(Cadn.com.vn) - Thời gian không còn nhiều để các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể “xơi” hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TD) năm 2012. Một số khách hàng cũ rút lui, thu hẹp sản xuất, tìm nguồn vốn để thanh toán nợ nần, nhà đầu tư mới chưa lên kế hoạch vay vốn, chờ đợi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi... Tất cả điều đó khiến cho dư nợ TD của các NH rơi vào trạng thái trầm lắng từ nay đến cuối năm.
“MIẾNG BÁNH” KHÓ NUỐT!
Dường như kế hoạch phân bổ tăng trưởng chỉ tiêu TD cho 4 nhóm (nhóm 1 tăng trưởng tối đa 17%, nhóm 2 là 15%, nhóm 3 là 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng) không khả thi, NHNN đã cho phép 10 NHTM được tăng “room” TD so với mức quy định từ đầu năm. Hiện đã có 5 NH được tăng hạn mức, NH Quân đội (MBBank) tăng +25%; NH Đại Dương (OceanBank) và NH Tiên Phong (TienPhongBank) tăng +27%; NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và NH TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) tăng +30%. Ngoài ra, NH Phương Đông (OCB) cũng xin tăng hạn mức năm 2012 từ 25-30%.
Thế nhưng, câu chuyện “nhà băng huy động 10, cho vay 1” vẫn tiếp diễn từ đầu năm đến nay khiến cho các lãnh đạo NHTM loay hoay tìm cách giải ngân nguồn vốn đang ứ đọng. Tính đến ngày 31-8-2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 10,37% so với ngày 31-12-2011. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức TD ước tăng 11,23%, dư nợ TD đối với nền kinh tế đến ngày 20-9 ước tăng 2,35% so với đầu năm. Trên thực tế, các NH đã thông báo thừa vốn, phát sinh những “cục máu đông” trong lưu thông tiền tệ. Thực trạng đáng báo động hơn là năng lực hấp thụ vốn của DN rất hạn chế, không muốn vay, thậm chí trả nợ trước thời hạn khi lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi.
Nhận định về thực trạng này, ông Phạm Hồng Hải - Giám đốc Khối Kinh doanh vốn và Thị trường tiền tệ - HSBC, cho biết, tăng trưởng TD thấp hiện nay không phải do lãi suất. Bây giờ cho dù có “ép” lãi suất xuống, NH cũng khó cải thiện TD vì bản chất bên cầu hiện nay chỉ có thế. Nếu trần lãi suất huy động hạ xuống 8% hoặc 7% thì sẽ có một lượng tiền đồng bị rút khỏi hệ thống và chuyển qua ngoại tệ hoặc vàng. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng TD từ 8-10% cho năm nay có lẽ khó đạt được. Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chính sách công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cũng cho rằng, khi một hệ thống NH khó khăn thì bao giờ cũng xảy ra tình trạng tăng trưởng TD thấp đi và mục tiêu tăng trưởng TD 8-10% của năm nay khó đạt được.
“Điểm nghẽn” TD được giải thích từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, khách hàng tốt, tiềm năng không muốn vay mặc dù được mời chào các mức lãi suất ưu đãi vì họ đang chờ lãi suất xuống thấp hơn nữa. Thứ hai, khách hàng tiềm ẩn rủi ro, đã phát sinh nợ xấu trong quá khứ (trong vòng 3-5 năm), không có DA mới, tồn kho cao, đang gặp khó khăn trong thanh toán. Nhóm khách hàng này có nguy cơ phát sinh nợ xấu nên các NHTM buộc giảm dần dư nợ, không cho vay mới vì không đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Chính vì thế, xu hướng thoái nợ, giảm dần dư nợ đã xảy ra và các NHTM đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn để tìm kiếm khách hàng tốt cho riêng mình. Đây là dấu hiệu cảnh báo cho tốc độ tăng trưởng TD trong thời gian đến sẽ thấp hơn với mục tiêu định hướng của NHNN.
Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2012, TS Đinh Tuấn Minh tính toán, nợ xấu của DNNN tới 200.000 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD), khoảng 153.000 tỷ đồng thuộc về các Tập đoàn kinh tế và Tổng Cty nhà nước. Theo Thanh tra NHNN, nợ xấu đến ngày 30-6 là 202.000 tỷ đồng (8,6%) và Thống đốc NHNN đã khẳng định số liệu này là đáng tin cậy và được các tổ chức quốc tế làm việc với NHNN thừa nhận.
Cho dù như thế nào đi nữa, vấn nạn lớn nhất của các NHTM là nợ xấu. Cục “máu đông” này đang treo lơ lửng, khiến cho các ông chủ nhà băng tìm mọi cách giảm thiểu tác hại của nó. Để làm được điều này, các NHTM đã buộc chủ đầu tư bán tài sản thế chấp, siết nợ để thu hồi nợ gốc và lãi đã đến hạn. Như chúng ta đã thấy, từ đầu năm đến nay, hàng loạt khách hàng, DN đã bán tháo DA, giảm giá căn hộ để “cắt lỗ”, giảm áp lực trả nợ vay nhưng nợ xấu NH vẫn chưa có dấu hiệu “tụt áp”.
Nợ xấu “bao vây” đã làm cho khách hàng và NH khó gặp nhau. Một bên muốn thanh toán dứt điểm nợ xấu để bắt đầu làm lại, vay mới kinh doanh với mức lãi suất dễ chịu hơn. Một bên không muốn cho vay lại vì thấy lịch sử quan hệ TD không tốt, vay trả không sòng phẳng, nợ xấu gia tăng khiến NH trích rủi ro, thâm thủng vào lợi nhuận, không đủ quỹ thu nhập để trả lương cho nhân viên. Bởi thế, cho dù các DN cứ “kêu la” nhưng NH không thể nào đi lại trên “con đường TD” đã tràn ngập nợ xấu.
Để giải quyết tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội” này, Nhà nước nên khuyến cáo cho các NHTM mạnh dạn công khai nợ xấu. Đã có một nhóm chuyên gia kinh tế đề xuất hệ thống NH phải công khai nợ xấu. Sau khi minh bạch, NHNN sẽ “bơm tiền” mua lại các khoản nợ này, nếu NH hoạt động hiệu quả thì khoản nợ xấu do NHNN mua này trở thành cổ phần. Trường hợp ngược lại, NHTM tiếp tục phát sinh nợ xấu khác, NHNN sẽ mạnh tay xử lý, thậm chí cho phá sản, chấm dứt hoạt động. Bất cứ một tiến trình tái cấu trúc nào đều phải chấp nhận đau đớn và tốn kém, thậm chí cả sự hy sinh. Vấn đề còn lại, thời điểm nào để hoàn tất việc cắt bỏ “khối u” nợ xấu để lành mạnh hóa hệ thống NH, hồi sinh nền kinh tế trong những năm tiếp theo.
Văn Khoa
Theo Báo CAĐN
|
Các bản tin khác
- Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2030
- Siết tín dụng bất động sản: Loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"
- Cam kết lợi nhuận tựa con dao hai lưỡi
- 03/08/2018 1:25 PM Sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế
- Việt Nam sẽ có đô thị thông minh vào 2025
- 'Địa ốc hạng sang Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển'
- Biến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thành điểm “ngắm cảnh, ăn uống, vui chơi”?
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Cú hích xây dựng Đà Nẵng đột phá, đáng sống
- Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore liên kết hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng
- Dự án căn hộ cao cấp: Những hiện tượng lạ trên thị trường
- Bài toán giải quyết rủi ro khi đầu tư thị trường bất động sản nam Đà Nẵng
- Giá đất tái định cư tại một số dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ
- Phát triển đô thị Đà Nẵng: Hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường
- Sắp có ‘thuốc’ trị tranh chấp tại các chung cư
- Việt Nam có quá ít bất động sản xanh
- Siết lập vi bằng, mua bán nhà bớt rủi ro
- Nhận diện lực đẩy mới của thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Chẳng dại gì mang 800 triệu mua đất ngoại thành, chọn chung cư mà ở
- Sốc với ưu đãi chưa từng có tại công viên giải trí nổi tiếng Đà Nẵng
- Ngắm hoàng hôn trên Cầu Vàng – Bà Nà Hills