Chợ An Trung 2 tại khoảnh đất đường Bùi Thị Xuân giao Phan Huy Ích và kiệt 18 Bùi Thị Xuân ở phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) có diện tích khoảng 800m2. Khoảnh đất này hiện được quy hoạch để xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VHTT) phường An Hải Tây. Sắp tới, chợ tạm này sẽ được giải tỏa.
Chợ tạm An Trung 2 nhếch nhác. |
Bà Bổng, đại diện tổ tự quản chợ An Trung 2 cho hay, chợ tồn tại 20 năm nay, chỉ hoạt động buổi sáng. Buổi chiều, một số người vẫn mở sạp hàng. Các hộ trước đây làm nông và các nghề khác, sau khi bị thu hồi đất đã ra khoảnh đất này buôn bán nhỏ. Ban đầu chỉ 3-4 hộ buôn bán, đến nay có hơn 40 hộ. Khoảnh đất cũng được quây thành chợ buôn bán tập trung, với đầy đủ mặt hàng từ thực phẩm tươi sống, gia vị, rau củ quả, áo quần, đến các loại dịch vụ đi kèm như cắt tóc, mỹ phẩm... “Các hộ đều tự làm gian hàng, che dựng lều bạt, giá sạp và tự lợp lại mái tôn nếu hư hỏng. Tôi ra đây buôn bán 20 năm nay, nhờ sạp hàng này mà nuôi sống cả gia đình. Nay có thông tin di dời, giải tỏa chợ, chúng tôi rất lo lắng”, bà Bổng kể.
Nhiều quầy hàng trong chợ nhếch nhác, tạm bợ với vài viên gạch chồng lên, kê ngang tấm đanh bê-tông. Nền chợ bằng đất xen lẫn gạch đá vỡ. Không có hệ thống thoát nước, không có cổng chợ chính, không có hàng rào bao quanh. Những người buôn bán cho biết, họ tự ý thức giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Hằng tháng có đội kiểm tra công tác ATVSTP đến kiểm tra, nhưng có khi vài ba tháng mới kiểm tra một lần. Các hộ cũng đóng tiền vệ sinh môi trường, đóng tiền mặt bằng 100.000 đồng/lô/tháng cho phường.
Theo kiến nghị của cử tri phường An Hải Tây, các cơ quan chức năng quận Sơn Trà sớm khảo sát, sửa chữa, nâng cấp chợ An Trung 2 để phục vụ hoạt động buôn bán, kinh doanh và bảo đảm ATVSTP.
Theo ông Nguyễn Bá An, Chủ tịch UBND phường An Hải Tây, chợ An Trung 2 hoạt động hàng chục năm nay nhưng vẫn nhếch nhác, thiếu nhiều yếu tố bảo đảm vệ sinh môi trường và ATVSTP. Năm 2015, UBND phường vận động, chủ động cho các hộ kinh doanh trong chợ mắc điện, nước. Cùng với đó, phường lập tổ tự quản cũng như thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác ATVSTP.
Trước thông tin quy hoạch khoảnh đất chợ tạm An Trung 2 để xây dựng Trung tâm VHTT phường, ông An cho biết sẽ vận động người dân chủ động bàn giao mặt bằng để các đơn vị liên quan thực hiện dự án. Về việc giải quyết công tác an sinh xã hội sau khi giải tỏa đối với hộ kinh doanh trong chợ, UBND phường sẽ kiến nghị UBND quận Sơn Trà, Ban quản lý các chợ quận Sơn Trà cho phép chuyển một số hộ vào hoạt động trong chợ Hà Thân (khi chợ này nâng cấp, mở rộng), số còn lại tùy điều kiện cụ thể sẽ tìm giải pháp giải quyết.
Theo thông tin từ UBND quận Sơn Trà, khoảnh đất tại chợ tạm An Trung 2 đã được thành phố phê duyệt quy hoạch xây dựng Trung tâm VHTT phường An Hải Tây (Quyết định số 1570/QĐ-UBND ngày 21-3-2016 của UBND thành phố), dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2018.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Phải nộp thuế khi uỷ quyền giao dịch bất động sản
- Thị trường đất nền Đà Nẵng tăng nhiệt
- Đà Nẵng: Đất nền vùng ven tăng giá
- Đà Nẵng: Đổ xô ra vùng ven mua đất
- Kênh huy động vốn mới cho bất động sản
- Muốn công chứng bán xe, phải mang xe đến?
- Nghịch lý thị trường bất động sản ở Đà Nẵng
- Thắt chặt tín dụng với thị trường bất động sản: Người dân có nhiều cơ hội mua nhà hơn
- Triển vọng thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại
- Thị trường bất động sản chờ đợi gì ở năm Tân Mão?
- Thị trường bất động sản năm 2010: Không nóng ảo!
- Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 2011
- Chính sách mới về giảm nợ và thu nợ tiền sử dụng đất quy ra vàng
- Giá đất tại Đà Nẵng năm 2011: Cao nhất 35,28 triệu đồng/m2
- Thành lập Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng
- Hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng Vẫn phân biệt đối xử công - tư
- Khó khăn trong chuyển nhượng căn hộ
- Giá đất sốt từng ngày
- Đà Nẵng: Đất đô thị có mức giá cao nhất 25,2 triệu đồng/m2