Hàng loạt dự án động lực đang triển khai phía tây bắc Đà Nẵng đã biến nơi đây thành vùng đất sôi động, đầy sức sống. Trong tương lai không xa, Đà Nẵng đâu chỉ có phía đông nam sầm uất như nhiều người từng biết.
|
Một góc khu đô thị sinh thái Quan Nam- Thủy Tú phía tây bắc Đà Nẵng. |
Chuyển dịch chiến lược
Trong một thời gian dài, Đà Nẵng tập trung nguồn lực phát triển mạnh phía đông nam, tạo nên một vùng đô thị sầm uất, dẫn tới sự chênh lệch với phía tây bắc. Tuy vậy, những năm gần đây, Đà Nẵng đã chuyển dịch chiến lược phát triển, đầu tư nhiều hơn cho tây bắc. Theo đó, hàng loạt dự án mang tính động lực được triển khai và kêu gọi đầu tư. Nổi bật như khu Công nghệ cao Đà Nẵng quy mô hơn 1.000 ha, hiện đã có 300ha đất sạch với hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, đã thu hút được 8 dự án. Khu công nghệ thông tin tập trung giai đoạn 1 là 131ha hiện đã san lấp mặt bằng hơn 80%, sẽ đưa vào khai thác cuối năm 2018. Dự án này sẽ là môi trường sống, làm việc lý tưởng với doanh thu ước đạt 3 tỷ USD/năm và khả năng tuyển dụng 25 ngàn lao động trong 10 năm tới. Hai dự án trọng điểm này sẽ thu hút hàng ngàn nhà khoa học, kỹ sư, các chuyên gia về công nghệ trong và ngoài nước về làm việc. Ông Trần Văn Sơn- Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng nói, phía tây TP đất đai còn nhiều nên sẽ đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, TP sẽ bố trí vốn giải phóng mặt bằng sớm để kêu gọi các nhà đầu tư. Nổi bật trong đó là KCN Hòa Ninh diện tích gần 400ha, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ thân thiện môi trường.
Để tạo động lực phát triển, khai thác hiệu quả các khu công nghiệp, công nghệ thì hạ tầng giao thông khu vực tây bắc cũng được đầu tư mạnh mẽ, mang tính kết nối liên vùng. Ngoài tuyến cao tốc La Sơn- Túy Loan đang triển khai, khớp nối với cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất tạo hành lang vận tải đường bộ liên thông giữa các khu kinh tế lớn vùng trọng điểm miền Trung (Chu Lai, Dung Quất, Chân Mây), thì mạng lưới vận tải đường sắt, đường biển cũng đang được định hình liên thông. Dự án cảng nước sâu Liên Chiểu có khả năng đón các tàu trọng tải lớn từ 6-8 ngàn TEU, tổng vốn đầu tư hơn 7,3 ngàn tỷ đồng đang được TP kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Giai đoạn 1 của dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2022. Hiện TP đã trao thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư với Cty cổ phần Cảng Đà Nẵng và Tập đoàn T&T. Dự án di dời ga đường sắt và tái thiết đô thị Đà Nẵng tổng vốn đầu tư khoảng 15,4 ngàn tỷ đồng, trong đó ga hàng hóa sẽ được xây mới tại Hòa Hiệp Nam rộng hơn 80ha, hiện có 3 nhà đầu tư trong nước đang tìm hiểu các thông tin và tiến hành nghiên cứu dự án. Về tổng thể, các dự án giao thông trọng điểm này kết nối các khu công nghiệp, khu công nghệ tạo phát luồng hàng hóa trong khu vực và quốc tế, thúc đẩy sự phát triển sôi động phía tây bắc Đà Nẵng.
Dịch chuyển chiến lược
Theo ông Trần Văn Sơn, tại hội nghị APEC mới đây, Thủ tướng có chỉ đạo cho phép Đà Nẵng nghiên cứu đề xuất khu kinh tế ven biển. Khu kinh tế này kết hợp khu đô thị vịnh Đà Nẵng, các KCN hiện có và sắp hình thành, được vận hành, phát triển bởi một cơ chế đặc thù. Lý do lập khu kinh tế biển vì hiện nay các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế đều có khu kinh tế biển, có lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư khiến Đà Nẵng khó cạnh tranh. Ông Sơn nói, phía tây TP sẽ phát triển đô thị để ở, còn phía vịnh Đà Nẵng sẽ phát triển thành khu đô thị thương mại dịch vụ. Trong báo cáo đề xuất quy hoạch ý tưởng phát triển vịnh Đà Nẵng sẽ là dự án lấn biển giống các nước như Nhật Bản, Dubai, Singapore. Nơi đây sẽ là điểm đến mới cho các nhà đầu tư. Cũng theo ý tưởng quy hoạch này, ven biển Liên Chiểu sẽ hình thành mới các khu phi thuế quan, logistics gắn với cảng Liên Chiểu và khu hành chính cảng, liên đới với khu công nghệ cao, khu công nghiệp hiện có. Tại H. Hòa Vang sẽ phát triển khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao...
Những công trình, dự án trọng điểm triển khai phía tây bắc TP không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế cho cả khu vực mà diện mạo đô thị trong vùng cũng thay đổi nhanh chóng. Nhiều nhà đầu tư đã đổ vốn thực hiện các dự án đô thị quy mô, như Khu đô thị sinh thái Quan Nam- Thủy Tú gần 400ha nằm bên sông Cu Đê và đường Nguyễn Tất Thành nối dài từ biển Nam Ô lên thẳng cao tốc, khu công nghệ thông tin tập trung. Hiện khu đô thị này đã triển khai xong giai đoạn 1 và đang tiếp tục xây dựng các giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, Khu đô thị Chăm Park River gần 60 ha đang xây dựng, Khu đô thị sinh thái Lake Side Place 46 ha tổng vốn hơn 600 tỷ đồng đang hoàn thiện giai đoạn 1, Khu đô thị Xanh Dragon Ctity Park diện tích 78 ha, tổng vốn hơn 650 tỷ đồng đang xúc tiến triển khai... Các khu đô thị này được xây dựng nhằm đón đầu nhu cầu an cư của hàng chục ngàn kỹ sư, chuyên gia sẽ về làm việc tại khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung trong tương lai.
Song song với các dự án đô thị thì các dự án thương mại, du lịch cũng được đầu tư xây dựng phía tây bắc TP. Có thể kể đến dự án Lancaster Nam Ô Resort &Spa 36,5ha với 57 biệt thự cao cấp, khách sạn 5 sao, khu giải trí... tổng vốn hơn 3,3 ngàn tỷ đồng, hiện đang hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Hoặc mới đây, Cty cổ phần Mikazuki (Nhật Bản) đã được TP trao quyết định nghiên cứu đầu tư dự án mở rộng KDL Xuân Thiều với diện tích 11,5ha. Theo đó, một khu phức hợp du lịch dịch vụ bao gồm khách sạn 5 sao, khu công viên nước, khu công viên trò chơi, khu ẩm thực... sẽ được triển khai với tổng vốn dự kiến gần 2.500 tỷ đồng.
Tất cả các dự án đang và sẽ triển khai khiến khu vực tây bắc trở nên sôi động, đầy sức hấp dẫn. Viễn cảnh tươi sáng của một vùng kinh tế động lực đang mở ra phía tây bắc Đà Nẵng.
Hải Quỳnh
Theo Báo CAĐN
Các bản tin khác
- Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2030
- Siết tín dụng bất động sản: Loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"
- Cam kết lợi nhuận tựa con dao hai lưỡi
- 03/08/2018 1:25 PM Sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế
- Việt Nam sẽ có đô thị thông minh vào 2025
- 'Địa ốc hạng sang Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển'
- Biến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thành điểm “ngắm cảnh, ăn uống, vui chơi”?
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Cú hích xây dựng Đà Nẵng đột phá, đáng sống
- Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore liên kết hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng
- Dự án căn hộ cao cấp: Những hiện tượng lạ trên thị trường
- Bài toán giải quyết rủi ro khi đầu tư thị trường bất động sản nam Đà Nẵng
- Giá đất tái định cư tại một số dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ
- Phát triển đô thị Đà Nẵng: Hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường
- Sắp có ‘thuốc’ trị tranh chấp tại các chung cư
- Việt Nam có quá ít bất động sản xanh
- Siết lập vi bằng, mua bán nhà bớt rủi ro
- Nhận diện lực đẩy mới của thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Chẳng dại gì mang 800 triệu mua đất ngoại thành, chọn chung cư mà ở
- Sốc với ưu đãi chưa từng có tại công viên giải trí nổi tiếng Đà Nẵng
- Ngắm hoàng hôn trên Cầu Vàng – Bà Nà Hills