Căn nhà gắn bó suốt cuộc đời với ai đó, không phải chuyện hiếm. Và cũng có nhiều người thường xuyên thay đổi nhiều nhà tới mức chưa kịp làm thân với xóm giềng. Dù ở hoàn cảnh nào, căn nhà không chỉ là nơi trú ngụ sau một ngày làm việc vất vả.
1.
Có lần tôi rảnh, ngồi chat với cô bạn gần nhà. Cô ấy rất giỏi, cả vợ lẫn chồng đều làm ra nhiều tiền. Cặp đôi này sinh liền lúc 4 cậu con trai và đang cho con theo học trường quốc tế với mức học phí của mỗi bé hơn cả thu nhập của viên chức kha khá.
Vợ chồng cô dường như có thú mua nhà đất. Năm nào cũng thấy mua 1 món nào đó. Chung cư xịn có vài cái, đất nền có vài miếng, nhà phố cũng “điểm danh” vài căn. Cứ đà này, thì chắc sau 20 năm nữa, cặp vợ chồng này sẽ có trong tay tới vài chục món bất động sản rải khắp Sài Gòn.
Nghe cô kể chuyện mà không khỏi ngả mũ bái phục. Cô bạn đang tính, nếu tụi nhóc học ở trường quốc tế nào khác xa hơn thì có lẽ gia đình sẽ chuyển nhà đi theo. Quận nào cũng có nhà, nên không lo chỗ ở. Ngoài việc mua để kinh doanh cho thuê, thì cũng có căn nhà cô để đó, cứ đến cuối tuần cả nhà “đổi gió” cho đỡ tẻ nhạt cuộc sống. Nhiều lúc đồ đạc quần áo mỗi đứa để ở 1 nhà, đi kiếm mệt gần chết. Nhưng có lẽ cái mệt này hầu như ai cũng muốn được trải nghiệm.
Và vì nhiều nhà quá, nên không có một nơi gắn bó. Căn nhà đầu tiên có mảnh vườn phía trước khá đẹp, nhưng rồi có thời gian nào mà ngồi thưởng thức, nên đành lát gạch toàn bộ cho sạch sẽ.
Tôi để ý thấy nhiều ngày cuối tuần, cả chồng cả vợ đều đi công tác hoặc họp hành. Các con thì trôi từ trường học vẽ sang trường ngoại ngữ. Hiếm hoi lắm, cô bạn mới sắp xếp được cả gia đình đi chơi. Mà cũng chỉ sáng đi chiều về ở Vũng Tàu, Bình Dương. Lúc nào cũng tất bật.
Ở những căn nhà đã mua, vợ chồng cô gần như không biết được ai là hàng xóm ngay sát bên. Nghe nói, cặp đôi này chuẩn bị mua thêm căn nhà bên Úc, để chuẩn bị cho tương lai di cư sau này.
2.
Vào những thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới, mọi người đều tất bật đủ thứ việc, thì anh bạn tôi alo kêu tới nhà ăn bữa cơm. Lý do có cuộc gặp gỡ này, chẳng phải vì Giáng sinh, cũng không vì năm mới. Sắp tới đây, gia đình anh chia tay căn nhà đã sinh sống suốt từ những tháng năm thơ ấu, để chuyển qua nơi khác. Ở nơi nhiều kỷ niệm này cũng đã hơn 50 năm, hỏi sao mà không thương không nhớ.
Căn nhà được gìn giữ từ thời ông bà nội, sang tới bố mẹ anh và sau này, anh cưới vợ sinh con đều ở dưới mái nhà quá nhiều dấu ấn này. Trước đây, ông bà chỉ có ba anh là người con duy nhất, đến đời ba mẹ cũng chỉ có anh là đứa con duy nhất. Mọi người chung sống trong căn nhà vừa phải tại 1 con hẻm tại quận Bình Thạnh. Nhà có 2 phòng ngủ cùng phòng khách và bếp. Mọi sinh hoạt gói ghém trong đó cũng vừa đủ. Người ta nói ăn hết nhiều, ở hết bao nhiêu. Mấy chục năm trôi qua nhẹ nhõm. Ông bà nội và ba mẹ già rồi chia tay dương thế. Anh và bà xã gầy dựng cuộc sống cùng các con.
Cũng sống trong căn nhà đó, nhưng anh đã “phá vỡ truyền thống” khi sinh liền tù tì 3 đứa con, có đủ trai và gái. Lúc nhỏ, tụi nhóc hoặc ở chung với ba mẹ, hoặc ở phòng kế bên cùng người giữ trẻ. Nhưng theo thời gian, con cái lớn lên và trưởng thành. Căn nhà dần chật chội khó có thể đáp ứng những sinh hoạt của lũ trẻ. Con trai và con gái không ở chung trong 1 phòng được và đương nhiên, chúng cũng không chịu ở cùng phòng với ba mẹ. Vào buổi tối, phòng khách nhà anh biến thành nơi học tập. Bình thường không sao, chứ có khách là bắt đầu rối loạn.
Anh chị quyết định đổi nhà. Dù biết đó là một quyết định khó khăn với anh. Bao nhiêu là nhớ nhung khi phải rời xa căn nhà đã gắn bó tới 2/3 cuộc đời. Và bữa ăn đầm ấm mời vài người bạn thân thiết tới, để anh chia sẻ những tâm sự của mình, diễn ra trong mảnh sân nhỏ trước nhà. Dưới gốc khế lớn, anh kể rằng, ngay từ lúc học lớp Lá mầm non, anh và ba mình đã trồng cây khế khi ấy mới bấy bớt chừng 2 gang tay.
Một nhà và một đời, nhiều nhà và nhiều đời - sự được sự mất làm sao mà so sánh với mọi hoàn cảnh khác biệt. Chỉ biết rằng, nếu ta yêu thương đến tận cùng sự chuyển dịch chỗ ở, thì cũng đã được tận hưởng những điều tốt đẹp nhất không dính chút nào đến sự giàu có hay tiền bạc. Vì vậy, hãy yêu căn nhà của mình, dù nơi bậu cửa sổ ấy, mối đã từng làm tổ và ăn lỗ chỗ rồi…
Các bản tin khác
- Thị trường bất động sản: Lạc quan trong thận trọng
- Siết tín dụng bất động sản: Động thái cần thiết để thị trường phát triển bền vững
- Thế giới ước mơ và hạnh phúc qua màn trình diễn của đội Ý
- Bất động sản xoay chiều đầu tư
- Biệt thự trên không, khái niệm mới về nhà ở
- Chủ tịch nước Lệnh công bố 7 Luật
- Bất động sản miền Trung còn nhiều dư địa phát triển
- Nhà đầu tư ngoại nào đang dẫn đầu thị trường bất động sản Việt Nam?
- Gần 28 tỷ đồng xây bãi đỗ xe lắp ghép 6 tầng tại khu vực trung tâm thành phố
- GẶP MẶT NHÂN DỊP BÀ NGUYỄN VŨ MINH NGUYỆT ĐƯỢC PHONG TẶNG DANH HIỆU AHLLVTND
- Đà Nẵng qui hoạch lại 7 khu 'đất vàng' của các đại gia
- Doanh nghiệp chuyên doanh bất động sản đầu tiên ở Đà Nẵng lên sàn chứng khoán
- Đà Nẵng sẵn sàng cho tuần lễ GEF 6
- "Ma trận" sàn giao dịch bất động sản
- Bão vành đai (Bài cuối: Không nên đô thị hóa cưỡng bức)
- Đà Nẵng: Ra mắt liên minh doanh nghiệp bất động sản G3
- Rà soát các dự án đầu tư trọng điểm về giao thông
- Các tuyến đường thuộc dự án Khu dân cư bàu Gia Phước (Q. Sơn Trà): Chậm thi công do mặt bằng còn "vướng"
- Sẽ lập Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng
- Giải mã tại sao Liên Chiểu thu hút các nhà đầu tư lớn