Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức, Lê Chí Hiếu phân tích: "Bất động sản chỉ chiếm 3,2% trên tổng GDP nhưng sức ảnh hưởng của nó không hề nhỏ vì địa ốc chi phối đến hàng trăm ngành nghề".
Theo ông Hiếu, nhìn bất động sản là một ngành riêng lẻ, chiếm tỷ lệ nhỏ bé trên tổng GDP cả nước rồi phủ nhận sức ảnh hưởng của nó là thiếu sót lớn. Quan điểm đó ví như chỉ "trông cây mà chẳng thấy rừng".
Ông Hiếu giải thích, thị trường bất động sản là hàn thử biểu của nền kinh tế. Cánh chim báo bão ấy là đầu vào của nhiều ngành nghề khác nhau. Không có đất, không có nhà thì các ngành: hạ tầng, thiết kế, vật tư, xây dựng, nội thất, gốm sứ, máy móc cơ điện, thiết bị gia dụng... cũng mất đi cơ hội phát triển.
Theo chuyên gia này, thậm chí các ngành tưởng chừng không hề liên quan như: hội họa, điêu khắc cũng thịnh suy theo sức khỏe của thị trường địa ốc. Nhà đất không bán được thì các ngành nghệ thuật này cũng mất đi không gian tồn tại. Đó là chưa kể đến sau lưng bất động sản còn có cả hệ thống ngân hàng. Doanh nghiệp địa ốc "chết" thì nhà băng cũng khó khăn, gây bất ổn xã hội rất lớn.
"Căn hộ chứa trong nó hàng trăm, thậm chí cả nghìn sản phẩm. Từ ngôi nhà phát sinh vô vàn nhu cầu khác nhau. Hỗ trợ thị trường địa ốc là kích cầu, vực dậy hàng trăm ngành nghề liên quan", ông nhấn mạnh.
Nhiều quan điểm cho rằng cứu địa ốc là kích cầu cho nhiều ngành nghề liên quan. Ảnh: Vũ Lê |
Lãnh đạo Công ty Thủ Đức House nhận xét, xã hội vẫn còn lấn cấn tại sao phải cứu những đại gia địa ốc từng lãi to song đó là quan điểm chủ quan. Các đơn vị làm ăn chộp giật, thời hoàng kim lợi nhuận lớn họ đã nộp thuế cho Nhà nước, đóng góp cho ngân sách. Cuộc chơi rất sòng phẳng vì khi khủng hoảng các doanh nghiệp này cũng đã "ăn đòn", nếm mùi lỗ nặng, xem như trả giá cho sai lầm của họ.
"Năm 2013 tôi kỳ vọng Chính phủ đưa ra những quyết sách nhanh chóng, kịp thời và cụ thể. Doanh nghiệp phải tự tìm cách tự tháo gỡ khó khăn nhưng Nhà nước cũng đừng hỗ trợ kiểu vừa đánh vừa lùi vì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng", ông Hiếu nói.
Đồng tình với Tiến sĩ Lê Chí Hiếu, các chuyên gia đều xác định giải cứu thị trường bất động sản là chuyện tất yếu. Song nhiều ý kiến đề xuất cần phải có những giải pháp cụ thể, thận trọng nhằm trị bệnh tận gốc, đặc biệt là tránh kích cầu nhầm đối tượng.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, tồn kho bất động sản lớn dẫn đến ứ đọng vốn nhiều nên việc giải cứu bất động sản là cần thiết. Thêm vào đó, địa ốc còn dắt dây đến các ngành: xi măng, sắt thép, kính, gạch ốp lát... Vì vậy thị trường cần có bàn tay điều hành của Nhà nước.
Theo các chuyên gia, địa ốc Hà Nội tồn kho hàng nghìn căn hộ nên việc giải cứu là cần thiết. Ảnh: Hoàng Lan |
Theo ông Doanh, với các con số "khủng" như dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản lên đến một triệu tỷ đồng, tồn kho hàng chục nghìn căn hộ thì chuyện giải cứu là điều không cần bàn cãi. "Gỡ khó cho thị trường cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, thông qua các ngành liên quan đến bất động sản", ông nói.
Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng quá trình giải cứu cần "đánh trúng" vào người có nhu cầu thực sự thay vì hỗ trợ nhầm trường hợp đầu cơ. Chuyên gia này cho rằng, nhà thu nhập thấp một tỷ đồng một căn, riêng trả tiền lãi đã một trăm triệu đồng, sức người nghèo không cam nổi. Do đó giải pháp cứu thị trường phải cần đồng bộ, và quan trọng nhất theo ông Doanh là phải giảm chi phí vô hình ở các khâu xin cho dự án, phí lobby...
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cengroup, Phạm Thanh Hưng nhận định, đứng ở góc độ doanh nghiệp, các đơn vị bất động sản không cần được bơm vốn mà chỉ cần được các giải pháp tài chính hỗ trợ. "Chính phủ bơm tiền cho doanh nghiệp nhưng không có các giải pháp hỗ trợ người mua thì thị trường cũng không thể khởi sắc", ông nói.
Trước đó, tại phiên thảo luận của Ủy ban kinh tế Quốc hội ngày 24/1, một số vị đại biểu nhấn mạnh, trước khi giải cứu cần phải quy rõ trách nhiệm người làm cho thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay. Các giải pháp được nhiều đại biểu đưa ra là cần phải tránh lợi ích nhóm, đảm bảo đúng quy luật phát triển của thị trường.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng muốn tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động phải tìm ra những điểm nghẽn ảnh hưởng tới nền kinh tế. Đó chính là cung cầu lệch pha quá lớn. “Đối tượng được hỗ trợ là người dân nhưng bảo vệ lợi ích doanh nghiệp cũng chính là bảo vệ người dân. Từ đó ngân hàng cũng được lợi và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, lãnh đạo Bộ cho hay.
Hoàng Lan - Vũ Lê
Theo Vnexpress
Các bản tin khác
- Ngân hàng kiểm chặt dòng vốn, doanh nghiệp địa ốc đã sẵn sàng cho "cuộc chơi" mới?
- Đường ven biển Nguyễn Tất Thành sẽ mang một diện mạo khác
- Xây dựng An Thượng thành phố du lịch xuyên đêm
- Đà Nẵng đang bức bách về sân bay, bến cảng
- "Mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời"
- Đà Nẵng chi gần 15 tỷ đồng để phát triển du lịch năm 2018
- Bùng nổ căn hộ chia sẻ tại châu Á
- Bất động sản Đà Nẵng: Hình thành hai thái cực "nóng - lạnh"
- Ô tô nhập khẩu thuế 0% về Việt Nam: Giá xe giảm ngay 200 triệu
- Sun World Ba Na Hills tri ân người dân địa phương bằng chương trình đặc biệt
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3-2018
- Cơ hội đầu tư phát triển kinh tế Đà Nẵng sau APEC
- Thị trường bất động sản nóng ngay sau Tết
- Hàng loạt chính sách mới tác động đến bất động sản năm 2018
- Triển khai thi công 2 dự án trọng điểm tại Q. Cẩm Lệ
- Các công trình trọng điểm: Đẩy nhanh tiến độ ngay từ đầu năm
- Bất động sản kỳ vọng lập kỷ lục mới về thu hút FDI
- Bức tranh bất động sản Châu Á Thái Bình Dương năm 2018
- Một năm bất động sản sôi động, hứa hẹn 2018 tiếp tục thành công
- Tầng lớp trung lưu đang thay đổi bất động sản