Hôm qua 19.6, Quốc hội thông qua hai dự luật quan trọng về thuế. Theo đó kể từ 1.1.2014, mức thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp còn 22%. Riêng doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỉ đồng/năm áp thuế suất 20%; kinh doanh nhà ở xã hội 10% và thực hiện từ 1.7.2013.
Doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỉ đồng được áp thuế suất thuế TNDN 20% từ 1.7.2013 - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Về luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH), đa số ý kiến ĐBQH nhất trí với mức thuế suất 22%. Có ý kiến đề nghị áp dụng thống nhất mức thuế suất phổ thông 20%, không phân biệt quy mô DN. Tuy nhiên, UB TVQH cho rằng, việc áp dụng thuế suất phổ thông 22% từ 1.1.2014 và từ 1.1.2016 là 20% như quy định của luật cũng đã dẫn đến giảm thu ngân sách khá lớn. Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn hiện nay, nếu tiếp tục giảm mạnh thuế suất sẽ tác động lớn đến cân đối thu - chi. Thứ hai, so với mặt bằng thuế suất của các nước trong khu vực và trên thế giới thì mức thuế suất phổ thông 22% trong giai đoạn 2014 - 2015 và thuế suất 20% từ năm 2016 là phù hợp, bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Giảm thuế suất báo in còn 10%
Có hai đối tượng DN được áp mức thuế suất ưu đãi hơn bắt đầu từ 1.7.2013. DN có mức doanh thu dưới 20 tỉ đồng được áp thuế suất 20% và thuế suất 10% đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội. Đây là 2 điều khoản quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN vừa và nhỏ, cũng như thị trường bất động sản. UB TVQH giải trình thêm, việc quy định doanh thu 20 tỉ đồng là tiếp thu ý kiến của các ĐBQH. Bỏ tiêu chí dưới 200 lao động như ban đầu.
Một điểm mà luật cũng tiếp thu là bỏ quy định vốn mỏng, tức không quy định khống chế tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu, tạo thuận lợi cho các DN tìm kiếm nguồn vốn trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với báo nói, báo hình, báo điện tử. Những năm qua, hoạt động báo chí, tuyên truyền, trong đó có hoạt động của các loại hình báo nói, báo điện tử, báo hình đã có đóng góp rất lớn trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, chính trị và có đóng góp cho ngân sách. Trong đó, so với các loại hình khác, hoạt động của báo in còn gặp nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào ngày càng cao và phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ chính trị, phục vụ vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Vì vậy, luật chỉ ưu đãi cho báo in được hưởng mức thuế TNDN 10%, từ 1.1.2014.
Nhà thu nhập thấp chịu thuế GTGT 5%
Theo luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) được thông qua, điểm đáng chú ý nhất là kể từ 1.7.2013 đến 30.6.2014, nhà ở xã hội và nhà ở có diện tích dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 sẽ chỉ phải chịu thuế suất 5%, giảm một nửa so với mức cũ.
Theo UB TVQH, việc giảm thuế sẽ tạo điều kiện cho các tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và thấp được tiếp cận với nhà ở xã hội. Đối với nhà ở thương mại với căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, nhiều ý kiến đề xuất không nên giảm, tuy nhiên UB TVQH cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, số lượng nhà ở thương mại có diện tích sàn dưới 70 m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 còn tồn kho khoảng trên 10.000 căn. Việc giảm 50% mức thuế suất sẽ góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người có thu nhập thấp, đang có nhu cầu về chỗ ở, đồng thời sẽ góp phần giảm lượng căn hộ thương mại đang tồn kho, góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, luật mới quy định mức tiền thuế tối thiểu được hoàn thuế là 300 triệu đồng. Mức này thấp hơn 500 triệu đồng mà ĐBQH đề xuất, nhưng cũng cao hơn so với mức cũ là 200 triệu đồng.
Cần quan tâm đến việc làm cho thanh niên
Thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Việc làm hôm qua, hầu hết các ĐBQH đều bày tỏ quan điểm đồng tình về sự cần thiết của luật nhưng không ít băn khoăn vì đây sẽ là sắc luật khó, do phạm vi đối tượng điều chỉnh rộng, không ít nội dung còn mới mẻ.
Bày tỏ sự lo ngại về tình trạng thất nghiệp của thanh niên kéo theo nhiều hệ lụy khác, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP.Hà Nội) cho rằng cần phải thay đổi nhận thức trong giáo dục, đào tạo; phải coi trọng đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên, kể cả các em học sinh khuyết tật, các em ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; phải coi môn học ngoại ngữ cũng tương đương như môn học chính. Từ đó, ĐB này đề nghị sửa đổi, bổ sung điều 13 của dự thảo theo hướng không chỉ nhà nước mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân được huy động các nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, giới thiệu tìm việc làm phù hợp, đào tạo nghề gắn với việc làm... “Nếu chúng ta quy định như vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên nói chung, kể cả thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên khuyết tật, thanh niên lầm lỡ, các đối tượng giảm án, tha tù trong độ tuổi thanh niên đều được các cơ quan nhà nước và xã hội quan tâm”, bà Khánh nói.
Thái Sơn
|
Anh Vũ
Theo Thanh Niên
Các bản tin khác
- Lộ diện chuỗi đô thị du lịch ven biển miền Trung
- Khẩn trương vận động dân giải tỏa để thi công nút giao thông Túy Loan
- Tổ hợp spa, du lịch, giải trí tại dự án 11.000 tỷ đồng
- Cẩn trọng với những dự án bất động sản “lúa non”
- Đất Nam Đà Nẵng tăng nhiệt trở lại sau chủ trương tái khởi động dự án Làng Đại học
- Thí điểm chủ trương bán thuê mua nhà chung cư cho cán bộ công chức: Hộ thuê nhà đồng tình cao
- Thêm 2 dự án đủ điều kiện bán nhà ở
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3-2017
- Du lịch Đà Nẵng chưa bao giờ hấp dẫn đến thế!
- Tạo điều kiện tối đa để FPT triển khai thành công các dự án trên địa bàn
- “Sốt đất” đã lan đến Hòa Hiệp Bắc!
- Bất động sản Đà Nẵng tiếp tục tăng nhiệt bất chấp “tháng Giêng ăn chơi”
- Môi giới bất động sản và câu chuyện niềm tin
- Triển khai giải pháp hạn chế thanh toán bằng tiền mặt
- Đầu tư sinh lời từ căn hộ condotel
- Vốn Nhật chào hàng cùng dự án bom tấn
- Bất động sản Đà Nẵng "nóng" từ đầu năm 2017
- Cuộc đua đầu tư căn hộ tầm trung
- Chen chúc mua nhà đất dịp đầu năm
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chấm dứt quy hoạch "treo" 20 năm dự án Làng ĐH Đà Nẵng