Theo TS. Cấn Văn Lực, ban đầu, Ngân hàng Nhà nước cần xác định một tỷ lệ khống chế phù hợp hơn và cần phải được đánh giá khách quan, đa chiều.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành dự thảo sửa đổi Thông tư 43 về hoạt động của các công ty tài chính để lấy ý kiến với nhiều nội dung. Theo đó, dự thảo chia cho vay tiêu cùng của các Công ty tài chính thành hai loại: Cho vay giải ngân gián tiếp và cho vay giải ngân trực tiếp.
Liên quan đến hình thức giải ngân trực tiếp, dự thảo đưa ra quy định, chỉ cho vay tiền mặt đối với những khách hàng vay có lịch sử tín dụng tốt không có nợ xấu trên Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) tại thời điểm ký hợp đồng cho vay và giải ngân. Điều này có nghĩa là các công ty tài chính không được phép cho vay tiền mặt với những khách hàng mới không có thông tin tín dụng.
Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất tỷ trọng cho vay tiền mặt trong dự nợ của các công ty tài chính tối đa là 30%.
Xoay quanh những nội dung đáng chú ý này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tài chính.
PV: Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Thông tư 43, trong đó có quy định liên quan tới hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng cũng như quy định về tỷ trọng cho vay tiền mặt trong dư nợ của các công ty tài chính. Theo đánh giá của chuyên gia, đâu là động thái khiến Ngân hàng Nhà nước đưa ra các quy định này?
TS. Cấn Văn Lực: Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, sự phát triển lành mạnh của tín dụng tiêu dùng là điều rất cần thiết, bởi chỉ khi tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, bền vững thì mới tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức cho người dân, doanh nghiệp một cách đúng nghĩa cũng như giảm được "tín dụng đen".
Thời gian vừa qua, có một số trường hợp không hay xảy ra trong thị trường cho vay tiêu dùng cũng như sự xuất hiện của một số dấu hiệu rủi ro, nợ xấu cho vay tiêu dùng tăng. Đó là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có những kiểm soát chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro tín dụng, minh bạch trong hoạt động cho vay hay công tác thu hồi nợ…
Ông đánh giá như thế nào về quy định hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng của công ty tài chính mà dự thảo sửa đổi Thông tư 43 đưa ra?
Khi nghiên cứu dự thảo sửa đổi Thông tư 43 của Ngân hàng Nhà nước, theo tôi, cần cân nhắc mấy vấn đề sau:
Thứ nhất,cần xét xem mức khống chế giải ngân trực tiếp chiếm tối đa 30% tổng dư nợ tiêu dùng đã hợp lý hay chưa hay phải tìm một con số khác phù hợp?
Thứ hai,các quy định về giải ngân trực tiếp mà Dự thảo đưa ra mới chỉ là biện pháp mang tính chất tình thế. Về lâu dài, cơ quan chức năng nên để thị trường quyết định, các công ty tài chính tiêu dùng tự quyết định trên cơ sở khẩu vị rủi ro của mình cũng như theo quy luật cung-cầu. Nhưng trước mắt, việc có một số biện pháp định hướng, kiểm soát, góp phần phát triển lành mạnh thị trường cho vay tiêu dùng được xem là cần thiết.
Như ông vừa trao đổi, con số giải ngân trực tiếp trong tổng dư nợ tín dụng là 30% nên xem xét lại. Theo quan điểm của ông thì tỷ lệ khống chế như thế nào là phù hợp?
Theo tôi, để đảm bảo tính phù hợp, khách quan và khả thi; trước khi muốn áp dụng, cơ quan chức năng cần tiến hành khảo sát hiện trạng cho vay tiền mặt tại ít nhất của 12 công ty tài chính dẫn đầu (chiếm khoảng 90% thị phần cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính ở Việt Nam hiện nay) đang là bao nhiêu? Từ đó, đưa ra một tỷ lệ khống chế cao hơn thực trạng đó, rồi có lộ trình đưa về mức khống chế đó cho phù hợp và khả thi.
Như vậy, một mặt vẫn có thể kiểm soát được rủi ro đối với việc giải ngân trực tiếp của công ty tài chính; đồng thời, không làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp siêu nhỏ, bởi cơ quan quản lý đã khống chế ở mức phù hợp và định hướng phát triển thị trường cho vay tiêu dùng lành mạnh hơn.
Nhiều quan điểm cho rằng, việc hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng cũng như đưa ra quy định chỉ giải ngân trực tiếp cho khách hàng đã và đang có lịch sử trả nợ tốt và không có nợ xấu theo phân loại của CIC đang mâu thuẫn với chủ trương đẩy mạnh tài chính tiêu dùng, góp phần giảm tệ nạn "tín dụng đen". Ông nghĩ sao về điều này?
Chỗ này chúng ta không nên đẩy sự việc lên quá! Chúng ta phải hiểu rằng, không phải tất cả mọi người đi vay đều biết cách tiêu tiền hoặc sử dụng khoản tiền vay đúng mục đích, một cách khôn khéo, thông minh. Tôi biết rằng có một số người đi vay tiền nhưng không sử dụng đúng mục đích ban đầu mà lại dùng tiền vay để đánh bạc, chơi lô, chơi đề, tiêu hoang phí..., dẫn đến không có khả năng trả nợ và nợ xấu tăng lên.Bên cho vay lại phải dùng các biện pháp cưỡng chế, và từ đó bên vay rất khó tiếp cận tín dụng do "lịch sử" tín dụng có "dấu vết". Đây chính là một vòng luẩn quẩn và rủi ro cần tính đến, cần hạn chế.
Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý đưa ra một tỷ lệ khống chế phù hợp (có lộ trình) thì chắc chắn không những thúc đẩy tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh mà còn không hề tác động tới việc gia tăng "tín dụng đen".
Đồng thời, song song với việc đặt ra mức độ khống chế phù hợp, chúng ta cũng cần tiếp tục phát triển kênh tín dụng tiêu dùng chính thống qua nhiều kênh phân phối khác, ví dụ như qua kênh ngân hàng thương mại, công ty fintech hay kể cả cho vay ngang hàng (với điều kiện có thiết chế quản lý phù hợp)…
Ngoài ra, Dự thảo yêu cầu khách hàng đó đồng thời phải không có nợ xấu theo phân loại nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC). Quy định này cần tính đến tính khả thi. Nghĩa là, nếu khách hàng đó chưa có trong danh sách tại CIC mà vẫn đang vay trả tốt tại công ty tài chính thì sao? Nhất là hiện nay, các công ty tài chính đang phục vụ cho vay khoảng gần 30 triệu khách hàng.
Như đã phân tích, cơ sở để đưa ra các quy định trong dự thảo sửa đổi lần này là nhằm hướng tới thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, ổn định hơn. Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi cũng như sự kỳ vọng của phương án mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra?
TS. Cấn Văn Lực:Để dự thảo thực sự đi vào cuộc sống cũng như tạo ra môi trường công bằng, cạnh tranh lành mạnh; ngoài những vấn đề tôi nêu trên, việc hướng dẫn triển khai chi tiết, tháo gỡ vướng mắc kịp thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo đúng và trúng là rất cần thiết.
Có như vậy, Thông tư mới đạt được mục tiêu đề ra; đồng thời, góp phần tạo điều kiện cho thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, qua đó giảm bớt tệ nạn tín dụng đen.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Theo Trí thức trẻ
Các bản tin khác
- Cơ hội mới cho bất động sản công nghiệp
- Phê duyệt nhiều dự án công cộng phục vụ người dân
- Quy hoạch mở rộng Công viên APEC
- Ủn ỉn BBQ: không chỉ để thưởng thức đồ nướng
- Phát triển du lịch phía Tây Bắc: Chưa khai thác hết tiềm năng
- Thu hồi dự án khu du lịch Hòn Ngọc Á Châu làm công viên ven biển
- Cần khai thác cảnh quan đường Thăng Long
- Kinh nghiệm đầu tư nhà cho người nước ngoài thuê
- Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ bố trí hơn 3.400 tỉ đồng triển khai giai đoạn 1 cảng Liên Chiểu
- Bất động sản lại vào mùa tặng nhà, tặng xe...
- Thành lập Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng
- Nhộn nhịp ở phố chuyên doanh điện tử, kỹ thuật số
- Phố bích họa mới giữa lòng Đà Nẵng
- Dự báo mới về thị trường bất động sản
- Không phát triển dự án tái định cư và nhà ở công vụ
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quy hoạch cảng Liên Chiểu theo hướng hiện đại
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng cảng Liên Chiểu là vấn đề cấp bách, cần thiết
- Chuỗi thương hiệu bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp Risemount vươn tầm ra thế giới
- Đề nghị bố trí vốn đầu tư dự án cảng Liên Chiểu
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng: Cần một cuộc “đại phẫu”? (Kỳ cuối: Không thể không làm!)