Ít ngày trước hạn chót 15/7, các ngân hàng quốc doanh đồng loạt cam kết giảm lãi suất các khoản vay cũ về 15% như chỉ đạo. Đánh giá cao động thái này, nhưng giới chuyên gia khuyến cáo quản chặt để tránh tái diễn nạn lách trần.
Sau khi Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cam kết thực hiện sớm chỉ đạo của thống đốc, ngay ngày 11/7, Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) tổ chức họp báo công bố hạ lãi suất đối với tất cả các khoản vay xuống không quá 15% từ 15/7. Chủ tịch Vietinbank Phạm Huy Hùng thậm chí tuyên bố sẵn sàng cho doanh nghiệp vay vốn lưu động với lãi suất 11-12% một năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt trong những tháng gần đây là lý do khiến lãnh đạo Vietinbank tự tin thực hiện theo chỉ đạo của Thống đốc. Ông Hùng dự báo, lãi suất cho vay sẽ còn giảm nữa.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng nhiệt tình không kém. Chiều qua, ông lớn này cũng phát đi thông cáo báo chí cho biết đang rà soát toàn bộ dư nợ các khoản vay đang có mức lãi suất cao hơn 15% để điều chỉnh về mức trần mà Thống đốc khuyến cáo từ 15/7. Các khoản vay mới tại BIDV cũng sẽ hưởng lãi suất không quá 15%.
Riêng với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, khắc phục bão lũ), lãi suất tối đa sẽ là 12%. Các khoản vay ngắn hạn của khách hàng có định hạng tín nhiệm cao thuộc lĩnh vực này, lãi suất cho vay chỉ ở mức 11-12%. Mức thấp nhất mà BIDV chào cho khách hàng trong lĩnh vực xuất khẩu là 9-11%, với điều kiện doanh nghiệp thực hiện dịch vụ trọn gói tại BIDV.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chưa ra thông cáo chính thức về kế hoạch giảm lãi suất. Song trao đổi với báo chí, lãnh đạo ngân hàng này cho biết ngay sau khi dự hội nghị ngành cuối tuần qua, đã họp và có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện chủ trương mới từ ngày 15/7. Hiện các khoản vay lãi suất trên 15% đang chiếm khoảng 50% tổng dư nợ của Agribank. Nếu giảm lãi suất theo chỉ đạo, Agribank sẽ giảm doanh thu khoảng 4.500 tỷ đồng sau khi đã giảm khoảng 3.000 tỷ đồng từ những đợt giảm lãi suất trước đó.
Khối ngân hàng cổ phần cũng đang rậm rịch vào cuộc. Trao đổi vớiVnExpress.net, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB Nguyễn Thanh Toại cho biết sẽ tiến hành điều chỉnh lãi suất từ ngày 15/7 đúng như chỉ đạo. Chủ tịch HĐQT SeaBank Nguyễn Thị Nga cũng khẳng định sẽ chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Dù là ngân hàng cổ phần, quy mô không lớn nhưng bà Nga cho biết sẽ theo sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước và đưa lãi suất về 15% một năm.
Lãi suất huy động niêm yết cao nhất 9% cho kỳ hạn dưới 12 tháng, nhưng cũng bắt đầu có tình trạng lách trần. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Các chuyên gia đều đánh giá cao quyết tâm của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng như ngành ngân hàng trong việc tháo gỡ khó cho doanh nghiệp. Nhưng cũng còn những băn khoăn về tính khả thi của việc áp trần lãi suất cho vay này. Có ý kiến cho rằng đây không phải lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước "ra tay" để giảm lãi suất các khoản tín dụng cũ. Cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã ra công văn yêu cầu ngân hàng xem xét hạ lãi suất các hợp đồng tín dụng theo thị trường. Nhưng đến nay, gần như các ngân hàng vẫn "làm ngơ" vì văn bản trên không quy định cụ thể từng trường hợp. Do đó, theo nhìn nhận của các chuyên gia ngân hàng, tuyên bố đầy quyết tâm lần này của Thống đốc vẫn còn thiếu những chỉ báo rõ ràng để thành hiện thực.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng cần phải phân loại rõ thế nào là nợ cũ, món vay cũ được xét từ mốc thời gian nào và chủ trương này có áp dụng cho tất cả các ngân hàng với mọi khoản tín dụng ở các lĩnh vực hay không. Tiến sĩ Lực đề xuất, có thể nên bổ sung lộ trình giảm lãi suất cho các ngân hàng quy mô nhỏ để họ theo được quy định này trong bối cảnh họ cũng khó khăn.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm tin rằng chủ trương này sẽ khả thi nếu Ngân hàng Nhà nước cụ thể hóa bằng các chính sách rõ ràng, kiểm tra chặt chẽ.
"Ngoài thống nhất về tư tưởng thì cần phải có chính sách giám sát rõ ràng. Nếu để ngân hàng tự giác thì rất khó", ông nhìn nhận. Không chỉ vậy, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng không loại trừ khả năng các nhà băng sẽ "lách" chủ trương áp trần lãi cho vay này giống như đã làm với lãi suất huy động. "Nếu không nghiêm thì các ngân hàng có thể lách luật vì mục tiêu lợi nhuận cao. Lãi suất huy động làm chặt thế họ còn lách được", ông nói.
Chuyên gia kinh tế độc lập Vũ Đình Ánh cũng tin rằng các nhà băng khó né được "chiếu" mà Thống đốc đã ban. "Ngân hàng làm vậy thì doanh nghiệp sẽ phản ứng ngay lập tức vì điều này tác động trực tiếp đến họ", ông Ánh lý giải. Không chỉ vậy, chuyên gia này cho rằng ngoài chế tài cho ngân hàng thậm chí cần có quy định để tránh việc doanh nghiệp lạm dụng ưu đãi để hưởng lợi.
Ngay khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố buộc các ngân hàng hạ lãi suất về 15% tại hội nghị sơ kết cuối tuần qua, ở dưới hội trường, cũng có vài lãnh đạo ngân hàng nhìn nhau tỏ ra e ngại vì rút lãi suất đồng nghĩa với lợi nhuận có thể giảm. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch hôm qua (10/7) vừa cảnh báo, khả năng tạo lợi nhuận của các nhà băng lớn ở Việt Nam có thể giảm so với năm 2011. Một trong những nguyên nhân chủ yếu theo tổ chức này là mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam đang giảm mạnh.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực nói: "Ngân hàng có thể thiệt thòi về mặt lợi nhuận trong ngắn hạn nhưng về lâu về dài, khi họ hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì họ sẽ có lợi".
Thừa nhận lợi nhuận của các nhà băng sẽ ảnh hưởng nhưng ông Cao Sỹ Kiêm tin rằng việc giảm lãi các khoản vay cũ ngoài ý nghĩa kinh tế còn có ý nghĩa là sự chia sẻ rất cần thiết từ phía ngân hàng trong thời điểm này. Bản thân Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nêu thực trạng ngành ngân hàng bị kêu ca lãi suất cho vay vẫn cao, các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vì có nhiều yêu cầu không cần thiết. Do đó, ông kêu gọi các nhà băng "kiểm điểm xem ngân hàng đã hết lòng với doanh nghiệp hay chưa" để hành động vì "màu cờ sắc áo và uy tín của ngành".
Thanh Thanh Lan
Theo Vnexpress
Các bản tin khác
- Nghị định 01/2017/NĐ-CP: Tháo gỡ vướng mắc cho người dân khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Các tập đoàn Singapore mong muốn mở rộng đầu tư ở Đà Nẵng
- Đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng
- Tinh vi sổ đỏ giả như thật
- Khánh thành Văn phòng trụ sở Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam
- Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức hội nghị về công nghiệp hỗ trợ khu vực miền Trung - Tây Nguyên
- Kiểm tra, công khai các dự án bất động sản vi phạm các quy định
- Toàn bộ chi phí làm Sổ đỏ của 63 tỉnh thành mới nhất
- Tiếp nhận hồ sơ thuê 94 căn hộ chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh
- Khai trương thêm 6 tuyến xe buýt công cộng trợ giá mới
- Giá vàng giảm gần 2% sau khi Mỹ - Trung nối lại đàm phán thương mại
- Bất động sản du lịch thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước
- Giá vàng tiếp tục tăng
- 19 trường hợp không được ủy quyền
- Án lệ được góp ý trong 30 ngày từ khi đăng tải
- Cơ hội được cấp Sổ đỏ cho đất không có giấy tờ
- Thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai
- Giảm 10% giá vé pháo hoa Đà Nẵng mua qua trực tuyến
- Tái xuất hiện dịch tả heo châu Phi tại xã Hòa Phú
- 17 trường hợp nên lập vi bằng để làm chứng cứ