Vì cả tin cho mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng, không ít gia đình đối mặt nguy cơ vô gia cư khi người quen nhận tiền rồi cao chạy xa bay.
Ông Vương Duy Thành (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết thửa đất hơn 80 m2 sở hữu đang vướng vào vụ rắc rối, do cho mượn sổ đỏ để vay "ké" tiền ngân hàng. Năm 2012, ông Thành và bà Lê Thị Kim Thanh (Hà Nội) cùng ký hợp đồng ba bên tại phòng công chứng để bà Thanh đứng tên vay gần 2 tỷ đồng của ngân hàng.
Theo thỏa thuận giữa hai người, ông Thành được vay ké 40% số tiền này. Tuy nhiên, sau khi vay được tiền thì bà Thanh bỏ trốn. Cho tới khi ngân hàng chuẩn bị các thủ tục thu hồi nhà gia đình ông Thành mới té ngửa vì chưa nhận được đồng nào từ bà Thanh. "Gần đây ngân hàng cho biết khoản nợ cả gốc và lãi đã lên tới 2,3 tỷ đồng", ông Thành cho hay.
Nhiều khoản vay tại các ngân hàng có tài sản đảm bảo là nhà, đất của bên thứ ba. |
Gia đình ông Quang (Tây Hồ, Hà Nội) cũng đang lo lắng cho mảnh đất 700 mét vuông trị giá gần 20 tỷ đồng của nhà mình. Ông không có ý định vay ké, chỉ muốn bán đất để trang trải các khoản chi trong gia đình. Một công ty môi giới biết nhu cầu này đã trả giá cao hơn, nhanh chóng đặt cọc 200 triệu đồng với điều kiện ông Quang ký giấy đồng ý cho bên mua đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng. Bên mua giải thích, họ không có tiền mặt, phải vay ngân hàng mới có nguồn thanh toán ngay cho ông. Mà muốn vay ngân hàng, họ cần thế chấp chính ngôi nhà sắp mua của ông.
Nhiều khoản vay tại các ngân hàng có tài sản đảm bảo là nhà, đất của bên thứ ba.
Một phần đã lớn tuổi, dễ tin người, phần vì không hiểu rõ các quy định nên ông Quang đồng ý viết giấy tờ sang tên và cho phép mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Dù người mua chưa "mất tích" hay bỏ trốn nhưng trường hợp này được nhiều cán bộ pháp chế của các ngân hàng nhận định rủi ro rất lớn.
Luật sư Nguyễn Thị Phương - Phó giám đốc Trung tâm Pháp chế Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng hầu hết các tài sản đảm bảo khoản vay hiện nay ở ngân hàng đều là của bên thứ ba, không phải của người trực tiếp đứng tên vay. Đây cũng là những vướng mắc mà nhiều nhà băng gặp phải khi xử lý tài sản đảm bảo.
Trao đổi với VnExpress.net, nhiều luật sư cho rằng, trong những tình huống này, chính các nạn nhân cũng có những sai sót khi chưa tìm hiểu kỹ lưỡng. Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế của Hiệp hội Ngân hàng cho biết: "Tất cả những trường hợp cho mượn sổ đều vì tin tưởng, yên tâm người vay không lừa mình nhưng thực tế lại ngược lại".
Ông Đức cũng cho rằng trong câu chuyện này, văn phòng công chứng cần phải làm đúng trách nhiệm của mình. "Phải kiểm tra, giải thích kỹ được sự tự nguyện và tự thỏa thuận của những người dân nếu ký hợp đồng này. Tôi e đến 70-80% người dân không biết là có thể mất trắng ngôi nhà", ông Đức lo ngại.
Theo bà Phương, rất nhiều người dân không tìm hiểu và đọc kỹ lưỡng hợp đồng trước khi đặt bút ký. "Nhìn chung người dân phải đọc thật kỹ các điều khoản vì ngay trong hợp đồng cũng có nhiều chỗ cài cắm. Rất nhiều người dễ dàng đồng ý trong khi không hiểu những rủi ro có thể xảy ra như mất nhà khi người vay không trả được nợ. Nếu có nhu cầu vay tiền thực sự và có mảnh đất thế chấp, cứ mạnh dạn đến ngân hàng chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn", bà Phương khuyến cáo.
Một cán bộ pháp chế tại Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng thừa nhận các ngân hàng rất khổ với những trường hợp vay chung hay cho mượn sổ đỏ kiểu này. Theo anh, phần lớn các cán bộ thẩm định không biết rằng có sự việc trên. "Đó hoàn toàn là những thỏa thuận dân sự giữa bên vay và người có sổ đỏ. Theo quy định, tài sản đảm bảo phải không có tranh chấp, không có mua bán, nên nếu hai bên tự viết những giấy tờ đặt cọc, các hợp đồng mua - bán nào đó với nhau thì ngân hàng không thể biết được", cán bộ này cho biết.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng đưa ra những quy định khá chặt chẽ với các khoản vay có tài sản đảm bảo của bên thứ ba. "Một số ngân hàng chỉ chấp nhận với người trong gia đình, tứ thân phụ mẫu... để giảm thiểu rủi ro, tranh chấp phát sinh", một cán bộ pháp chế cho biết. Thế nhưng, Luật sư Trương Thanh Đức còn cho rằng cũng có những trường hợp cán bộ thẩm định biết rõ những tình tiết này nhưng vì nhiều lý do nên đã "nhắm mắt" bỏ qua.
Các bản tin khác
- Ban hành nghị định mới về cổ phần hóa
- Bất động sản đang... bất động
- Giao dịch bất động sản thông qua hợp đồng ủy quyền: “Độc chiêu” né thuế
- Rộng cửa đón người mua nhà ở xã hội
- Tiếp tục đề xuất “nới” tín dụng bất động sản
- TT-Huế: Thành lập 2 văn phòng công chứng tư đầu tiên ở Huế
- Nên áp dụng một mức thuế VAT
- Miễn thuế thu nhập cá nhân khi bán nhà
- Khổ vì mua nhà bằng vàng
- Đại hội Câu lạc bộ Công chứng thành phố Đà Nẵng lần thứ I (2011-2014)
- Mở rộng thẩm quyền chứng thực: Người dân có thêm cơ hội lựa chọn
- Ba vấn đề cần cảnh báo trong việc công chứng hợp đồng ủy quyền
- Đà Nẵng: Quy định về cấp GCN và chuyển QSDĐ đối với các DA phát triển đất ở
- Mua bán, chuyển nhượng bất động sản bằng Hợp đồng ủy quyền: Những rủi ro tiềm ẩn
- Thuế TNCN trong chuyển nhượng đất là 25%
- Rước họa vì mua nhà đất giấy tay
- Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 11/2011/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số nội dung về công chứng viên, tổ chức và hoạt động công chứng, quản lý nhà nước về công chứng
- Căn cứ xác định giá đất thị trường
- Quy hoạch 9 dự án đầu tư xây dựng
- Cấm cán bộ, công chức mua bán hồ sơ đất đai