Đà Nẵng đang xây dựng, phát triển, xác lập vị trí và diện mạo của mình trên nền tảng các nhân tố chủ đạo: đô thị - trung tâm lớn nhất miền Trung về kinh tế, du lịch, văn hóa và giáo dục; đô thị - sở hữu một vùng đất rộng lớn và đặc trưng bởi sự hiện hữu của những nhân tố tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan sinh thái phong phú hiếm có.
Trong đó, nếu như nhân tố đầu tác động và quyết định tầm cỡ, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế thì nhân tố sau chi phối và quyết định diện mạo kiến trúc và bản sắc đô thị.
Bờ tây sông Hàn. Ảnh: THÀNH LÂN |
Nếu 20 năm qua, quá trình xây dựng đã định hình nên cho Đà Nẵng hình hài một đô thị hiện đại, quy mô đất đai đủ lớn, người dân từng bước ổn định cuộc sống, chú tâm lập nghiệp khi đã được an cư; thì nay, quá trình hội nhập sâu rộng, khát vọng trở thành thành phố toàn cầu, người dân có quyền đòi hỏi một không gian sống tiện ích và có nét đặc trưng riêng, du khách đến và đi cần có điều gì đó lưu lại để nhớ và quay trở lại thì rất cần yếu tố để có thể nhận diện.
Bản sắc đô thị đã đến lúc phải được hiện thực hóa trong quá trình điều chỉnh quy hoạch xây dựng và tái thiết đô thị.
Trong đó, kiến tạo cấu trúc không gian, tạo lập hình thái đô thị trên cơ sở khai thác các yếu tố cảnh quan tự nhiên đặc trưng là giải pháp quan trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng, bản sắc của thành phố Đà Nẵng phát triển với đặc trưng của đô thị biển-sông-núi, đây là lợi thế hiếm có của Đà Nẵng so với các đô thị khác trong khu vực.
Là người tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, tôi xin đề xuất một số ý tưởng góp phần làm rõ nét định hướng quy hoạch không gian và tạo lập hình thái đô thị. Đối với Đà Nẵng, hình thái đô thị phải được nhìn nhận một cách tổng thể trên cơ sở kết hợp hài hòa của các yếu tố tự nhiên và nhân tạo, định hình qua thời gian và chuyển biến qua quá trình phát triển, về cơ bản với các hình thái đặc trưng như sau:
Hình thái đô thị ven biển
Với hai mặt tiếp xúc với biển có chiều dài bờ biển khoảng 74km(*) và đường bờ biển dài ôm trọn thành phố, Đà Nẵng có điều kiện để xây dựng các không gian kiến trúc cảnh quan mang đậm sắc thái đô thị biển. Vịnh Đà Nẵng có ảnh hưởng rất lớn đến việc điều tiết khí hậu của thành phố, có tác dụng như một kênh dẫn gió từ biển vào thành phố và đưa không khí từ thành phố ra biển.
Tuy nhiên, đây cũng là nơi hứng chịu khá lớn sức tàn phá của gió bão. Ngoài ra, lịch sử phát triển đô thị đã hình thành các khu làng nghề gắn với các không gian lễ hội truyền thống, đây cũng là yếu tố tạo nét đặc trưng và thu hút du lịch.
Thực tiễn cho thấy, không nên phát triển công trình kiến trúc bám sát suốt chiều dài bờ biển, mà nên ưu tiên phát triển theo các cụm tập trung và đưa một số trung tâm vào sâu hơn trong đất liền. Xu hướng phát triển bám sát chiều dài mặt biển, ngăn cản người dân tự do ra biển là xu hướng quy hoạch giúp thu hút lợi nhuận cao cho nhà đầu tư, nhưng lại gây thiệt hại lâu dài cho thành phố và người dân địa phương.
Bãi biển phải được xem như khu vực công cộng, cần bảo đảm ít nhất trên 50% khu vực mặt tiền biển là khu vực bảo tồn thiên nhiên, không xây dựng dự án du lịch, trồng dải cây xanh phòng hộ ven biển để giảm thiểu các tác hại của bão. Bên cạnh các khu bảo tồn sinh thái, cần tổ chức những công viên xanh song song với việc hạn chế diện tích bê-tông hóa không cần thiết.
Việc mở tuyến đường chạy dọc biển thiếu khoảng lùi cần thiết để tạo khoảng đệm cây xanh phòng hộ là một thiếu sót cần rút kinh nghiệm và sớm có giải pháp khắc phục.
Thực tế, chúng ta cần tổ chức lại hệ thống chức năng dọc tuyến là điều nên làm: thay đổi cơ cấu tuyến tính bằng dạng tập trung theo nhóm, xen lẫn là mảng xanh giúp cản gió và hạn chế xâm thực của hơi mặn, tổ hợp nhà cao tầng với chức năng khách sạn, văn phòng, khu phức hợp tại các nút quan trọng tạo điểm nhấn không gian và hạn chế tác động gió bão cho khu dân cư ở lớp sau, phân đoạn thích hợp tuyến cảnh quan ven biển kết hợp công trình kiến trúc nhỏ, giải pháp trang trí, cây xanh…thuận lợi cho người đi bộ.
Hình thái đô thị khu vực ven sông
Hệ thống sông ngòi của Đà Nẵng cơ bản gồm có 2 hệ thống sông Hàn và sông Cu Đê với hình dạng răng lược, các nhánh suối nhỏ và dốc ở thượng nguồn đổ vào các sông chính, xuôi ra cửa biển. Từ hai con đường chính dọc sông Hàn, cấu trúc đô thị Đà Nẵng dần phát triển và làm cho phong phú hơn.
Các con đường lần lượt được mở rộng nhưng xu thế hướng dần ra sông, ra biển thì không hề thay đổi. Các cây cầu liên kết hai bờ sông với nhau biến sông Hàn trở thành một dòng sông đô thị đồng thời trả lại ý nghĩa ban đầu của nó như một trục tổ hợp bên trong thay vì như một ranh giới bên ngoài đô thị.
Tận dụng sự chia cắt về không gian đô thị của dòng sông nhằm tạo lập không gian kiến trúc đặc trưng hai bên bờ đông và tây: bảo tồn các giá trị kiến trúc bản địa ở khu vực phía tây sông Hàn; phát triển hình thái kiến trúc hiện đại, tạo diện mạo mới cho khu vực phía đông sông Hàn.
Thực trạng xen cấy các chức năng thương mại, dịch vụ trên tuyến cảnh quan có tính lịch sử này và có xu hướng ngày càng gia tăng cùng với việc xuất hiện ngày càng nhiều công trình kiến trúc cao tầng là nguy cơ gây tình trạng vượt “ngưỡng sinh thái” hay thực trạng quy hoạch với lối chia lô mặt tiền đã phá vỡ cấu trúc cảnh quan tuyến ven sông.
Bên cạnh đó, hình ảnh của hệ thống quảng cáo càng tạo nên môt hình ảnh kiến trúc xô bồ, nhếch nhác là nguyên nhân chính đánh mất giá trị cảnh quan của dòng sông Hàn vốn là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có nghiên cứu một cách nghiêm túc, trên cơ sở hài hòa các lợi ích kinh tế và môi trường.
Tổ chức giao thông đường thủy phục vụ du lịch, các dịch vụ tạo nên sức sống cho đô thị du lịch. Tổ chức giao thông đi bộ và giao thông công cộng thuận tiện nối kết hai bên bờ sông với nhau, hoặc từ biển đến sông.
Khai thác hình thức chiếu sáng các công trình kiến trúc (cầu qua sông Hàn, kiến trúc cao tầng) hay đường phố ven sông mang lại giá trị thẩm mỹ cảnh quan về đêm, góp phần thu hút hoạt động cảnh quan, tạo quy tắc bảo đảm cân bằng thị giác, cảm thụ thẩm mỹ cần được chú trọng.
Hình thái đô thị khu vực đồi núi
Đà Nẵng là một thành phố mà yếu tố núi và nước đều tụ và khởi xuất từ phía tây và tỏa từ tây sang đông. Trong giai đoạn phát triển mở rộng không gian đô thị về phía tây thành phố, tổ chức hình thái đô thị các khu vực gần đồi núi bảo đảm các nguyên tắc cơ bản sau:
Khai thác các công trình kiến trúc có tầng cao trung bình với các loại hình dịch vụ, nhà ở tập trung các khu vực này. Đối với hướng nhìn từ biển thì các công trình này đóng vai trò yếu tố chủ đạo của không gian, còn dải Hải Vân, bán đảo Sơn Trà như tấm phong hình nền màu xanh.
Cả 2 yếu tố này góp phần tạo dựng một bóng dáng đô thị đặc trưng cho Đà Nẵng. Nền với đường chân trời là đồi núi sẽ góp phần làm mềm mại những tháp bê-tông, các trục đường phố mới khô cứng thẳng tắp.
Chú trọng nét mềm mại của thế núi sẽ góp phần dung hòa tính chất khô cứng của đường phố và các khối nhà cao tầng xen kẽ với khoảng xanh của biển và bầu trời. Đặc biệt, với nét uốn lượn của dãy Hải Vân làm nền cùng với tổ hợp khu cao tầng dọc bờ biển tuyến Nguyễn Tất Thành sẽ tạo nên một hình ảnh đặc trưng cho Đà Nẵng.
Đối với khu vực bán đảo Sơn Trà ở độ cao dưới 50m với đặc trưng dốc thoải phù hợp với một số mô hình khu nghỉ dưỡng cao cấp xen lẫn với nhà ở kiểu biệt thự mái dốc bám dọc theo sườn núi.
Tuy nhiên, mật độ khai thác nên hạn chế và có giải pháp gìn giữ nguyên vẹn hệ sinh thái tự nhiên khu vực bán đảo, nhất là bảo tồn các loài sinh vật quý hiếm. Thiết kế cảnh quan lấy ngọn Ngũ Hành Sơn lịch sử làm trung tâm phát triển khu đông nam (việc đóng khung và chia cắt ngọn núi như hiện tại đã phá hủy cảnh quan tự nhiên vốn có), lấy bán đảo Sơn Trà tạo yếu tố “nút” cho không gian phía đông và ngọn núi Bà Nà là điểm hội tụ phía tây thành phố.
Nhìn chung, hình thái đô thị tạo nên diện mạo cho thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là các yếu tố cảnh quan tự nhiên, đã được xếp đặt một cách có hệ thống, mạch lạc, chặt chẽ và phù hợp cho mô hình thành phố xanh, hiện đại.
Các hình thái không gian này tạo thành cấu trúc hỗn hợp, mang trong mình thông điệp nhận thức rõ ràng: sông - núi - biển là một hệ thống cảnh quan tự nhiên hài hòa, không tách biệt mà lại đan xen hòa quyện vào nhau. Việc định hướng đúng hình thái đô thị trong quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị sẽ là nền tảng tạo nên bản sắc cho thành phố, đây là yếu tố quan trọng được xác định trong tầm nhìn phát triển Đà Nẵng trong tương lai.
KTS Tô Hùng
(*) Theo Địa chí Quảng Nam-Đà Nẵng (Thanh Phương-Nguyễn Đình An chủ biên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 2010)
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Khẩn trương vận động dân giải tỏa để thi công nút giao thông Túy Loan
- Tổ hợp spa, du lịch, giải trí tại dự án 11.000 tỷ đồng
- Cẩn trọng với những dự án bất động sản “lúa non”
- Đất Nam Đà Nẵng tăng nhiệt trở lại sau chủ trương tái khởi động dự án Làng Đại học
- Thí điểm chủ trương bán thuê mua nhà chung cư cho cán bộ công chức: Hộ thuê nhà đồng tình cao
- Thêm 2 dự án đủ điều kiện bán nhà ở
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3-2017
- Du lịch Đà Nẵng chưa bao giờ hấp dẫn đến thế!
- Tạo điều kiện tối đa để FPT triển khai thành công các dự án trên địa bàn
- “Sốt đất” đã lan đến Hòa Hiệp Bắc!
- Bất động sản Đà Nẵng tiếp tục tăng nhiệt bất chấp “tháng Giêng ăn chơi”
- Môi giới bất động sản và câu chuyện niềm tin
- Triển khai giải pháp hạn chế thanh toán bằng tiền mặt
- Đầu tư sinh lời từ căn hộ condotel
- Vốn Nhật chào hàng cùng dự án bom tấn
- Bất động sản Đà Nẵng "nóng" từ đầu năm 2017
- Cuộc đua đầu tư căn hộ tầm trung
- Chen chúc mua nhà đất dịp đầu năm
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chấm dứt quy hoạch "treo" 20 năm dự án Làng ĐH Đà Nẵng
- Đất “cơi nới” trái phép vẫn có thể được cấp sổ đỏ