Nhiều lúc đồ đạc quần áo mỗi đứa để ở 1 nhà, đi kiếm mệt gần chết. Nhưng có lẽ cái mệt này hầu như ai cũng muốn được trải nghiệm.
Và vì nhiều nhà quá, nên không có một nơi gắn bó. Căn nhà đầu tiên có mảnh vườn phía trước khá đẹp, nhưng rồi có thời gian nào mà ngồi thưởng thức, nên đành lát gạch toàn bộ cho sạch sẽ.
Tôi để ý thấy nhiều ngày cuối tuần, cả chồng cả vợ đều đi công tác hoặc họp hành. Các con thì trôi từ trường học vẽ sang trường ngoại ngữ. Hiếm hoi lắm, cô bạn mới sắp xếp được cả gia đình đi chơi. Mà cũng chỉ sáng đi chiều về ở Vũng Tàu, Bình Dương. Lúc nào cũng tất bật.
Ở những căn nhà đã mua, vợ chồng cô gần như không biết được ai là hàng xóm ngay sát bên. Nghe nói, cặp đôi này chuẩn bị mua thêm căn nhà bên Úc, để chuẩn bị cho tương lai di cư sau này.
2.
Vào những thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới, mọi người đều tất bật đủ thứ việc, thì anh bạn tôi alo kêu tới nhà ăn bữa cơm. Lý do có cuộc gặp gỡ này, chẳng phải vì Giáng sinh, cũng không vì năm mới. Sắp tới đây, gia đình anh chia tay căn nhà đã sinh sống suốt từ những tháng năm thơ ấu, để chuyển qua nơi khác. Ở nơi nhiều kỷ niệm này cũng đã hơn 50 năm, hỏi sao mà không thương không nhớ.
Căn nhà được gìn giữ từ thời ông bà nội, sang tới bố mẹ anh và sau này, anh cưới vợ sinh con đều ở dưới mái nhà quá nhiều dấu ấn này. Trước đây, ông bà chỉ có ba anh là người con duy nhất, đến đời ba mẹ cũng chỉ có anh là đứa con duy nhất. Mọi người chung sống trong căn nhà vừa phải tại 1 con hẻm tại quận Bình Thạnh. Nhà có 2 phòng ngủ cùng phòng khách và bếp. Mọi sinh hoạt gói ghém trong đó cũng vừa đủ. Người ta nói ăn hết nhiều, ở hết bao nhiêu. Mấy chục năm trôi qua nhẹ nhõm. Ông bà nội và ba mẹ già rồi chia tay dương thế. Anh và bà xã gầy dựng cuộc sống cùng các con.
Cũng sống trong căn nhà đó, nhưng anh đã “phá vỡ truyền thống” khi sinh liền tù tì 3 đứa con, có đủ trai và gái. Lúc nhỏ, tụi nhóc hoặc ở chung với ba mẹ, hoặc ở phòng kế bên cùng người giữ trẻ. Nhưng theo thời gian, con cái lớn lên và trưởng thành. Căn nhà dần chật chội khó có thể đáp ứng những sinh hoạt của lũ trẻ. Con trai và con gái không ở chung trong 1 phòng được và đương nhiên, chúng cũng không chịu ở cùng phòng với ba mẹ. Vào buổi tối, phòng khách nhà anh biến thành nơi học tập. Bình thường không sao, chứ có khách là bắt đầu rối loạn.
Anh chị quyết định đổi nhà. Dù biết đó là một quyết định khó khăn với anh. Bao nhiêu là nhớ nhung khi phải rời xa căn nhà đã gắn bó tới 2/3 cuộc đời. Và bữa ăn đầm ấm mời vài người bạn thân thiết tới, để anh chia sẻ những tâm sự của mình, diễn ra trong mảnh sân nhỏ trước nhà. Dưới gốc khế lớn, anh kể rằng, ngay từ lúc học lớp Lá mầm non, anh và ba mình đã trồng cây khế khi ấy mới bấy bớt chừng 2 gang tay.
Một nhà và một đời, nhiều nhà và nhiều đời - sự được sự mất làm sao mà so sánh với mọi hoàn cảnh khác biệt. Chỉ biết rằng, nếu ta yêu thương đến tận cùng sự chuyển dịch chỗ ở, thì cũng đã được tận hưởng những điều tốt đẹp nhất không dính chút nào đến sự giàu có hay tiền bạc. Vì vậy, hãy yêu căn nhà của mình, dù nơi bậu cửa sổ ấy, mối đã từng làm tổ và ăn lỗ chỗ rồi…
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng