Hai nửa cuộc đời của “Hoa hồng thép”
QĐND - Đà Nẵng những ngày đầu xuân, ngồi lặng người nghe thanh âm mưa rơi lộp độp trên mái hiên, người nữ du kích núi Chúa-Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Vũ Minh Nguyệt (sinh năm 1952, quê xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) bồi hồi nhớ lại những ký ức về một thời hoa lửa trên quê hương đất Quảng anh hùng.
Tròn 13 tuổi, Nguyễn Vũ Minh Nguyệt được gia nhập vào đội quân du kích xã Sơn Thọ gồm 30 đồng chí, thường xuyên bám đánh địch tại Trung Phước, xã Sơn Khương. Tham gia hoạt động khoảng hai tháng, đến tháng 4-1965, chị được động viên tham gia làm công tác giao liên mật. Dưới vỏ bọc là người dân quê ra thành thị buôn bán và tìm việc làm, chị đã rất nhiều lần chuyển tài liệu từ huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) ra Đà Nẵng bằng con đường hợp pháp. Ý thức được tính chất nguy hiểm của công việc, chị luôn xác định tư tưởng “Nếu ngại hy sinh thì không ai dám làm cách mạng”. Vượt quãng đường dài hơn 70 cây số, qua nhiều trạm gác của địch và sự rình rập, sẵn sàng thủ tiêu của những tên mật thám chỉ điểm, tinh thần cảnh giác và ý thức cách mạng của cô bé Minh Nguyệt được tôi luyện dần theo những chuyến giao liên đầy bất trắc.
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Vũ Minh Nguyệt. |
Dù vô cùng cẩn trọng nhưng hoạt động giao liên được gần một năm, Minh Nguyệt bị một số tên chỉ điểm phát hiện, nhiều lần suýt bị địch bắt nên được chuyển về đảm nhận cương vị mới là Xã đội phó tác chiến của du kích xã Sơn Thọ (nay là xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Giữ trọng trách lớn ở tuổi 14, Minh Nguyệt tích cực tham gia công tác huấn luyện cho lực lượng du kích xã, cùng anh em tăng gia sản xuất; vận động bà con đào giao thông hào, địa đạo, công sự chiến đấu, trận địa bắn máy bay; đồng thời giúp dân bám trụ, xây dựng cơ sở cách mạng...
Tháng 2-1966, Mỹ-ngụy liên tục cho máy bay oanh tạc xuống hai xã Sơn Phúc và Sơn Thọ nhằm biến nơi đây thành vành đai trắng. Minh Nguyệt nhiều lần được giao nhiệm vụ chỉ huy, phối hợp với các lực lượng tổ chức bám sát địch; phục kích, đón đầu, tấn công, chiếm lĩnh trận địa, tiêu diệt nhiều lính Mỹ, khiến bọn Mỹ hoang mang, dao động. Tháng 4-1967, để thống nhất chỉ đạo kháng chiến, Huyện ủy Quế Sơn chủ trương sáp nhập hai xã Sơn Phúc, Sơn Thọ thành xã Sơn Viên; Nguyễn Vũ Minh Nguyệt được phân công giữ chức vụ Xã đội phó xã Sơn Viên, phụ trách tác chiến.
Tháng 5-1967, Mỹ-ngụy đổ bộ bằng trực thăng xuống đồng Khe Canh, du kích đã phối hợp với bộ đội chủ lực trực tiếp tiến công địch, tiêu diệt 95 tên, thu 27 súng các loại (trong đó có một súng M79), 3 máy PRC 10, đem về trang bị cho lực lượng du kích. Đây là trận đánh tiêu diệt nhiều sinh lực địch nhất, gây tiếng vang lớn và góp phần cổ vũ phong trào đánh Mỹ tại vùng Tây Quế Sơn. Với âm mưu chiếm đóng căn cứ và đường hành quân của các đơn vị bộ đội chủ lực của ta, tháng 8-1967, Mỹ-ngụy tiếp tục điều động một tiểu đoàn thủy quân lục chiến tổ chức càn quét vùng giải phóng Tây Quế Sơn. Được sự hỗ trợ đắc lực của bộ đội Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5, lực lượng du kích xã Sơn Viên do Minh Nguyệt trực tiếp chỉ huy liên tục bám địch quần thảo, tổ chức bắn tỉa và phối hợp với bộ đội chủ lực xây dựng trận địa phục kích địch, tiêu diệt gần 200 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng... buộc chúng phải rút lui...
Năm 1968, tình hình ngày càng cam go khi Mỹ liên tục dùng pháo binh ở Bằng Thùng, Bằng Gia, Núi Vú, Bằng Trĩ... bắn phá các xóm làng; thường xuyên đổ quân phục kích, lùng sục, truy tìm cán bộ của ta. Chứng kiến cảnh bọn biệt kích núi Chúa ra sức bắn phá, giết hại người dân vô tội, Nguyễn Vũ Minh Nguyệt hạ quyết tâm đánh bằng được bọn chúng. Được sự cho phép của chỉ huy, chị chủ trương tìm các loại bom, pháo của địch thả xuống nhưng chưa nổ đem về cải tiến, cài đặt trên núi Chúa để đánh địch. Sau khi tìm được 4 quả đạn 105mm, đội du kích đem về tìm cách mở ngòi nổ. Đối với những thiếu niên mới 15-17 tuổi, chưa từng được chỉ dạy cách tháo gỡ bom, mìn, việc cải tiến khối nổ trên vô cùng nguy hiểm, chỉ cần sơ suất nhỏ, cả đội du kích sẽ phải trả giá đắt. Gần một tháng trời mày mò, đội du kích hoàn thành việc cải tiến các khối nổ. Tuy nhiên, việc chuyển các khối nổ, mỗi khối nặng gần 100kg lên đỉnh núi Chúa (ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển), có độ dốc rất lớn, nhiều vách đá dựng đứng... không phải chuyện dễ dàng. Lúc ấy, Minh Nguyệt đã nghĩ ra cách cột dây vào khối nổ để kéo và dùng đà chống đỡ đề phòng tuột dốc. Vậy là người trước kéo, người phía sau chèn bẫy, hì hục hết ngày này qua ngày nọ, đội du kích đã bí mật đưa được các khối nổ lên vị trí định sẵn trên đỉnh hầm Vung-núi Chúa. Sau nhiều ngày chờ đợi, đúng như dự đoán, khoảng giữa tháng 3-1968, địch cho máy bay quần thảo, ném bom gần 2 tiếng đồng hồ rồi đưa quân đổ bộ xuống hầm Vung-núi Chúa (ngay khu vực đội du kích đặt khối nổ). Cả đội nín thở quan sát, chờ đợi. Địch vừa đổ quân, lập tức các khối nổ đồng loạt nổ tung, đội du kích vỡ òa trong niềm vui mừng khôn xiết. Một máy bay và gần một trung đội biệt kích Mỹ bị tiêu diệt gọn. Quân Mỹ cay cú cho máy bay quay lại quần thảo, ném bom và để lấy xác lính. Ngay lập tức, Minh Nguyệt cho triển khai chiến đấu tập trung bắn máy bay buộc chúng phải tháo chạy. Từ đó trở đi, bọn Mỹ không dám bén mảng, đặt chân đến núi Chúa...
Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh
Cuối năm 1971, do vết thương cũ tái phát cộng với căn bệnh sốt rét rừng làm sức khỏe giảm sút, Nguyễn Vũ Minh Nguyệt được tổ chức bố trí ra Bắc để điều trị. Những ngày ở miền Bắc, học tập theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế”, chị quyết tâm vượt qua những cơn đau của vết thương hành hạ để tiếp tục chiến đấu trên mặt trận mới, đó là học tập. Vừa chữa trị, chị vừa miệt mài học hỏi, nghiên cứu để trau dồi kiến thức văn hóa với ước mong sau này, khi đất nước hòa bình, thống nhất, được trở về phục vụ, xây dựng quê hương.
Năm 1975, quê hương được giải phóng, Minh Nguyệt được đưa về Trại thương binh Đò Xu (Đà Nẵng). Với những nỗ lực học tập không mệt mỏi, đến tháng 5-1977, chị được điều động về công tác tại Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau đó, chị tiếp tục theo đuổi con đường học vấn tại Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội rồi trở về công tác tại Viện KSND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Từ năm 1994 đến đầu năm 1997, chị giữ chức vụ Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Từ tháng 3-1997, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được chia tách, chị là Quận ủy viên Quận ủy Hải Châu, giữ chức Viện trưởng Viện KSND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Dù là trong thời kỳ tham gia cách mạng, đấu tranh trực diện với kẻ thù hay trong thời kỳ đổi mới, Nguyễn Vũ Minh Nguyệt luôn hết lòng vì lý tưởng, nỗ lực vượt khó, thắng khổ, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; tận tụy, chính trực, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, bảo vệ sự công minh của pháp luật.
Đến tuổi nghỉ hưu, với tâm niệm còn sức còn cống hiến, nữ thương binh hạng 3/4 Nguyễn Vũ Minh Nguyệt tiếp tục nghiên cứu, xin phép cơ quan có thẩm quyền thành lập Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt. Đây là mô hình văn phòng công chứng tư đầu tiên trên địa bàn TP Đà Nẵng. Trải qua gần 15 năm hoạt động, văn phòng công chứng do chị thành lập đã khẳng định được uy tín, thương hiệu, là địa chỉ công chứng được cộng đồng doanh nghiệp và người dân tin cậy.
Xuất phát từ lòng yêu thương, mong muốn sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, chị rất hăng hái, nhiệt tâm tham gia các hoạt động từ thiện. Những năm qua, chị đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, khám, cấp phát thuốc miễn phí, trao hàng nghìn suất quà trị giá hàng trăm triệu đồng ủng hộ nhân dân vùng bão, lũ, người nghèo khó, mang mùa xuân ấm đến với đồng bào vùng cao... trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố miền Trung.
Trở về với cuộc sống thường nhật, những vết thương, mảnh đạn còn sót lại trong cơ thể người Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Vũ Minh Nguyệt vẫn nhức nhối, đau buốt khi trái gió trở trời, nhắc nhớ chị về những tháng ngày tuổi trẻ đầy biến động, nhiều hiểm nguy nhưng rất đỗi vinh quang trên đất mẹ. Ở nơi đó, có người mẹ hiền-suối nguồn yêu thương luôn dõi theo, tiếp thêm sức mạnh, động lực cho nữ chỉ huy du kích xã Sơn Viên trong những trận quyết tử với quân thù; có đồng đội thân yêu, đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau. Bước sang trận tuyến mới, “hoa hồng thép” Nguyễn Vũ Minh Nguyệt ngày ấy, nay vẫn tiếp tục cuộc hành trình cống hiến tâm sức cho đất nước bằng tất cả tấm lòng nhiệt huyết, sắt son của một người cộng sản chân chính, một công dân đầy trách nhiệm với xã hội.
Bài và ảnh: THANH THÚY
Các bản tin khác
- Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”
- EM CÓ BIẾT(Lần 2)
- Kỷ niệm Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt tròn 10 tuổi
- Chị Nguyễn Vũ Minh Nguyệt tại Hội nghị thi đua toàn quốc nhân kỷ niệm 70 năm ngày chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và tuyên dương các Anh hùng Lực lượng vũ trang, điển hình tiên tiến tại Hà Nội, ngày 03/6/2018
- Trưởng Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”
- Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt vinh dự được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tặng “Cờ dẫn đầu phòng trào thi đua”
- Nữ chỉ huy du kích trên núi Chúa
- Quà tặng 8. 3 dành cho phái nữ Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt **************
- Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt trao quà tết cho người nghèo nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018
- Trưởng Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt trao quà cho các cháu học sinh miền núi.
- EM CÓ BIẾT
- Ba năm liên tục VPCC Bảo Nguyệt đứng đầu bảng chấm điểm về chất lượng hoạt động công chứng
- Từ thiện những ngày cuối năm 2016: Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt trao quà tết cho người nghèo đón xuân Đinh Dậu
- Con cháu Trưng Vương- (Tựa đề do VPCC Bảo Nguyệt đặt)
- Phần thưởng ý nghĩa cuối năm Bính Thân
- Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt thay đổi loại hình tổ chức và hoạt động
- Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt hướng về Quảng Bình thân yêu!
- Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt Trao học bổng khuyến khích sinh viên học tập
- 8 năm Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt - Chặng đường nổ lực, vươn lên phát triển không ngừng!
- VPCC Bảo Nguyệt đứng đầu bảng chấm điểm về hoạt động công chứng năm 2015