Bỏ quy định bán xe phải thông báo với cơ quan công an; ôtô chạy quá tốc độ ở cảng biển sẽ bị phạt đến 8 triệu đồng... là chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2.
Những trường hợp cần trưng cầu giám định trong vụ án kinh tế
Có hiệu lực từ 1/2, Thông tư liên tịch 01/2017 của Bộ Tư Pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu giám định trong vụ án kinh tế với sáu trường hợp cần thiết dưới đây:
Xác định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của tài sản, hàng hóa, hàng giả, hàng thật, hàng cấm; Truy nguyên về tài liệu, đồ vật, chữ ký, chữ viết, con dấu, dấu vết, dữ liệu điện tử; Xác định tính chính xác của các dụng cụ cân, đo, đong, đếm và các máy móc, thiết bị khác; Xác định hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư; Gặp khó khăn khi xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư gây ra; Xác định hành vi vi phạm về thuế, tài chính,…và các lĩnh vực khác xét thấy cần thiết phải thực hiện giám định.
Việc trưng cầu giám định trong những trường hợp trên chỉ thực hiện khi chưa có đủ chứng cứ để chứng minh hành vi, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Ôtô chạy quá tốc độ ở cảng biển sẽ bị phạt đến 8 triệu đồng
Có hiệu lực từ 1/2, Nghị định 142 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải nêu rõ, người điều khiển ôtô và các loại phương tiện tương tự ôtô trong vùng đất cảng sẽ bị phạt khi mắc những lỗi sau:
Chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h bị phạt 600.000-800.000 đồng; Chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h bị phạt 5-6 triệu đồng; Chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h bị phạt 7-8 triệu đồng.
Trường hợp trong máu hoặc hơi thở tài xế có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/01 lít khí thở bị phạt 2-3 triệu đồng; Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở bị phạt 7-8 triệu đồng...
Bỏ quy định bán xe phải thông báo với cơ quan công an
Từ ngày 12/2 bán xe không phải thông báo với công an. Ảnh minh họa |
Thông tư 64/2017 của Bộ Công an về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2014 quy định về đăng ký xe có hiệu lực từ ngày 12/2. Theo đó với ôtô, xe máy biển xanh; xe biển số ký hiệu 80 nền màu trắng, chữ và số màu đen, khi có quyết định điều chuyển, bán, tặng, cho thì trước khi bàn giao xe phải thu hồi, nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe.
Thông tư 64/2017 đã bỏ nội dung của điều 5 Thông tư 15/2014 về việc "người bán, tặng xe phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi" và nội dung "chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó đến khi tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe."
Điều này đồng nghĩa với việc, từ 12/2, quy định người bán, tặng xe phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe để theo dõi sẽ không còn hiệu lực.
Hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em
Có hiệu lực từ ngày 20/2, Nghị định 06/2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non. Theo đó, trẻ em đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ hoặc người chăm sóc thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; không có nguồn nuôi dưỡng; là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng.
Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Việc chi trả kinh phí hỗ trợ ăn trưa được thực hiện 2 lần trong năm học: Lần một chi trả đủ 4 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm; lần 2 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 2 hoặc tháng 3 hàng năm.
Nguồn kinh phí thực hiện chi trả hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo, thực hiện chính sách đối với giáo viên mầm non được cân đối trong dự toán chi ngân sách sự nghiệp giáo dục, đào tạo hàng năm của các địa phương. Ngân sách trung ương thực hiện hỗ trợ cho các địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Bá Đô
Theo Vnexpress.net
Các bản tin khác
- Quảng Nam - Đà Nẵng: Sớm hình thành không gian đô thị chung
- Một dự án bất động sản có 8 luật, hàng chục nghị định, thông tư... điều chỉnh
- Đà Nẵng: Mở toang cửa ngõ Tây Bắc
- Đà Nẵng ủng hộ các lĩnh vực mà Tập đoàn giáo dục KinderWorld muốn đầu tư
- Đà Nẵng: Hạn chế xây chung cư cao tầng tại các khu đất dưới 1.200m2
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng “nóng” lên bất thường
- Thu nhập 10 triệu/tháng làm thế nào để mua được nhà?
- Căn hộ nghỉ dưỡng Monarchy ra mắt tòa B3 hướng sông Hàn đẹp nhất dự án
- Bẫy lãi suất trong giấc mơ mua nhà
- Lãi suất 2018: Ổn định nhưng khó giảm
- Doanh nghiệp bất động sản đang dựa quá nhiều vào vốn vay
- Giá trị bất động sản qua “lăng kính” người mua
- Xong thủ tục, ôtô Indonesia sắp tràn về Việt Nam
- Ngăn chặn mua, bán trái phép chung cư thuộc sở hữu Nhà nước
- Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất được thừa phát lại lập vi bằng có hợp lệ?
- Hạ tầng đồng bộ có ‘ủ nhiệt’ cho BĐS?
- Bất động sản Đà Nẵng đang “tạo sóng” mới (Bài 2: Hủy giao dịch, "bẻ kèo" vì giá đất tăng "chóng mặt")
- Bất động sản Đà Nẵng đang “tạo sóng” mới (Bài 1: Giá đất lên như “diều gặp gió”!)
- Tạo động lực mới phát triển Đà Nẵng
- Hoán đổi, thu hồi các khu đất, dự án để phục vụ công cộng