Lĩnh vực nào là kênh đầu tư hiệu quả nhất hiện nay, khi mà chứng khoán, vàng, ngoại tệ…đang quá thất thường?...
Các điểm du lịch ven biển vẫn mà mảnh đất màu mỡ đối với giới đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.
Dù đang có sự chững lại nhất định bởi một vài yếu tố khách quan, nhưng với giới trong nghề, bất động sản vẫn là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận khá ổn định, đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vốn đang được chú ý nhất trên thị trường.
Một trong những yếu tố khiến bất động sản nghỉ dưỡng vẫn được xem là sản phẩm "hot" trên thị trường hiện nay chính là tính thanh khoản khá cao, cùng với đó là mức lợi nhuận lý tưởng được các chủ đầu tư cam kết với khách hàng khi dự án chính thức đi vào vận hành, khai thác.
Không lo thừa cung
Từ cuối 2017 đến nay, trước sự phát triển khá dồn dập của phân khúc nghỉ dưỡng với số lượng hàng chục dự án liên tiếp được khởi công hay chào bán ra thị trường, không ít ý kiến quan ngại về sự bão hòa, thừa cung của phân khúc này.
Thậm chí, có thời điểm, hầu hết các doanh nghiệp lớn, có uy tín trong ngành bất động sản đều tập trung tài lực cho các dự án nghỉ dưỡng, condotel ven biển lẫn vùng núi. Tại thời điểm đầu 2018, một chuyên gia kinh tế từng nhận định "với sự tăng cung ồ ạt như hiện nay, nhiều khả năng giá bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới sẽ sụt giảm mạnh".
Tuy nhiên, dự đoán của nhà kinh tế nói trên đã gần như sai hoàn toàn khi mà thị trường căn hộ dạng đặc biệt này vẫn khá nóng trong suốt hai quý đầu của 2018. Thậm chí, giá bán các sản phẩm nghỉ dưỡng của hầu hết các dự án dọc ven biển miền Trung đã có thời điểm bị giới đầu tư thứ cấp đẩy lên cao gấp 3- 5 giá so với giá chủ đầu tư công bố.
Lý do là bởi: cung vẫn không đủ cầu. Đúng vậy, cùng với sự tăng lên đáng kể về mức sống, nhu cầu hưởng thụ của người dân, lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam năm nay dự kiến tăng mạnh. Đây chính là cơ sở cho những nhận định về triển vọng khởi sắc của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn trong một cuộc họp mới đây đã cho biết, năm 2018, Việt Nam dự kiến đón hơn 16 triệu lượt khách quốc tế, tức là tăng gấp hai lần chỉ sau 3 năm. Và không chỉ khách quốc tế mà khách nội địa cũng có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ.
"Đang xuất hiện những xu hướng mới trong sử dụng thu nhập của Việt Nam, khi tầng lớp trung lưu tăng lên rất nhanh thì nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Rõ ràng, sự xuất hiện của các sản phẩm nghỉ dưỡng, trong đó có condotel đã đáp ứng nhu cầu tăng trưởng "nóng" về du lịch tại Việt Nam', ông Tuấn nói.
Chính vì vậy, theo lãnh đạo ngành du lịch, việc có gần 23.000 căn condotel đã được chào bán trong năm 2017, nếu xét về nhu cầu thực tế trên cả nước thì số lượng condotel "vẫn chưa phải quá nhiều".
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cũng đồng quan điểm khi cho rằng, tiềm năng khai thác du lịch của Việt Nam rất lớn và thực tế đang chứng minh điều đó. Hệ số sử dụng phòng khách sạn tại Hà Nội, Tp.HCM và các khu du lịch nghỉ dưỡng đều đạt trên 90% lúc cao điểm nên ngay cả có tiền thì việc đặt phòng tại các khu nghỉ dưỡng vào các dịp nghỉ lễ vẫn rất khó khăn.
"Việt Nam đang cần có hàng trăm ngàn buồng phòng nữa để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong thời gian tới, và đây chính là tiềm năng để bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai", ông Nam nói.
"Vẫn là kênh đầu tư hiệu quả"
Trong một cuộc hội thảo về tài chính – đầu tư diễn ra cuối tuần qua, một vấn đề và cũng là câu hỏi được khá nhiều người đặt ra là: tiền nhàn rỗi trong dân hiện vẫn khá nhiều, nhưng lĩnh vực nào là kênh đầu tư hiệu quả nhất hiện nay, khi mà chứng khoán, vàng, ngoại tệ… đang quá thất thường và không có "sóng" lớn như nhiều năm trước?
Câu trả lời sau đó được đưa ra từ các chuyên gia kinh tế gạo cội, rằng "bất động sản vẫn là kênh an toàn và hiệu quả nhất hiện nay".
Tuy nhiên, một chuyên gia đến từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, không phải phân khúc nào của bất động sản cũng dễ dàng mang về lợi nhuận cho các nhà đầu tư, bởi thanh khoản trên thị trường hiện nay đang có sự phân hóa khá rõ nét giữa phân khúc chung cư với các sản phẩm nghỉ dưỡng.
Đặc biệt, sau hàng loạt "ám ảnh" về hỏa hoạn cháy nổ liên tiếp trong thời gian qua, giới đầu tư dường như đang "ngoảnh mặt" với các dự án chung cư nội thành, kể cả là chung cư trung hay cao cấp.
Chính điều đó đã khiến cho thị trường nhà ở căn hộ tại cả hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM có sự sụt giảm đáng kể trong quý 2 vừa qua. Trong đó, theo khảo sát của Công ty CBRE Việt Nam thì mức sụt giảm này đã lên tới 20% trong quý vừa qua tại Hà Nội.
Trong khi đó, với suất đầu tư khá thấp, chỉ từ trên dưới 2 tỷ đồng/căn, các sản phẩm nghỉ dưỡng đang được giới đầu tư dành sự quan tâm nhất. Đặc biệt, với mức lợi nhuận cam kết từ 10% trở lên đến từ các chủ đầu tư uy tín đã khiến cho phân khúc này dường như chưa bao giờ hết nóng.
"Xu hướng ngôi nhà thứ 2 vừa nghỉ dưỡng hàng năm vừa đầu tư sinh lời. Với chính sách như hiện nay, khi mức sống được nâng cao, bản thân du lịch nội địa gia tăng nên xu hướng đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng rất lớn, tính thanh khoản tốt, hấp dẫn với thị trường hiện nay", một đại diện của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu quan điểm.
Tuy nhiên, theo vị này, để đảm bảo tài sản sinh lời sau 10 năm, nhà đầu tư phải lựa chọn chủ đầu tư uy tín, lãi suất được hưởng nhưng sau 10 năm còn là giá trị gia tăng hay không thì phải chọn vị trí có tiềm năng về du lịch sẽ đảm bảo lợi ích tốt hơn.
Trước những băn khoăn về lợi nhuận của bất động sản nghỉ dưỡng, đại diện lãnh đạo một tập đoàn bất động sản khẳng định: Qua tính toán của doanh nghiệp này, chỉ cần tỷ lệ lấp đầy 40 - 50% thì chắc chắn đảm bảo lợi nhuận 10% cho khách hàng mỗi năm. Còn nếu lấp đầy 60% trở lên thì chủ đầu tư sẽ có lãi.
"Mùa cao điểm, tỷ lệ lấp đầy tại các dự án nghỉ dưỡng của chúng tôi lên tới 90%, mùa thấp điểm thì thấp hơn chút. Việc đầu tư của mỗi doanh nghiệp khác nhau nên các quyền lợi khách hàng khác nhau. Với các khu du lịch nổi tiếng, việc lấp đầy 40 - 50% không quá khó", lãnh đạo doanh nghiệp trên cho hay.
Theo Thời báo Kinh tế VN
Các bản tin khác
- Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2030
- Siết tín dụng bất động sản: Loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"
- Cam kết lợi nhuận tựa con dao hai lưỡi
- 03/08/2018 1:25 PM Sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế
- Việt Nam sẽ có đô thị thông minh vào 2025
- 'Địa ốc hạng sang Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển'
- Biến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thành điểm “ngắm cảnh, ăn uống, vui chơi”?
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Cú hích xây dựng Đà Nẵng đột phá, đáng sống
- Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore liên kết hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng
- Dự án căn hộ cao cấp: Những hiện tượng lạ trên thị trường
- Bài toán giải quyết rủi ro khi đầu tư thị trường bất động sản nam Đà Nẵng
- Giá đất tái định cư tại một số dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ
- Phát triển đô thị Đà Nẵng: Hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường
- Sắp có ‘thuốc’ trị tranh chấp tại các chung cư
- Việt Nam có quá ít bất động sản xanh
- Siết lập vi bằng, mua bán nhà bớt rủi ro
- Nhận diện lực đẩy mới của thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Chẳng dại gì mang 800 triệu mua đất ngoại thành, chọn chung cư mà ở
- Sốc với ưu đãi chưa từng có tại công viên giải trí nổi tiếng Đà Nẵng
- Ngắm hoàng hôn trên Cầu Vàng – Bà Nà Hills