Theo luật, việc ủy quyền của cá nhân chấm dứt khi người ủy quyền chết. Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy. Nhiều tình huống rắc rối đã phát sinh vì người ủy quyền chết nhưng không ai biết…
Đầu năm 2009, trước khi sang Mỹ, ông TVV đã ủy quyền cho một người bạn thân là ông Q. tham gia một vụ kiện đòi nợ tại TAND tỉnh T. Theo nội dung giấy ủy quyền hợp pháp giữa hai bên, ông Q. được toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan trong vụ kiện, kể cả trong giai đoạn thi hành án.
Chết nhưng không biết tin
Sau khi ra nước ngoài, ông V. không hề chủ động liên lạc với ông Q. để hỏi diễn tiến sự việc. Ông Q. cũng không có cách nào trao đổi với bạn vì mọi cách liên lạc từ ngày xưa đều không có kết quả. Vì thế, ông luôn tự quyết các vấn đề liên quan đến vụ kiện theo ý của mình như nội dung ủy quyền. Phía tòa án cũng chỉ làm việc với ông mà không quan tâm đến sự có mặt của ông V.
Cuối năm 2010, tòa đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa ông Q. và phía bị đơn, nội dung ông Q. đồng ý bớt 1/3 số nợ gốc với điều kiện phía bị đơn phải trả tiền một lần. Sau đó, các bên cũng đã thực hiện thỏa thuận nên vụ việc được khép lại.
Gần đây, ông Q. nghe loáng thoáng được vài thông tin rằng bạn mình đã chết vì tai nạn giao thông ở Mỹ. Rồi ông nhận được hồ sơ từ Mỹ gửi về xác thực đúng là ông V. đã chết từ giữa năm 2010 tại Mỹ.
Vụ việc bắt đầu trở nên rắc rối: Theo luật, việc ủy quyền giữa ông V. và ông Q. đương nhiên chấm dứt khi ông V. chết. Ông V. chết vào giữa năm 2010, tức trước thời điểm ông Q. thỏa thuận thành với bị đơn trong vụ kiện đòi nợ (cuối năm này). Vậy quyết định công nhận sự thỏa thuận của tòa có hiệu lực pháp luật hay không khi mà bản thân ông Q. đã mất tư cách đại diện theo ủy quyền? Nếu quyết định của tòa không có căn cứ pháp lý thì khắc phục sai sót này ra sao? Phía bị đơn trong vụ kiện cũng đã thanh toán 2/3 số nợ gốc cho ông Q., phải giải quyết lại cho họ thế nào?
Một vụ khác, theo nội dung văn bản ủy quyền ký năm 2008 thì bà L. có toàn quyền thay mặt ông H. quyết định mọi vấn đề liên quan trong một vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất. Sau đó, ông H. sang Trung Quốc làm ăn không thấy trở về và cũng không có liên lạc gì với gia đình cũng như với bà L.
Trong quá trình giải quyết vụ án sau đó, TAND hai cấp ở tỉnh B. đều tuyên bà L. thắng kiện. Nhưng đến năm 2011, chuẩn bị đến giai đoạn thi hành án thì phát sinh tranh chấp về tài sản trên đất giữa bà L. với người nhà của ông H. Hai bên đều cố gắng liên lạc với ông H. nhưng không thành công. Sau đó, gia đình nhận được tin ông H. đã chết ở Trung Quốc từ lâu vì bị nước lũ cuốn.
Theo luật, việc đại diện theo ủy quyền của bà L. chấm dứt khi ông H. chết. Vì vậy, các văn bản do cơ quan có thẩm quyền ghi nhận việc tranh chấp tài sản với người nhà ông H. sau này đều do bà L. ký hiện không biết phải giải quyết thế nào…
Luật chưa dự liệu?
Từ hai vụ việc trên, vấn đề đặt ra là sau khi người ủy quyền đã chết nhưng người được ủy quyền không biết, vẫn tiến hành công việc ủy quyền thì giá trị pháp lý của những quyết định từ cơ quan có thẩm quyền, quyết định của người được ủy quyền… trong giai đoạn này ra sao? Nếu vô hiệu thì phải giải quyết hậu quả thế nào?
Theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM), pháp luật về ủy quyền đã quy định quan hệ này chấm dứt hoàn toàn khi một trong hai bên chết. Do đó, về nguyên tắc, sau khi người ủy quyền đã chết, người đại diện có tiến hành bao nhiêu công việc đi nữa thì kết quả cũng không có giá trị pháp lý. Trong trường hợp người đại diện không biết chuyện người ủy quyền chết, tòa cũng không biết và vẫn ra bản án, quyết định và nếu bản án, quyết định đó đã có hiệu lực pháp luật thì vụ việc phải được xem xét lại theo thủ tục tái thẩm.
Luật sư Dương Tuấn Lộc (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì nhận xét: Bộ luật Dân sự chưa dự liệu tình huống này để quy định cụ thể hướng giải quyết. Các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa có hướng dẫn. Thực tế không hề đơn giản là mọi quyết định có từ sau khi người ủy quyền chết đều vô hiệu bởi nó còn liên quan đến nhiều bên đương sự khác và việc giải quyết hậu quả pháp lý về sau sẽ rất rắc rối.
Chấm dứt đại diện của cá nhân
1. Ðại diện theo pháp luật của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
a) Người được đại diện đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;
b) Người được đại diện chết;
c) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
2. Ðại diện theo ủy quyền của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
a) Thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc được ủy quyền đã hoàn thành;
b) Người ủy quyền hủy bỏ việc ủy quyền hoặc người được ủy quyền từ chối việc ủy quyền;
c) Người ủy quyền hoặc người được ủy quyền chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
Khi chấm dứt đại diện theo ủy quyền, người đại diện phải thanh toán xong các nghĩa vụ tài sản với người được đại diện hoặc với người thừa kế của người được đại diện.
(Theo Điều 147 Bộ luật Dân sự)
Mặc nhiên vô hiệu
Theo tôi, dù luật không quy định cụ thể nhưng trường hợp trên mặc nhiên có thể hiểu là những việc làm của người đại diện trong thời gian không biết người ủy quyền chết là vô hiệu. Bởi lẽ tính từ thời điểm người ủy quyền chết thì đã chấm dứt quan hệ ủy quyền và làm phát sinh quan hệ mới là quan hệ thừa kế của người chết. Cho dù người đại diện biết hay không biết việc người ủy quyền chết thì hợp đồng ủy quyền vẫn hết giá trị, mọi quyết định tố tụng sau đó được xác định bởi một quan hệ khác.
Luật sư LƯU VĂN TÁM, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Xét yếu tố lỗi
Tình huống này phát sinh hai vấn đề đó là hợp đồng ủy quyền vô hiệu và trách nhiệm cá nhân của người đại diện trong việc không nắm thông tin về người đã chết. Theo tôi, chuyện hợp đồng ủy quyền vô hiệu thì đã rõ, vấn đề còn lại là ý chí của người đại diện. Nếu họ ngay tình, hoàn toàn không biết việc người ủy quyền chết và làm đúng theo hợp đồng ủy quyền thì không xem xét trách nhiệm cá nhân. Nhưng nếu họ cố tình làm quá phạm vi ủy quyền cho phép, cố tình giấu chuyện người ủy quyền chết thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Lúc này người thừa kế của người ủy quyền có quyền yêu cầu người đại diện bồi thường thiệt hại do lỗi cố ý gây ra.
Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM
|
THANH TÙNG
Theo Báo PLTPHCM
Các bản tin khác
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng: Cần một cuộc “đại phẫu”? (Kỳ cuối: Không thể không làm!)
- Hỗ trợ công nhân tiếp cận nhà ở xã hội
- Quy hoạch tuyến đường vành đai phía tây 2
- Đà Nẵng: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không quá 10 ngày
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng: Cần một cuộc “đại phẫu”? (Bài 3: Những kiến giải)
- Bùng nổ xu hướng “wellness” trong lĩnh vực địa ốc
- Chuyên gia nói gì về thị trường đất nền?
- Người Việt mua nhà chú trọng đến vị trí
- Thị trường bất động sản: Cảm nhận nhịp đập M&A của thị trường
- Khách sạn, căn hộ condotel, biệt thự nghỉ dưỡng tiếp tục hưởng lợi từ du lịch Đà Nẵng
- Sát nhập Công ty Quản lý nhà với Công ty Quản lý nhà chung cư
- Các ngân hàng đang cho vay bất động sản ra sao?
- Đà Nẵng: Đấu giá quyền sử dụng 19 lô đất lớn trên địa bàn
- Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đất đai
- Sứ mệnh của doanh nghiệp bất động sản Việt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0
- Đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa phục vụ thi công các dự án
- Đà Nẵng đấu giá một số khu đất có diện tích lớn
- Cần một cuộc "đại phẫu" trong quy hoạch đô thị Đà Nẵng?
- Hình thành cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị
- Vì sao nhà đầu tư châu Á đổ bộ bất động sản Việt Nam?