Đất ven biển Đà Nẵng đang “sôi sùng sục”, giá tăng từ 30- 50% kể từ sau Tết Nguyên đán 2018, mỗi ngày một giá, mỗi lô đất trong 1 tuần được sang tay từ 2 đến 4 người, hễ có người rao bán lập tức có người đến mua ngay. Chính đất biển tăng “phi mã” nên giới đầu cơ khắp nơi đua nhau đổ về đây săn đất và lãi “bỏng tay”.
“Sóng giá” giá đất ven Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà kéo lan sang ven biển Nguyễn Tất Thành. |
“Sóng thần” đất ven biển
Trong cơn “sốt đất” chung hiện nay trên địa bàn thành phố, thì đất ven biển đang là hiện tượng “siêu sốt”. Từ sau Tết đến nay giá đất khu vực ven biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu bỗng tăng vọt, nhà đầu tư đổ về khu vực này để mua đất như đi hội. Giá đất bị đẩy lên trên 50% so với giá trị trước Tết. Các “cò đất” đều khẳng định mua bán đất ven biển Đà Nẵng chỉ có lời chứ không có lỗ!
Dự định bán căn nhà 2 tầng đang ở, diện tích đất 156m2 đường Châu Thị Vĩnh Tế (Q. Sơn Trà), giá 21 tỷ đồng, ông Mười cho biết, mỗi ngày đều có từ 2 đến 3 khách đến hỏi mua nhà tôi cũng như khu vực xung quanh. Cò đất đổ về khu vực nơi đây "đông như đi chợ". Hiện nay, khách Hà Nội đã trả 20 tỷ đồng nhưng ông chưa có ý định bán, vì biết giá đất ven biển đang tăng theo theo chiều... dựng đứng! Theo ông Mười, chỉ trước Tết cũng nhà này, tôi nhờ môi giới bán 14 tỷ đồng nhưng bán không được, nay ra Tết chưa được 1 tháng đã nhảy lên thêm 6 tỷ đồng. Chính giá đất tăng liên tục nên tôi đang lưỡng lự chờ thời điểm cao hơn rồi mới quyết định. Tương tự, cũng tại khu vực, ngày 17-3-2018, ông Quang quyết định bán căn nhà cấp 4 diện tích 70m2 với giá 8 tỷ đồng, người mua đồng ý ký hợp đồng đặt cọc 200 triệu đồng hẹn 1 tuần ra công chứng nhưng vì giá đất cứ “leo thang” liên tục nên ông Quang chấp nhận hủy cọc và đền bù thêm cho người mua 200 triệu đồng.
Theo khảo sát, hiện nay đất ven biển đường Võ Nguyên Giáp đang lập kỷ lục mới hơn 300 triệu đồng/m2, tăng 30% so với trước Tết. Cụ thể, đoạn trước nhà hàng Mỹ Hạnh, Phước Mỹ dao động từ 280 – 310 triệu/m2, đoạn khu vực P. Mân Thái, Sơn Trà dao động từ 200- 220 triệu đồng/m2; đoạn từ đường Nguyễn Văn Thoại đến Hồ Xuân Hương dao động từ 200 – 280 triệu đồng/m2 nhưng vẫn không ai bán.
Tăng sốc nhất là khu phố Tây (An Thượng, P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn- đây là khu phố đầu năm 2018 thành phố có Quyết định phê duyệt Đề án thành lập), giá tăng chóng mặt, mỗi ngày một giá, đến nay giá đã tăng từ 50 - 70% so với trước Tết tùy vị trí. Đang giao dịch sang tên căn nhà 3 tầng, diện tích đất 162m2 tại đường An Thượng 34 với giá 16,7 tỷ đồng tại Phòng công chứng số 3, anh Thanh (trú Q. Hải Châu) cho biết: “Thấy đất ven biển lên liên tục, trước Tết tôi quyết định xuống tiền mua căn nhà với giá 10 tỷ đồng và thanh toán xong ra tên công chứng trước Tết đúng 1 tuần, ra Tết đến nay chỉ hơn 1 tháng có khách Hà Nội trả 16,7 tỷ đồng, lời 6,7 tỷ đồng nên quyết định bán luôn”. Theo anh Thanh giá đất ven biển đang “nhảy múa” quá nhanh, sợ giá tăng ảo nên quyết định bán chốt lời!
Tương tự, chị Thúy (trú đường Phan Tứ), có lô đất 107m2 đường Hoàng Kế Viêm (gần khu phố Tây) trước Tết hơn 1 tháng rao bán 6,5 tỷ đồng không có ai mua nay có người tìm đến trả 11 tỷ đồng. Theo chị Thúy, thật không thể tin được chỉ trong vòng hơn 2 tháng mà giá đất ở đây đã tăng gần gấp đôi.
Không nằm ngoài xu thế, đất ven biển Nguyễn Tất Thành (thuộc Q. Thanh Khê, Liên Chiểu) cũng lập kỷ lục về giá mới, khi tăng thêm từ 30 – 40% so với trước Tết Nguyên đán. Cụ thể, đất mặt tiền Nguyễn Tất Thành đoạn từ ngã ba Hà Huy Tập trở về Ông Ích Khiêm nay có giá giao dịch từ 80 – 100 triệu đồng/m2, tăng hơn 20 triệu đồng/m2 so với thời điểm trước Tết; đoạn từ Hà Huy Tập đến khu du lịch Xuân Thiều có giá giao dịch từ 51 – 80 triệu đồng/m2, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2017...
Nhà đầu tư Hà Nội đổ bộ
Theo giới đầu tư BĐS Đà Nẵng, do giá đất ven biển liên tục tăng giá trong hơn 2 năm qua, hàng loạt đại gia BĐS từ Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc ào ạt đổ về vùng ven biển Đà Nẵng đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc núp bóng hoặc thuê người Việt đứng tên gom đất biển Đà Nẵng nên làm cho giá đất biển tăng với tốc độ chóng mặt mà chưa có điểm dừng. Theo thống kê của CBRE, khách hàng từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc hiện đang thống trị thị trường BĐS nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng. Nhóm khách này chiếm 75 - 85% số giao dịch thành công trong thời gian qua.
Rõ ràng, trên thị trường BĐS vùng ven biển Đà Nẵng hiện nay đã hình thành những khu phố mà giới kinh doanh BĐS Đà Nẵng đặt tên là khu phố của người Hà Nội như đường Hồ Nghinh, Phạm Văn Đồng, Dương Đình Nghệ, An Thượng... Hàng loạt khách sạn, nhà hàng, quán sá mọc lên tại các khu vực khu dân cư trên đường Hồ Nghinh, Phạm Văn Đồng, Dương Đình Nghệ, Trần Bạch Đằng, An Thượng,... được những đại gia Hà Nội đầu tư mua đất xây dựng.
Đang hoàn thiện nhà hàng bằng gỗ trên diện tích 500m2 tại đường Trần Bạch Đằng (Q. Ngũ Hành Sơn), ông Lâm (trú Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, từ cuối năm 2016 nhận thấy thị trường BĐS Đà Nẵng, đặc biệt là phân khúc ven biển rất nhiều tiềm năng sinh lợi, ông cùng với một số bạn bè đổ tiền vào gom mua 8 lô đất dọc đường Trần Bạch Đằng với giá 27 - 30 triệu/m2 và đến nay chỉ mới hơn 1 năm giá đã là 120 – 150 triệu/m2. Do đó, họ quyết định bán bớt một số lô lấy tiền đầu tư nhà hàng và khách sạn tại đây...
Lý giải về việc giá đất ven biển tăng chóng mặt, bà Lê Thị Lan Anh (thuộc Câu lạc bộ BĐS Hà Nội), nhà đầu tư đất ven biển Đà Nẵng đến từ Hà Nội cho biết, Đà Nẵng có cảnh quan, vị trí cũng như môi trường sống tốt nhất cả nước, là địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, lượng khách đổ về thành phố luôn luôn tăng cao trong nhiều năm trở lại đây, vì vậy đất ven biển luôn là điểm lý tưởng để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ Hà Nội đổ về mua đất mở nhà hàng, khách sạn... Cũng theo bà Lan Anh, dù giá đất ven biển Đà Nẵng đã tăng cao so với những năm trước nhưng vẫn còn thấp hơn khoảng 50% so với đất ven biển Nha Trang nên nhiều nhà đầu tư kỳ vọng phân khúc này còn nhiều tiềm năng sinh lời trong tương lai nên tiếp tục đổ tiền vào đây.
Rõ ràng, khi thị trường BĐS ven biển sôi động, không loại trừ hàng loạt nhà đầu tư, đầu cơ ào ào đổ xô về thu gom tự làm giá, “thổi giá” để trục lợi. Bên cạnh đó, thị trường BĐS Đà Nẵng đang có nguy cơ tăng giá ảo và “bong bóng” có thể xảy ra bất cứ lúc nào chính vì vậy nhiều khách hàng đi sau cần tỉnh táo nếu không sẽ bị sập bẫy như những năm trước đây.
QUANG MINH
Theo Báo CAĐN
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng