Sau khi Luật Đất đai được ban hành năm 1993, việc giao quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho từng hộ dân được triển khai trên phạm vi cả nước. Thế nhưng hiện tại, trên địa bàn huyện Hòa Vang vẫn còn hàng trăm hộ chưa được cấp sổ đỏ, mặc dù họ định cư ổn định đã nhiều năm.
Nhiều hộ ở thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương chưa có sổ đỏ. |
Đó là tâm trạng của các hộ chưa được cấp sổ đỏ trên địa bàn huyện Hòa Vang. Họ vẫn có đất đai, nhà cửa nhưng trong tay không hề có thứ giấy tờ gì chứng minh đất đai, nhà cửa đó được quyền sử dụng hợp pháp, nên ai cũng mang tâm trạng bất an như đang ở nhờ đất, nhà người khác. Ít hộ mạnh dạn xây dựng cơ ngơi, bởi ai cũng nghĩ biết đâu dự án nào đó triển khai, không có sổ đỏ, liệu có được đền bù thỏa đáng? Và họ không bao giờ nghĩ đến chuyện vay vốn ngân hàng, bởi lấy gì để thế chấp.
Gia đình bà Lê Thị Sáng, đến thôn Nam Thành, xã Hòa Phong lập nghiệp theo chủ trương di dân kinh tế mới từ năm 1993. Gia đình bà định cư ổn định tại nơi được Nhà nước giao đất. Gần 20 năm trôi qua, gia đình mỏi mắt chờ chính quyền cấp sổ đỏ để yên tâm sinh sống làm ăn, nhưng đến nay vẫn chưa có. Đây cũng là thực trạng chung của 52 hộ đi kinh tế mới lên Nam Thành trong thập niên 90 thế kỷ trước. Bà Sáng cho biết hồi mới lên Nam Thành, lo bươn chải mưu sinh, mấy ai nghĩ đến sổ đỏ. Hơn nữa, việc cấp sổ đỏ phải do chính quyền và dự án lo liệu, người dân có biết gì. Nay không có sổ đỏ, thấy bất an và thiệt thòi đủ thứ.
Tại 2 thôn Phước Nhơn và thôn 5 xã Hòa Khương, dự án khai thác sử dụng đất hoang hóa, bãi bồi ven biển, ven sông và mặt nước (dự án 773) triển khai từ năm 1997-2000. Hơn 100 hộ từ các thôn phía đông của xã này lên lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Họ xây nhà, lập vườn và phát triển kinh tế, nhưng không có hộ nào được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chị Nguyễn Thị Tiếng, ở thôn Phước Sơn, cho biết: “Ở từ năm 1997 đến nay mà có biết Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xanh đỏ thế nào đâu. Quanh năm tất bật làm ăn, ít ai nghĩ đến lập thủ tục làm sổ đỏ. Mà làm sổ đỏ đâu đơn giản, phải chạy chọt nhờ vả tốn kém, trong khi bà con ở đây ai cũng nghèo. Vẫn biết không có sổ đỏ, không thể vay vốn ngân hàng, nhưng đành chịu”.
Trao đổi về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Vân, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho biết: Chỉ tính riêng dự án 773, trên địa bàn xã có 103 hộ chưa được cấp sổ đỏ. Xã đã kiến nghị lên huyện và đang xúc tiến làm thủ tục cấp cho bà con. Vấn đề đặt ra, liệu các hộ thuộc diện di dân trước đây có được miễn nộp tiền sử dụng đất khi làm sổ đỏ như xã đề xuất. Nếu phải nộp tiền là trở ngại không nhỏ, bởi đa số hộ dân đời sống rất khó khăn.
Không chỉ ở 2 xã Hòa Phong, Hòa Khương, ở các xã khác của huyện Hòa Vang có nhiều hộ đến nay vẫn chưa có sổ đỏ. Cụ thể như hơn 100 hộ ở thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) đều thuộc 2 dự án giãn dân và kinh tế mới triển khai năm 1999 và đều chưa có sổ đỏ. Mỗi hộ được cấp 400m2 đất để xây dựng nhà ở. Đến nay không hộ nào có giấy tờ về đất đai, nhà cửa. Ông Đinh Văn Nhom, trưởng thôn Phú Túc, cũng là chủ hộ tại khu dân cư Hố Chình, cho biết hồi đó dự án giao đất mà không giao giấy tờ gì cả. Bà con ít hiểu biết về thủ tục đất đai nên không ai ý kiến gì. Để rồi đến nay, Hố Chình là xóm không sổ đỏ.
Các khu tái định cư thuộc diện di dời sạt lở ven sông cũng lâm vào tình trạng tương tự. Ông Lê Lở, Bí thư chi bộ thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc cho biết: Hơn 10 hộ, trong đó có gia đình ông, thuộc diện di dời sạt lở ven sông Cu Đê, được bố trí tái định cư sát đường 601 từ năm 2000 đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Bà con đã kiến nghị lên chính quyền nhưng chưa được giải quyết. Ở xã Hòa Bắc, còn 2 khu tái định cư Nam Mỹ, Nam Yên vừa triển khai cách đây chưa lâu cũng chưa hộ nào được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Phải nộp thuế khi uỷ quyền giao dịch bất động sản
- Thị trường đất nền Đà Nẵng tăng nhiệt
- Đà Nẵng: Đất nền vùng ven tăng giá
- Đà Nẵng: Đổ xô ra vùng ven mua đất
- Kênh huy động vốn mới cho bất động sản
- Muốn công chứng bán xe, phải mang xe đến?
- Nghịch lý thị trường bất động sản ở Đà Nẵng
- Thắt chặt tín dụng với thị trường bất động sản: Người dân có nhiều cơ hội mua nhà hơn
- Triển vọng thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại
- Thị trường bất động sản chờ đợi gì ở năm Tân Mão?
- Thị trường bất động sản năm 2010: Không nóng ảo!
- Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 2011
- Chính sách mới về giảm nợ và thu nợ tiền sử dụng đất quy ra vàng
- Giá đất tại Đà Nẵng năm 2011: Cao nhất 35,28 triệu đồng/m2
- Thành lập Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng
- Hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng Vẫn phân biệt đối xử công - tư
- Khó khăn trong chuyển nhượng căn hộ
- Giá đất sốt từng ngày
- Đà Nẵng: Đất đô thị có mức giá cao nhất 25,2 triệu đồng/m2