Trước thềm năm mới Kỷ Hợi 2019, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đề cập nhiều chủ trương mới để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước. Báo Đà Nẵng ghi nhận một số ý kiến nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu này.
Mục tiêu đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Ảnh: VĂN ÁNH |
Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng:
Chính quyền đô thị sẽ giúp thành phố phát triển nhanh hơn
Tôi rất đồng tình với Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, đặc biệt là Trung ương đồng ý cho Đà Nẵng thí điểm thực hiện chính quyền đô thị. Đây sẽ là mô hình thúc đẩy chính quyền thành phố phát triển nhanh hơn.
Mô hình này, trước đây đã được thành phố nghiên cứu, đề xuất và xây dựng đề án từ rất sớm. Đây là một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng. Đối với Đà Nẵng, việc xây dựng và áp dụng những cơ chế, chính sách quản lý đô thị được đánh giá là khá thuận lợi vì quy mô đô thị nhỏ gọn; các điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội những năm gần đây có nhiều biến chuyển tích cực; sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân thành phố trong việc thực hiện các chủ trương chung; tốc độ phát triển nhanh chóng.
Việc Bộ Chính trị đồng ý cho xây dựng cơ chế đặc thù để tạo điều kiện đặc biệt cho Đà Nẵng “cất cánh” là một chủ trương hết sức kịp thời trong bối cảnh hiện nay. Nói vậy bởi Đà Nẵng có rất nhiều khác biệt so với các địa phương khác từ vị trí địa lý, không gian và phạm vi đô thị, trong khi đó định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố hạt nhân của khu vực miền Trung- Tây Nguyên nên đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù, sự khác biệt về chính sách để Đà Nẵng bứt phá.
Tuy nhiên, việc cần làm ngay là nhanh chóng nghiên cứu xây dựng, hiện thực hóa chủ trương của Bộ Chính trị để các cơ chế đặc thù sớm được áp dụng trong thực tiễn phát triển của Đà Nẵng. Theo tôi, việc cho phép Đà Nẵng thí điểm thực hiện chính quyền đô thị tức là cho phép được tự chủ và phân bổ về biên chế, con người làm việc trong bộ máy hành chính để phù hợp với mô hình quản lý đô thị, thế mạnh ở từng lĩnh vực. Ngoài ra, cơ chế trả tiền lương phải vượt trội hơn chứ không theo hệ số chung như hiện nay để thu hút nhân tài, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đang có. Tất nhiên nguồn tiền chi trả lương, chính sách vượt trội đó phù hợp nguồn ngân sách của thành phố.
Đà Nẵng hướng đến trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước. Ảnh: N.TRUNG THU |
Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Tô Văn Hùng:
Cần có cơ chế thông thoáng hơn về môi trường đầu tư
Trên cơ sở Nghị quyết số 43-NQ/TW, Đà Nẵng đang cần một số cơ chế thông thoáng hơn trong thu hút đầu tư, chính sách đất đai để hỗ trợ nhà đầu tư. Cụ thể, về đầu tư trong nước, cần phân cấp cho Đà Nẵng được điều chỉnh nội dung dự án đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của các bộ, ngành Trung ương có liên quan. Thành phố được thực hiện thẩm tra các công trình cấp I, dự án nhóm B để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án; được quy định đối tượng, điều kiện và quyết định chuyển quyền sử dụng đất tại những khu vực đã được đầu tư hạ tầng, phân lô cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt. Ngoài ra, Trung ương cần có cơ chế cho phép Đà Nẵng được thực hiện thí điểm trong việc quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 20ha đến dưới 100ha và dự án có quy mô sử dụng đất từ 100ha trở lên phù hợp với quy hoạch tổng thể của thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng:
Tạo những sản phẩm du lịch đặc biệt
Tiếp nối thành tựu của những năm trước và thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ mới, ngành du lịch sẽ tập trung đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù cho Đà Nẵng làm sao thu hút các nhà đầu tư, tạo thêm các sản phẩm. Vấn đề của Đà Nẵng hiện nay là phải tạo được những sản phẩm đặc biệt. Muốn hướng đến các thị trường mới, thị trường xa như châu Âu, châu Úc phải có sản phẩm văn hóa du lịch sinh thái, văn hóa bản địa; đồng thời, tiếp tục tạo thêm các điểm vui chơi, giải trí phục vụ du khách. Ngành cũng từng bước triển khai Nghị quyết mới bằng việc thực hiện một số kế hoạch đã được thành phố phê duyệt như: mở rộng thị trường 3 năm, tiếp tục mở rộng thị trường khách nội địa...; tương lai sẽ kết nối các hãng hàng không để tạo thành một liên minh hàng không cùng khai thác khách hiệu quả nhất.
Bên cạnh những thị trường truyền thống như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Bắc Á, Đông Nam Á..., thời gian tới, ngành tiếp tục mở rộng các thị trường mới, cụ thể là thị trường châu Âu, châu Mỹ thông qua đường bay Doha-Đà Nẵng được đưa vào khai thác mới đây. Để thu hút thêm nguồn khách quốc tế, dự kiến tháng 3 tới đây, 3 hãng hàng không đang khai thác tuyến Đà Nẵng-Băng Cốc tăng tần suất lên 7 chuyến/ngày thay vì 5 chuyến/ngày. Theo dự báo về thị trường khách, lượng khách Đài Loan đến Đà Nẵng sẽ tăng rất mạnh. Do đó, ngành tiếp tục đầu tư thêm các sản phẩm mới vừa để hút khách quốc tế vừa giữ được khách nội địa. Thực tế hiện nay, các thị trường khách nội địa chủ yếu đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; năm nay sẽ mở rộng thị trường khách Tây Nguyên, Đông Bắc, Tây Bắc… Ngành sẽ tận dụng các danh hiệu đã đạt được để tuyên truyền quảng bá, tăng sức hấp dẫn thu hút khách quay trở lại.
Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ:
Tạo chuyển biến về lượng và chất trong hoạt động khoa học-công nghệ
Năm 2019, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trong đó, ưu tiên các chương trình trọng điểm, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học gắn kết với yêu cầu của thực tiễn, các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản phục vụ phát triển cho tương lai, tăng cường các hoạt động quản lý Nhà nước về KH&CN để tạo điều kiện và môi trường lành mạnh thúc đẩy phát triển sản xuất và kinh doanh.
Cụ thể, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ nhằm thực hiện tốt mục tiêu “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…; từ đó góp phần đưa Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống” như Nghị quyết số 43-NQ/TW đã đề ra.
SƠN TRUNG-THU HÀ-KHANG NINH thực hiện
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Nhà đất: Chỗ đắt, nơi ế
- Cho phép chuyển quyền sử dụng đất tại dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân
- Bong bóng BĐS - ngân hàng: Tội đồ và nạn nhân
- Thị trường BĐS và vàng - Cục diện cuộc chơi sẽ thay đổi?
- Đầu tư BĐS trước đợt "sóng thần"
- Lựa chọn cây trồng mang lại vận may
- Mở van tín dụng cho bất động sản, tiêu dùng
- Tín dụng đen” mang rủi ro lớn cho người cho vay và đi vay
- Nhìn nhận rạch ròi chuyện đất đai
- Đà Nẵng: Kinh hoàng "tín dụng đen"
- Đà Nẵng: Một số quy định mới về tách, hợp thửa đất ở Đà Nẵng
- Ban hành nghị định giảm thuế cho doanh nghiệp và cá nhân
- Đà Nẵng nở rộ “tín dụng đen”
- Chủ động trước cơn vỡ nợ!
- Vỡ nợ - hậu quả của tâm lý hám lợi
- Doanh nghiệp bất động sản tại Đà Nẵng đạt giải cao về thương hiệu và uy tín
- Đăng ký bất động sản và vấn đề minh bạch hóa thông tin về tình trạng pháp lý của bất động sản
- Xoay chiều bất động sản: Tiền hay tâm lý?
- Thị trường bất động sản quý III
- Đầu tư 5 tỷ USD vào Làng Vân