Phân khúc lưu trú – dịch vụ từ 3 sao trở lên đang chiếm ưu thế sử dụng tại Đà Nẵng và dự đoán tiếp tục được đầu tư mạnh. Đón đầu xu hướng này, nhiều doanh nghiệp đã và đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm nâng tầm chất lượng dịch vụ.
Hàng loạt cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 3 sao trở lên đã được xây dựng trong thời gian qua nhằm nâng cao chất lượng phục vụ; làm cơ sở để phát triển phân khúc du lịch trung và cao cấp tại Đà Nẵng. |
Sở Du lịch thành phố cho biết, vài năm trở lại đây, Đà Nẵng đón nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nổi tiếng trong và ngoài nước đến đầu tư, quản lý và điều hành trong lĩnh vực du lịch với các sản phẩm cao cấp từ 4 sao trở lên.
Có thể kể đến: Accor (thương hiệu Novotel, Grand Mercure, Pullman), IHG (thương hiệu InterContinental, Crowne Plaza), Hyatt (thương hiệu Hyatt Regency), Marriott (thương hiệu Four Points by Sheraton, Sheraton Grand), Hilton (thương hiệu Hilton), Vingroup (thương hiệu Vinpearl), Mường Thanh (thương hiệu Mường Thanh), H&K Hospitality (khách sạn Royal Lotus, Bell Maison)…
Đại diện các đơn vị lữ hành như Vitour, Bến Thành Tourist, Vietravel, TravelMart cho biết, hiện nay hơn 90% lượng khách đến Đà Nẵng tập trung chủ yếu vào sử dụng các dịch vụ du lịch từ 3 sao trở lên, bao gồm khách sạn, khu nghỉ mát, nhà hàng ven biển…
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vitour chia sẻ: “Bây giờ khách đi du lịch nhiều, có kinh nghiệm và mạnh dạn chi tiêu nên đòi hỏi chất lượng dịch vụ cũng cao hơn. Chúng tôi phải luôn đổi mới và tìm kiếm những địa chỉ cung cấp dịch vụ chất lượng mới giữ được khách”.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Toàn cho rằng, hiện nay lượng khách sử dụng các dịch vụ du lịch cao cấp ở Đà Nẵng đang tăng lên đáng kể.
Đây là nguồn khách có chi tiêu mạnh, đem lại nguồn thu khá lớn cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Riêng Minh Toàn Galaxy cũng đang xây dựng thêm một khách sạn mới, đáp ứng tiêu chuẩn 4 sao từ phòng ốc đến dịch vụ đi kèm.
Số liệu từ Sở Du lịch thành phố cho thấy, năm 2017 tổng doanh thu của khối khách sạn 4-5 sao chiếm tỷ trọng 86% trên tổng doanh thu của hoạt động lưu trú trên địa bàn với 7.703,1 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2016.
Vốn đầu tư xây dựng cơ sở du lịch ở phân khúc 4-5 sao cũng chiếm ưu thế hơn hẳn so với từ 3 sao trở xuống. Cụ thể, khối 5 sao (số lượng trên 100 phòng) đạt trung bình 3 tỷ đồng/phòng, 4 sao (trên 80 phòng) đạt trung bình 1,65 tỷ đồng/phòng, 3 sao (50 phòng) đạt trung bình 900 triệu đồng/phòng.
Theo bà Lê Thị Ái Diệp, Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú, Sở Du lịch thành phố, Đà Nẵng không chỉ phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng mà sự có mặt của hàng loạt các nhà đầu tư lớn, tên tuổi trong và ngoài nước trong thời gian qua đã góp phần đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch.
Các đơn vị này đã và đang liên kết mạnh mẽ với các cơ sở đào tạo nghề để tạo ra một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp với cung cách phục vụ đạt chuẩn quốc tế. “Sau 2 sự kiện lớn mà thành phố đăng cai tổ chức là Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 (ABG5) và Tuần lễ Cấp cao APEC, Sở Du lịch phối hợp với Hội Khách sạn mời các chuyên gia, nhà quản lý của các khách sạn hàng đầu của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về đào tạo từ nghi thức xã giao, cung cách đón tiếp đến ẩm thực…
Chất lượng dịch vụ, năng lực quản lý, kinh nghiệm phục vụ của các cơ sở lưu trú du lịch từ 3-5 sao được nâng cao hơn hẳn so với trước đây”, bà Diệp đề cập.
Dự báo trong thời gian tới, hoạt động lưu trú ở phân khúc cao cấp (từ 4-5 sao trở lên) sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh. Đến hết năm 2018, thành phố dự kiến có hơn 774 cơ sở lưu trú du lịch với 36.031 phòng, tăng thêm 81 cơ sở với 7.251 phòng so với năm 2017.
Đến năm 2020, thành phố sẽ có hơn 920 cơ sở với 45.631 phòng. Hàng loạt các dự án có quy mô lớn đang được xây dựng như Ariyana Beach Resort and Suites Danang (68 biệt thự và 1.400 căn hộ), JW Marriot (784 phòng), Hilton Bạch Đằng (226 phòng), Mỹ Khê Đức Long (150 phòng), Four Points by Sheraton (393 phòng), Golden Bay (giai đoạn 2 – 1.500 phòng), Hải An (150 phòng)…
Với sự phát triển này của phân khúc cao cấp, kỳ vọng sẽ góp phần tăng nguồn thu mạnh hơn nữa cho ngành du lịch thành phố.
Tính đến ngày 30-4-2018, Đà Nẵng có 712 cơ sở lưu trú du lịch với 29.735 phòng, tăng 113 cơ sở với 7.355 phòng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khối khách sạn 3-5 sao và tương đương có 156 khách sạn với 18.096 phòng, chiếm 61% tổng số phòng toàn khối, tăng 36 khách sạn với 6.145 phòng so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 11,6% tổng số khách sạn 3-5 sao toàn quốc; đứng thứ 2 trong cả nước, sau TP. Hồ Chí Minh. Số lượng phòng khách sạn 3-5 sao tại Đà Nẵng hơn 17.500 phòng, chiếm 11,8% tổng số phòng 3-5 sao toàn quốc, đứng thứ 3 cả nước, sau TP. Hồ Chí Minh và Khánh Hòa. Nguồn: Sở Du lịch Đà Nẵng |
Bài và ảnh: Khánh Hòa
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Một dự án bất động sản có 8 luật, hàng chục nghị định, thông tư... điều chỉnh
- Đà Nẵng: Mở toang cửa ngõ Tây Bắc
- Đà Nẵng ủng hộ các lĩnh vực mà Tập đoàn giáo dục KinderWorld muốn đầu tư
- Đà Nẵng: Hạn chế xây chung cư cao tầng tại các khu đất dưới 1.200m2
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng “nóng” lên bất thường
- Thu nhập 10 triệu/tháng làm thế nào để mua được nhà?
- Căn hộ nghỉ dưỡng Monarchy ra mắt tòa B3 hướng sông Hàn đẹp nhất dự án
- Bẫy lãi suất trong giấc mơ mua nhà
- Lãi suất 2018: Ổn định nhưng khó giảm
- Doanh nghiệp bất động sản đang dựa quá nhiều vào vốn vay
- Giá trị bất động sản qua “lăng kính” người mua
- Xong thủ tục, ôtô Indonesia sắp tràn về Việt Nam
- Ngăn chặn mua, bán trái phép chung cư thuộc sở hữu Nhà nước
- Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất được thừa phát lại lập vi bằng có hợp lệ?
- Hạ tầng đồng bộ có ‘ủ nhiệt’ cho BĐS?
- Bất động sản Đà Nẵng đang “tạo sóng” mới (Bài 2: Hủy giao dịch, "bẻ kèo" vì giá đất tăng "chóng mặt")
- Bất động sản Đà Nẵng đang “tạo sóng” mới (Bài 1: Giá đất lên như “diều gặp gió”!)
- Tạo động lực mới phát triển Đà Nẵng
- Hoán đổi, thu hồi các khu đất, dự án để phục vụ công cộng
- Đà Nẵng: Ra mắt giai đoạn 2 dự án Kim Long City - Khu E