Hàng loạt các khách sạn hạng sang như Novotel Phan Thiết, Century (Huế), Daewoo (Hà Nội) lần lượt đổi chủ. Cổ đông khách sạn Metropole cũng đang cân nhắc bán 50% cổ phần.
1. Vina Properties mua lại khách sạn Novotel Phan Thiết
Khách sạn Novotel Phan Thiết. Ảnh: Novotel |
Hồi tháng 8, Tập đoàn phát triển bất động sản Vina (Vina Properties Development Group, Hospitality - VPD) cho biết đã mua lại tổ hợp khách sạn và sân golf Novotel Phan Thiet Ocean Dunes and Golf Resort tại tỉnh Bình Thuận. Thông tin chi tiết của thương vụ này không được tiết lộ. Đại diện Tập đoàn Vina chỉ cho biết, việc mua lại dự án hoàn tất cách đó vài ngày, đồng thời chủ sở hữu mới cũng đã đổi tên khách sạn thành DuParc Phan Thiet Ocean Dunes & Golf Resort.
Trước đó, Vina Properties, thông qua công ty thành viên là Công ty TNHH Khách sạn Ngôi Sao Việt, đã mua lại phần vốn góp của Công ty Kovina Investments Limited của Hong Kong và AOI Saigon Pte Ltd. của Singapore để sở hữu khách sạn Amara Saigon ở TP HCM. Đồng thời tên khách sạn 280 phòng này cũng được đổi thành Ramana Saigon Hotel.
Vina Properties đã mở rộng danh mục đầu tư của mình trong lãnh vực khách sạn bằng việc mua lại hai khách sạn và sân gôn là Dalat Palace Luxury Hotel & Golf Club và DuParc Hotel Dalat tại thành phố Đà Lạt năm 2010.
2. VinaCapital rao bán một nửa Metropole Hà Nội
Khách sạn Metropole. Ảnh: Metropole |
Quỹ VinaCapital Việt Nam Opportunity Fund (VOF) cho biết đã thuê công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle rao bán 50% cổ phần trong khách sạn Metropole Hà Nội, tương đương giá trị sổ sách 58,7 triệu USD. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, Tập đoàn VinaCapital khẳng định với VnExpress.net thoái vốn khỏi khách sạn 5 sao nổi tiếng này là chiến lược mang lại lợi nhuận cho quỹ về lâu dài
Các công ty môi giới bất động sản đều cho rằng giao dịch trên sẽ khó thực hiện với mức giá cao hơn giá trị sổ sách, nhất là trong tình hình kinh tế ảm đạm ở Việt Nam như hiện nay. Tổng công ty Du lịch Hà Nội, thuộc UBND thành phố Hà Nội, nắm giữ 50% cổ phần còn lại trong Metropole, đồng thời kiểm soát toàn bộ hoạt động kinh doanh của khách sạn.
Tuy nhiên, ông Andy Ho tiết lộ, hiện nay có khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến các khoản đầu tư của VOF, trong đó có Metropole. Theo ông, trong bối cảnh bất động như hiện nay, quyết định của VOF không dựa vào thị trường mà phụ thuộc vào giá trị bán.
3. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mua 50% khách sạn Century (Huế)
Khách sạn Century Huế. Ảnh: Century |
Ngày 8/3, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa mua 50% vốn của Tập đoàn Crowndale International Corporation (Hong Kong) trong khách sạn Century (Huế) với giá 2,6 triệu USD và trở thành chủ sở hữu toàn bộ khách sạn này. Sau khi mua lại, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục giao khách sạn Century cho công ty đầu tư du lịch Huế kinh doanh và đang tìm các đối tác lớn để đầu tư vào khách sạn này.
Tổng tài sản của khách sạn này được định giá 169 tỷ đồng, tương đương 8 triệu USD.
Khách sạn Century có 135 phòng tiêu chuẩn bốn sao nằm bên bờ sông Hương với diện tích khoảng 15.000 m2, được đánh giá là “đất kim cương” của Huế với giá thị trường hiện lên đến hơn 100 triệu đồng mỗi m2.
4. Vinataba muốn mua cổ phần của Pavia Properties
Vinataba đang lên kế hoạch mua lại phần vốn góp của đối tác nước ngoài là Công ty Pavia Properties Ltd trong liên doanh Nguyễn Du. Giá trị phần vốn góp của bên nước ngoài là hơn 1,5 triệu USD và được hai bên thống nhất chuyển nhượng với giá 4 triệu USD. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, việc mua lại vốn nêu trên đã được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý về nguyên tắc.
Vinataba muốn mua lại vốn và chuyển đổi doanh nghiệp để xây dựng văn phòng làm việc của Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, cùng các văn phòng giao dịch thương mại của các đơn vị thành viên (do văn phòng chính của Tổng công ty đang thuê tại 83A Lý Thường Kiệt).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc mua lại với mục đích trên là có thể xem xét với điều kiện Vinataba phải chứng minh được tính hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Tổng công ty thuốc lá Việt Nam. Tuy nhiên, Vinataba đã “không có văn bản nào giải trình về tính hiệu quả của mục đích mua lại làm trụ sở". Do đó, Bộ kế hoạch đầu tư đề nghị Sở Kế hoạch đầu tư yêu cầu doanh nghiệp giải trình. Bộ cho rằng đây chính là việc đầu tư ngoài ngành. Do vậy, Bộ đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội báo cáo UBND thành phố Hà Nội xem xét quyết định theo thẩm quyền.
5. Khách sạn Daewoo đổi chủ
Hanel mua lại 70% khách sạn Daewoo. Ảnh: Hoàng Lan |
Tháng 3, Công ty Điện tử Hanel đã mua lại 70% vốn góp của đối tác Hàn Quốc là Daewoo E&C trong khách sạn Daewoo tại Hà Nội. Trao đổi với báo giới, một lãnh đạo của Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội xác nhận, các thủ tục của vụ chuyển nhượng khách sạn Daewoo đã được hoàn tất.
Theo ông, thủ tục của vụ chuyển nhượng khá đơn giản vì đây không phải là chuyển nhượng toàn bộ dự án mà chỉ là chuyển nhượng 70% cổ phần trong một doanh nghiệp. Do đó, cơ quan chức năng chỉ cần điều chỉnh nội dung trong giấy phép đầu tư thay vì cấp phép lại.
Vào đầu năm 2011, Daewoo đã dự tính chuyển nhượng Khách sạn cho Lotte, một tập đoàn lớn khác của Hàn Quốc, tuy nhiên sau đó, Hanel đã sử dụng quyền ưu tiên mua lại vốn góp của đối tác vì là một bên liên doanh.
Khách sạn Hanoi Daewoo được xây dựng từ năm 1996, với tổng diện tích 29.500 m2. Khách sạn này nằm ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội, có một vị trí rất đắc địa và là một trong những khách sạn 5 sao đầu tiên được xây dựng ở Hà Nội.
6. Vinaconex thoái vốn khỏi dự án Bắc An Khánh
Phối cảnh dự án. Ảnh: An Khánh JVC. |
Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đầu tháng 12 thông báo với các nhà đầu tư về việc thoái vốn khỏi dự án Bắc An Khánh. Cụ thể, Vinaconex sẽ tiến hành cấu trúc lại vốn đầu tư tại Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) thông qua việc chuyển nhượng phần vốn góp 21,5 triệu đôla (tương đương 50% vốn điều lệ) cho các tổ chức kinh tế trong hoặc ngoài nước đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) được thành lập vào ngày 2006 để xây dựng dự án khu đô thị mới Bắc An Khánh. An Khánh JVC có vốn điều lệ 42,5 triệu đôla. Vinaconex góp chiếm 50% vốn điều lệ.
Dự án là khu đô thị cao cấp kết hợp trung tâm văn phòng thương mại nằm ở phía tây thủ đô Hà Nội, dọc trục đại lộ Thăng Long có tổng diện tích 245 ha. Dự án được chia thành 5 giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2018. Hiện tại, An Khánh JVC đang hoàn thiện giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 được khởi công vào đầu tháng 6 năm nay.
Hoàng Lan
Các bản tin khác
- Tổng thống Mỹ Trump thăm Hà Nội sau khi dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng
- Ba yếu tố đảm bảo lợi nhuận condotel mà nhà đầu tư nên lưu ý
- Sun Group sứ mệnh đánh thức những vùng đất giàu tiềm năng Việt Nam
- Đi tìm chân dung nhà đầu tư bất động sản
- Vốn ngoại đổ bộ vào thị trường địa ốc
- Hơn 35.293 tỷ đồng dự kiến đầu tư vào Đà Nẵng
- Nhận diện các mánh lừa của dân môi giới bất động sản
- Khai trương Lãnh sự quán danh dự Tây Ban Nha tại Đà Nẵng
- Tiếp bài "Condotel - bài toán khó cho quản lý đô thị": Chưa cấp "sổ đỏ" cho căn hộ condotel
- Đà Nẵng: Điều chỉnh quy hoạch 1/500 Khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy
- Thứ tư vui vẻ- giá rẻ cực shock tại Sun World Danang Wonders
- Condotel-bài toán khó cho quản lý đô thị - Bài cuối: Thị trường condotel tăng trưởng nóng
- Cần các dự án hạ tầng lớn để tạo động lực mới
- Condotel - bài toán khó cho quản lý đô thị - Bài 1: Phát triển biến dạng
- Khu đô thị Hòa Quý - Đồng Nò xây dựng thêm 2 cầu mới
- Đà Nẵng: Điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết Khu đô thị ven sông Hòa Quý –Đồng Nò
- Cải tạo và xây dựng nút giao thông phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý
- Golden City – Đón đầu xu thế đầu tư bất động sản khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng
- Bất động sản Đà Nẵng: Cuộc đua thay đổi diện mạo quanh sông Cổ Cò
- Nghiên cứu phương án tối ưu cải tạo các nút giao thông