Do nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai nên hiện nay nhiều huyện của Hà Nội đang gặp khó khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ). Để hoàn thành việc cấp sổ đỏ cho nhân dân theo chỉ đạo của thành phố, các huyện đều mong muốn sớm có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng.
Người dân làm thủ tục cấp sổ đỏ tại UBND huyện Mỹ Đức. Ảnh: Bá Hoạt
Vướng quy định
Theo kết quả rà soát, hiện nay, trên địa bàn huyện Mỹ Đức còn 5.665 thửa đất, Phúc Thọ 1.276 thửa, Thanh Oai 16.821 thửa, Mê Linh 6.346 thửa… chưa thể cấp sổ đỏ. Mặc dù số thửa phải cấp giấy chứng nhận không nhiều nhưng đây chính là điểm “nghẽn” khiến các địa phương khó hoàn thành kế hoạch theo chỉ đạo của thành phố. Trong đó, vấn đề mắc nhất hiện nay liên quan đến quy định hạn mức sử dụng đất ở và xử lý đất giao, cấp trái thẩm quyền…
Theo Quyết định số 22/2014/ QĐ-UBND ngày 20-6-2014 của UBND thành phố quy định về hạn mức công nhận đất ở thì những thửa đất có vườn, ao hình thành trước ngày 18-12-1980, người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì diện tích đất ở được xác định không quá 5 lần hạn mức đất ở mới. Đối với xã vùng đồng bằng, hạn mức tối thiểu là 80m2, tối đa là 180m2; đối với xã vùng trung du, hạn mức tương ứng 120-240m2, đối với các xã vùng miền núi 150-300m2…
Thực tế ở các huyện: Mỹ Đức, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Đông Anh… có nhiều hộ dân sử dụng đất được thừa kế từ trước ngày 18-12-1980 nhưng hiện nay không có giấy tờ chứng minh, không có danh sách đăng ký trong hồ sơ địa chính (bản đồ, sổ mục kê…) trước năm 1980 và được thể hiện trên bản đồ, sổ mục kê năm 1983.
Chủ tịch UBND xã An Phú (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Bá Minh cho biết, hàng trăm năm nay, 47 hộ gia đình ở thôn Gốc Báng sử dụng 1.500-4.500m2 đất vào mục đích đất ở. Theo quy định thì các hộ chỉ được công nhận hạn mức đất ở tối đa là 900m2, số diện tích còn lại được công nhận là đất vườn và được sử dụng trong thời gian 50 năm. Vì quy định này nên hiện nay các hộ dân không hợp tác với chính quyền để đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Tương tự, ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), hiện có hơn 100 hồ sơ đã hoàn thành thủ tục cấp nhưng chưa thể giao sổ cho các hộ dân. Huyện và thị trấn tổ chức hai hội nghị thông báo chủ trương của Nhà nước cho nợ, gia hạn nghĩa vụ tài chính nhưng các hộ dân không nhận, mà đề xuất nguyện vọng hủy giấy đã ký vì không có khả năng nộp tiền theo quy định...
Tìm giải pháp tháo gỡ
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, các huyện đã thành lập tổ công tác xuống trực tiếp xã, thị trấn để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng quy định pháp luật về đất đai; tổ chức rà soát, phân loại rõ từng trường hợp vướng mắc, đề xuất các ngành liên quan nghiên cứu, tháo gỡ; đồng thời, tập trung hoàn thành việc kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất đối với các thửa đủ điều kiện; lập hồ sơ quản lý các thửa đất vi phạm quy hoạch, không đủ điều kiện cấp giấy…
Đặc biệt, ngày 31-3-2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND quy định một số nội dung về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề và đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở.
Đáng chú ý trong Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND có nội dung thay thế Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND ngày 18-12-2015 về các quy định đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; công nhận quyền sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề và đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở trên địa bàn TP Hà Nội...
Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức Trần Văn Thể: Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố có hiệu lực từ ngày 10-4-2017 đã tháo gỡ khó khăn đối với các trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, đối với các vướng mắc liên quan hạn mức đất ở, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Các địa phương mong các ngành chức năng liên quan của thành phố sớm ban hành hướng dẫn cụ thể trên cơ sở phù hợp tình hình thực tế theo hướng bảo vệ quyền lợi người dân.
Kim Văn (Hà Nội mới)
Các bản tin khác
- Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2030
- Siết tín dụng bất động sản: Loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"
- Cam kết lợi nhuận tựa con dao hai lưỡi
- 03/08/2018 1:25 PM Sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế
- Việt Nam sẽ có đô thị thông minh vào 2025
- 'Địa ốc hạng sang Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển'
- Biến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thành điểm “ngắm cảnh, ăn uống, vui chơi”?
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Cú hích xây dựng Đà Nẵng đột phá, đáng sống
- Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore liên kết hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng
- Dự án căn hộ cao cấp: Những hiện tượng lạ trên thị trường
- Bài toán giải quyết rủi ro khi đầu tư thị trường bất động sản nam Đà Nẵng
- Giá đất tái định cư tại một số dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ
- Phát triển đô thị Đà Nẵng: Hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường
- Sắp có ‘thuốc’ trị tranh chấp tại các chung cư
- Việt Nam có quá ít bất động sản xanh
- Siết lập vi bằng, mua bán nhà bớt rủi ro
- Nhận diện lực đẩy mới của thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Chẳng dại gì mang 800 triệu mua đất ngoại thành, chọn chung cư mà ở
- Sốc với ưu đãi chưa từng có tại công viên giải trí nổi tiếng Đà Nẵng
- Ngắm hoàng hôn trên Cầu Vàng – Bà Nà Hills