TT - Thế giới đã bước vào năm 2013 với những màn pháo hoa rực rỡ, các lễ hội âm nhạc đầy màu sắc và những lời cầu chúc một năm tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn cho tất cả mọi người.
Màn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Sydney - Ảnh: AFP |
Ước nguyện của một cô bé Ấn Độ đầu năm 2013: “Không còn nạn cưỡng hiếp” - Ảnh: Baltimore Sun
|
Hòn đảo Kiritimati ở giữa Thái Bình Dương là địa điểm chào đón năm mới 2013 đầu tiên trên thế giới, bắt đầu lúc 10g ngày 31-12-2012 (giờ GMT), tức 17g ngày 31-12 giờ Việt Nam. Tuy nhiên, được nhắc đến nhiều nhất lại là thành phố Sydney (Úc) với màn pháo hoa rực rỡ đầy tính nghệ thuật trị giá 6,9 triệu USD, thu hút 1,5 triệu người.
Tại Hong Kong, màn pháo hoa ở cảng Victoria kéo dài tám phút được xem là ngoạn mục nhất từ trước tới nay với màn bắn từ mặt biển và trên đất liền, thu hút khoảng 100.000 người tới thưởng lãm. Seoul (Hàn Quốc) chào đón năm 2013 với 33 hồi chuông từ chiếc chuông cổ có từ thế kỷ 15 theo truyền thống. Ở Tokyo (Nhật), hàng triệu người đã đến cầu nguyện ở các ngôi chùa, cùng thưởng thức bữa tiệc bên gia đình mừng năm mới và xem các chương trình tạp kỹ năm mới “Kohaku Uta Gassen”.
Trung Quốc cũng tổ chức bắn pháo hoa ở nhiều thành phố lớn. Màn trình diễn ánh sáng được tổ chức hoành tráng tại đài tưởng niệm Thiên niên kỷ ở Bắc Kinh từ lúc 23g30 đêm giao thừa với màu sắc ánh sáng biến đổi không ngừng. Lễ thắp ánh sáng kéo dài đến 0g30 ngày 1-1-2013 và được truyền hình trực tiếp.
Jakarta (Indonesia) đón năm mới với 16 sân khấu lớn dựng trên tuyến đường cao tốc tám làn xe đi qua trung tâm thành phố và một bữa tiệc đường phố khổng lồ. Tại New Delhi (Ấn Độ), nhiều sự kiện mừng năm mới đã bị hoãn lại để tỏ lòng thương tiếc và chia sẻ với nạn nhân của vụ cưỡng hiếp tập thể. Quân đội Ấn Độ đã chỉ thị cho tất cả đơn vị hủy tiệc tất niên và không tổ chức tiệc mừng năm mới. Nhiều khách sạn, câu lạc bộ, nhà hàng, hội dân cư tại New Delhi cũng giảm nhẹ các chương trình chào mừng năm mới.
Ở Myanmar, tâm trạng của người dân đón mừng năm mới rất vui vẻ sau hàng loạt thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Lần đầu tiên sau hơn 50 năm, Myanmar tổ chức các sự kiện văn hóa đón mừng năm mới, đặc biệt là màn đếm ngược trên chiếc đồng hồ điện tử và ba màn hình lớn ở trung tâm thành phố Yangon. “Chúng tôi thấy mình như đang sống trong một thế giới khác” - sinh viên Yu Thawda xúc động nói.
Tại quảng trường Thời đại, New York (Mỹ) là cảnh các cặp đôi hôn nhau, pháo hoa và người chật như nêm trong nghi thức đếm ngược đón năm mới thường thấy trong bản nhạc kinh điển New York, New York của Frank Sinatra. Đặc biệt là ca sĩ Hàn Quốc Psy, tác giả bài Gangnam style đình đám, đã trình diễn với những ngôi sao Mỹ.
Hơn 50.000 quả bóng bay được người dân thành phố Sao Paulo (Brazil) thả lên không trung để cầu ước những điều tốt lành trong năm mới. Dubai (UAE) tất nhiên không đứng ngoài những hoạt động chào đón với lễ hội cực kỳ sang trọng ở Burj Khalifa, tòa nhà cao nhất thế giới. Vũ khúc pháo hoa ở Dubai được chia làm ba yếu tố, ánh sáng, nước và lửa với một màn hình quay cảnh bắn pháo hoa dài 210m.
Không khí năm mới có phần trầm lắng ở châu Âu do khủng hoảng kinh tế. Nhiều nước như Hi Lạp rút bớt các hoạt động lễ hội, tiệc tùng trên đường phố.
Ở Berlin (Đức), người dân không chỉ được ngắm pháo hoa tại cổng thành Branderburg mà còn được xem các màn trình diễn ánh sáng laser.
Ở Paris (Pháp), chính quyền cấm bắn pháo hoa vào đêm giao thừa nhưng người dân vẫn tập trung ở đại lộ Champs - Elysées và quanh tháp Eiffel. Tại Venice (Ý), đêm giao thừa diễn ra đầy lãng mạn với màn hôn tập thể của các cặp đôi yêu nhau ở quảng trường San Marco.
Trong đêm giao thừa, lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã phát đi thông điệp năm mới đến người dân. Tuổi Trẻ trích giới thiệu một số thông điệp nổi bật.
* Thủ tướng Đức Angela Merkel: “Tôi biết còn rất nhiều người đang bước vào một năm mới với bao lo lắng. Thật sự môi trường kinh tế năm 2013 sẽ không dễ dàng hơn mà khó khăn hơn. Điều đó không làm chúng ta chùn bước, mà ngược lại phải là động lực để tiến bộ. Chúng ta cần lòng dũng cảm. Hãy cùng tiếp tục chia sẻ gánh nặng với những người đang gặp khó khăn, đang cô đơn, ốm đau hay cần an ủi”.
* Tổng thống Myanmar Thein Sein: “Gia vị quan trọng nhất cho thành công của cuộc chuyển dịch sang chế độ dân chủ ở Myanmar chính là niềm tin lẫn nhau giữa chính phủ và người dân. Điều mà nhân dân và chính phủ cần hiểu rõ là khoảng cách giữa yêu cầu của dân và khả năng của chính phủ. Đất nước sẽ còn rất nhiều lĩnh vực cần phải cải cách”.
* Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Mọi người hãy đoàn kết, sống tử tế hơn, hào phóng hơn, biết quan tâm tới những người thân, cha mẹ, con cái, bạn bè đồng nghiệp và tất cả những người cần quan tâm khác. Chỉ có sát cánh cùng nhau thì chúng ta, người dân nước Nga, mới có thể giải quyết được những vấn đề khó khăn nhất, xây dựng một đất nước hùng mạnh, thành công, một xã hội hiện đại, thịnh vượng và tự do”.
|
HẠNH NGUYÊN - HẢI MINH tổng hợp
Theo TTO
Các bản tin khác
- Phải nộp thuế khi uỷ quyền giao dịch bất động sản
- Thị trường đất nền Đà Nẵng tăng nhiệt
- Đà Nẵng: Đất nền vùng ven tăng giá
- Đà Nẵng: Đổ xô ra vùng ven mua đất
- Kênh huy động vốn mới cho bất động sản
- Muốn công chứng bán xe, phải mang xe đến?
- Nghịch lý thị trường bất động sản ở Đà Nẵng
- Thắt chặt tín dụng với thị trường bất động sản: Người dân có nhiều cơ hội mua nhà hơn
- Triển vọng thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại
- Thị trường bất động sản chờ đợi gì ở năm Tân Mão?
- Thị trường bất động sản năm 2010: Không nóng ảo!
- Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 2011
- Chính sách mới về giảm nợ và thu nợ tiền sử dụng đất quy ra vàng
- Giá đất tại Đà Nẵng năm 2011: Cao nhất 35,28 triệu đồng/m2
- Thành lập Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng
- Hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng Vẫn phân biệt đối xử công - tư
- Khó khăn trong chuyển nhượng căn hộ
- Giá đất sốt từng ngày
- Đà Nẵng: Đất đô thị có mức giá cao nhất 25,2 triệu đồng/m2