(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thí điểm hệ thống văn phòng đăng ký sử dụng đất thành một cấp trực thuộc Sở TN-MT, trong đó Đà Nẵng là một trong những địa phương được triển khai thí điểm trên toàn địa bàn thành phố từ ngày 1-8-2012. Qua gần 3 tháng triển khai, những chuyển biến tích cực cũng như bất cập bắt đầu lộ rõ.
Theo báo cáo của Sở TN-MT TP Đà Nẵng, sau khi thống nhất một đầu mối, một quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất cho công dân trên toàn thành phố, đỡ mất thời gian đi lại nhiều lần trong việc hoàn thiện và giải quyết hồ sơ...
Chính sách cấp sổ đỏ này đi vào cuộc sống giảm bớt phiền hà cho dân – Giao dịch chi nhánh văn phòng
đăng ký một cấp tại Q. Hải Châu. Ảnh: XĐ. |
Chủ tịch quận, huyện không còn lo bị kiện!
Trên thực tế, việc cấp sổ đỏ do nhiều cấp đã xảy ra một số tồn tại bất cập. Điển hình tại địa bàn Đà Nẵng đã xảy ra không ít vụ người dân kiện Chủ tịch UBND quận, huyện về việc đã được cấp sổ đỏ nhưng không được đền bù khi giải tỏa. Cụ thể, mới đây nhất 8 hộ dân (trú tại tổ 2, P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ) đã nhiều lần lên UBND quận gặp Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ, Võ Văn Thương, để đòi hỏi quyền lợi. Vì sao quận cấp sổ đỏ về chứng nhận đất thổ cư cho dân nhưng khi TP thu hồi để phục vụ quy hoạch đô thị lại đền bù theo giá đất nông nghiệp? Khi được chúng tôi đề cập thì chính ông Thương cũng khẳng định rằng có sự nhầm lẫn của các cấp tham mưu lập hồ sơ đưa lên Chủ tịch ký nên không đồng ý đền bù theo đất thổ cư cho dân. Một số dự án đất ở nằm trên địa bàn quận, huyện nhưng cơ quan cấp sổ đỏ lại thuộc TP như dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, khu đô thị Golden Hills..., trong khi đó, trong quy định thì cấp TP chỉ cấp đất cho các tổ chức... Điều này gây khó dễ cho các cơ quan quản lý đất đai, đặc biệt là Sở TN-MT.
Theo ông Nguyễn Thanh Cảnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng kiêm Giám đốc Văn phòng một cấp, việc cấp sổ đỏ quy về một mối giảm bớt phiền hà, giảm tối đa thời gian đi lại của dân. Có thể nói những năm qua, Đà Nẵng đã rất nỗ lực nhằm hướng tới một nền hành chính phục vụ nhân dân một cách thuận lợi nhất, thì việc cấp sổ đỏ quy về một mối thực hiện trên toàn TP cũng là cởi những “nút thắt” trong thủ tục đất đai vốn mang nhiều phiền toái nhất.
Theo ông Cảnh, thực tế người dân cũng thường phản ánh về vấn đề bức xúc trong việc cấp sổ đỏ như: Thời gian thụ lý, thẩm định hồ sơ và xét cấp sổ đỏ kéo dài; cơ sở dữ liệu thông tin địa chính còn thiếu; nhiều sổ đỏ đã viết xong, hoặc đã được lãnh đạo quận, huyện ký nhưng chưa được trao đến tay người dân; đội ngũ cán bộ còn thiếu và hạn chế về trình độ chuyên môn, thậm chí người dân phải chi thêm một khoản “phụ phí” để được nhanh chóng có sổ... Khi thực hiện Đề án, hệ thống thông tin đất đai được xây dựng, quản lý thống nhất từ cấp TP đến cơ sở, được khai thác, sử dụng bởi một cơ quan thống nhất, cơ sở dữ liệu được cập nhật tại một đầu mối sẽ đảm bảo được độ chính xác, nhanh chóng, thuận lợi cho người sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch về đất đai, tránh được những sai sót nhầm lẫn trong việc thực hiện. Do vậy, việc thực hiện các thủ tục hành chính đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất sẽ được nhanh hơn, thuận tiện hơn qua cơ chế “một cửa”. Ngoài ra, việc thực hiện thủ tục hành chính “một cửa” trong việc nộp, nhận hồ sơ và thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan sẽ giảm bớt việc gây phiền hà, tiêu cực từ cơ sở đối với người dân. Đồng thời, người dân sẽ dễ dàng hơn trong việc tra cứu thông tin đất đai, cũng như việc sao lục hồ sơ địa chính. Hạn chế tình trạng thất lạc hồ sơ lưu trữ.
Giao dịch Chi nhánh văn phòng đăng ký một cấp tại Q. Hải Châu. Ảnh: X.Đ
|
Vẫn còn bất cập
Theo ông Nguyễn Thanh Cảnh, tuy việc thực hiện Đề án có nhiều thuận lợi nhưng vẫn còn tồn tại một số vướng mắc. Cụ thể, TP đã triển khai từ ngày 1-8 nhưng đến nay Bộ vẫn chưa ban hành quy trình chuyên môn cho việc triển khai thí điểm. Công tác quản lý quy hoạch, hồ sơ quy hoạch đô thị còn chồng chéo. Việc xem xét tách, hợp thửa đất, cấp giấy chứng nhận lần đầu và chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp phải xin phép cần phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trước khi văn phòng một cấp tiếp nhận, thụ lý hồ sơ. Đặc thù của Đà Nẵng không có chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sở hữu công trình mà cấp chung một giấy chứng nhận cho cả nhà và tài sản trên đất, vì vậy khi đo vẽ nhà, tài sản gắn liền với đất gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ở các khu quy hoạch, khu tái định cư, đa số đất đã được cấp sổ đỏ, chủ sở hữu đã xây nhà từ lâu nhưng chưa đề nghị để được công nhận quyền sở hữu nhà ở mà lập thủ tục chuyển quyền sở hữu đất cho người khác (bán cả nhà ở và đất), nay người mua yêu cầu cấp đổi, bổ sung quyền sở hữu tài sản trên đất vẫn chưa đủ cơ sở để giải quyết. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị chưa được đồng bộ. Đội ngũ cán bộ chuyên môn chưa đáp ứng kịp...
Từ những bất cập trên, Sở TN-MT đề xuất Bộ TN-MT, UBND TP tìm hướng khắc phục trong tương lai.
Xuân Đương
Theo Báo CAĐN
Các bản tin khác
- Tỷ lệ tăng trưởng giá bất động sản sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2016
- Hạn chế cho vay, bất động sản sẽ gặp khó?
- Sửa đổi Thông tư 36 sẽ tác động xấu đến bất động sản
- Thị trường bất động sản: Khách Tây đang "ngó nghiêng" dự án tốt
- 10 lý do giới đầu tư địa ốc đổ tiền vào chung cư
- Người Việt đổ tiền mua ô tô
- Thị trường bất động sản 2016 Hứa hẹn xu hướng đầu tư mới
- “Dòng tiền bất động sản sẽ chọn dự án tốt hơn”
- Những xu hướng nhà ở sẽ tăng tốc trong năm 2016
- Khó bán nhà ở xã hội, nhà đầu tư xin chuyển thành nhà ở thương mại
- Bất động sản 2016: Phân khúc nghỉ dưỡng, căn hộ sẽ hút khách
- 4 “ông lớn” bất động sản có ảnh hưởng nhất năm qua
- Tư pháp Đà Nẵng - những chuyển biến nổi bật trong năm 2015
- Những bí quyết giúp mua nhà an toàn
- Từ hôm nay, phải có chứng chỉ mới được hành nghề môi giới bất động sản
- Tăng kiểm soát rủi ro cho vay bất động sản
- Giá bất động sản sẽ tăng 5 - 10%
- Người nước ngoài được sở hữu nhà ở chung cư hay riêng lẻ?
- [Video] Toàn cảnh con đường 5 sao tại thành phố Đà Nẵng
- Đề nghị chuyển dự án nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại