Tranh chấp, hai bên đều muốn giữ quyền làm chủ VPCC. Pháp luật về công chứng không quy định VPCC được tổ chức với sự tham gia của thành viên góp vốn.
TAND TP.HCM đang thụ lý một vụ tranh chấp giữa ông Đ. (Trưởng văn phòng công chứng (VPCC) T., nguyên đơn) và bà L. (đại diện chủ đầu tư, bị đơn). Đây là vụ tranh chấp kinh doanh thương mại đầu tiên liên quan đến VPCC ở TP.HCM kể từ khi các văn phòng này được phép hoạt động.
Thành lập trước, hợp tác sau
Theo đơn khởi kiện của ông Đ., VPCC T. được thành lập ngày 28-5-2009, đi vào hoạt động ngày 14-7-2009. Do thuê căn nhà của bà L. tại phường Tam Bình (quận Thủ Đức) để làm trụ sở văn phòng nên ông quen biết với bà L.
VPCC T. hoạt động được hơn một tuần thì ông và phía bà L. ký hợp đồng hợp tác. Nội dung bản hợp đồng này ghi rõ: Bên đầu tư lo thủ tục pháp lý cho việc bổ nhiệm công chứng viên, trình duyệt đề án thành lập VPCC. Bên đầu tư sẽ bỏ toàn bộ vốn để thành lập, tổ chức hoạt động cho VPCC với số vốn 700 triệu đồng. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí sẽ được chia đôi cho chủ đầu tư và trưởng VPCC. Chủ đầu tư cùng tham gia quản lý, điều hành hoạt động VPCC. Trưởng VPCC chịu trách nhiệm về nghiệp vụ công chứng…
Quá trình hoạt động, các bên đã phát sinh mâu thuẫn trong việc quản lý tài chính, quản lý VPCC. Ông Đ. ngồi rà soát lại thì phát hiện các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác vi phạm pháp luật. Cụ thể, ông cho rằng VPCC được thành lập theo loại hình DNTN theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, chủ đầu tư không thể nào lo thủ tục pháp lý để bổ nhiệm công chứng viên và thành lập VPCC được. DNTN do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, việc thỏa thuận cho phía bà L. đầu tư vào VPCC là trái pháp luật doanh nghiệp. Ngoài ra, pháp luật về công chứng và doanh nghiệp cũng không cho phép VPCC được tổ chức với sự tham gia của thành viên góp vốn...
Bên nào cũng muốn làm chủ
Từ đó, ông Đ. đã khởi kiện yêu cầu tòa tuyên hủy hợp đồng hợp tác đầu tư giữa hai bên. Ông Đ. khẳng định hợp đồng này có những mục đích, nội dung cơ bản vi phạm quy định của pháp luật và có sự nhầm lẫn khi ký kết.
Về việc này, bà L. lại trình bày khác. Theo đó, bà và ông Đ. quen biết từ trước nên hai bên cùng bàn bạc mở VPCC. Dựa trên sự tin tưởng, bà và hai người nữa đã đầu tư 700 triệu đồng để mua sắm máy móc, thiết bị. Ngoài ra, bà đã cải tạo nhà của mình để làm trụ sở VPCC. Ông Đ. với tư cách là trưởng VPCC sẽ chịu trách nhiệm về nghiệp vụ công chứng. Lợi nhuận thu về, sau khi trừ chi phí sẽ được chia đôi cho phía đầu tư và trưởng văn phòng.
Bà L. lý giải sở dĩ hợp đồng được ký sau ngày VPCC T. đi vào hoạt động là vì cả hai bên cùng lo tập trung hoàn tất công việc, sau đó mới có thời gian ngồi lại ký kết hợp đồng. “Việc điều khoản có ghi rằng chủ đầu tư lo thủ tục bổ nhiệm công chứng viên là do ông Đ. bận việc nên chúng tôi chuẩn bị giấy tờ hành chính cần thiết để nộp theo yêu cầu của pháp luật” - bà L. nói.
Theo bà L., hợp đồng hợp tác thể hiện ý chí của cả hai bên. Nếu ngay từ đầu, ông Đ. không đồng ý với những điều khoản thể hiện trong hợp đồng thì ông sẽ không ký. Bên cạnh đó, ông Đ. là một công chứng viên nên không thể nào có sự lừa dối hay sai trái trong bản hợp đồng mà ông không phát hiện ra. Trong quá trình VPCC T. hoạt động, bà không hề can thiệp vào chuyên môn nghiệp vụ của ông Đ. Vì vậy, khi xảy ra một số bất đồng, bà đã ngỏ lời với ông Đ. để cùng bàn bạc, đưa ra hướng giải quyết nhưng ông Đ. không đồng ý mà lại khởi kiện. Bà L. cho biết nếu ông Đ. không muốn hợp tác nữa thì cứ việc nghỉ, bà sẽ tiếp tục quản lý, duy trì hoạt động của VPCC T.
Chúng tôi sẽ thông tin tiếp khi có phán quyết của tòa.
Luật chỉ thừa nhận, cấp phép cho công chứng viên Trước đây, tại một VPCC tại Hà Nội cũng từng xảy ra mâu thuẫn giữa trưởng văn phòng và chủ đầu tư. Từ vụ tranh chấp này, nhiều chuyên gia pháp lý đã nhận định Luật Công chứng không quy định loại hình công ty cổ phần hay công ty TNHH đối với hoạt động công chứng. Do đó, việc các bên thỏa thuận với nhau về hình thức ăn chia, góp vốn... là việc của các bên, pháp luật không thừa nhận. Pháp luật chỉ thừa nhận, cấp phép hoạt động cho công chứng viên là người đứng đầu VPCC. Và công chứng viên đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của VPCC. |
TIẾN HIỂU
Nguồn: http://phapluattp.vn
Các bản tin khác
- Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2030
- Siết tín dụng bất động sản: Loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"
- Cam kết lợi nhuận tựa con dao hai lưỡi
- 03/08/2018 1:25 PM Sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế
- Việt Nam sẽ có đô thị thông minh vào 2025
- 'Địa ốc hạng sang Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển'
- Biến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thành điểm “ngắm cảnh, ăn uống, vui chơi”?
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Cú hích xây dựng Đà Nẵng đột phá, đáng sống
- Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore liên kết hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng
- Dự án căn hộ cao cấp: Những hiện tượng lạ trên thị trường
- Bài toán giải quyết rủi ro khi đầu tư thị trường bất động sản nam Đà Nẵng
- Giá đất tái định cư tại một số dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ
- Phát triển đô thị Đà Nẵng: Hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường
- Sắp có ‘thuốc’ trị tranh chấp tại các chung cư
- Việt Nam có quá ít bất động sản xanh
- Siết lập vi bằng, mua bán nhà bớt rủi ro
- Nhận diện lực đẩy mới của thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Chẳng dại gì mang 800 triệu mua đất ngoại thành, chọn chung cư mà ở
- Sốc với ưu đãi chưa từng có tại công viên giải trí nổi tiếng Đà Nẵng
- Ngắm hoàng hôn trên Cầu Vàng – Bà Nà Hills