(ĐNĐT) - Chiều ngày 2-8, UBND thành phố Đà Nẵng và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết "Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng".
Dự án do UBND thành phố Đà Nẵng làm chủ quản và Sở GTVT là chủ dự án, Ban quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng điều hành. Thời gian thực hiện dự án là từ 25-11-2008 đến 30-6-2013 với mục tiêu nâng cao tính hiệu quả và tính bền vững của các dịch vụ đô thị ở thành phố thông qua việc nâng cấp đô thị, cải thiện cơ sở hạ tầng môi trường và xây dựng các tuyến đường giao thông chiến lược.
Dự án có 4 hợp phần nhỏ, bao gồm: Hợp phần A là nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu thu nhập thấp, khu tái định cư và chương trình cho vay cải thiện nhà ở; hợp phần B là cải tạo cơ sở hạ tầng môi trường; hợp phần C bao gồm cầu và đường; hợp phần D - nâng cao nâng lực và hỗ trợ thực thi dự án.
Sau 5 năm triển khai với không ít trở ngại và khó khăn ban đầu, cuối cùng dự án đã hoàn thành đúng thời gian quy định với chất lượng đạt yêu cầu đề ra. Kết quả, hợp phần A đã hoàn thành nâng cấp hạ tầng cấp III tổng cộng 13 khu dân cư thu nhập thấp, xây dựng 30 km đường bê tông nhựa, kéo 33,3 km đường chiếu sáng, lắp đặt 565 bộ đèn chiếu sáng, đồng thời xây dựng 41,4 km hệ thống cấp nước và 32,5 km đường mương thoát nước. Ngoài ra, còn xây dựng các khu nhà sinh hoạt cộng đồng, trường mẫu giáo và chợ tại các khu dân cư.
Hợp phần B hỗ trợ thành phố cải tạo môi trường sông Phú Lộc, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân cũng như giúp người dân phát triển kinh tế gia đình. Cải thiện hệ thống thoát nước tại quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn; xây dựng hệ thống thoát nước mới tại quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn; xây dựng Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, góp phần giảm tải việc xử lý nước thải ở Trạm xử lý nước thải Hòa Cương.
Đối với hợp phần C, đã xây dựng cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông và đường Võ Chí Công, mở rộng không gian đô thị thành phố về phía Nam. Trong hợp phần D, đã tổ chức 24 khóa đào tạo chuyên ngành góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, đấu thầu quốc tế... cho hơn 400 lượt học viên là cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của 20 sở, ban, ngành tại thành phố.
Phát biểu tại buổi tổng kết, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương. Với quy mô lớn của dự án, bao trùm lên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội cũng như về xây dựng hạ tầng cơ sở, dự án này đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho thành phố. Chủ tịch Văn Hữu Chiến hy vọng sự hỗ trợ và hợp tác rất hiệu quả của Ngân hàng Thế giới thông qua Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường, Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên sẽ là điều kiện thuận lợi để Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng (cũng do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Đà Nẵng đang được triển khai) tiếp tục gặt hái thành công.
Đánh giá về dự án, bà Keiko Sato - Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu ban đầu đề ra, đảm bảo cả về thời gian thực hiện dự án lẫn chất lượng các công trình khi đưa vào sử dụng. Chính nhờ dự án này mà gần 400.000 người dân thành phố đã hưởng lợi trực tiếp nhờ hạ tầng giao thông, nhà ở và cả chất lượng không khí - nước được cải thiện rất rõ rệt. Sắp tới đây, khi Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân được hoàn thành và đưa vào sử dụng thì số người dân hưởng lợi từ dự án sẽ lên con số gần nửa triệu người, đây là một điều rất có ý nghĩa với Đà Nẵng.
Tuy nhiên theo bà Keiko Sato, thông qua dự án này, còn một điều rất có ý nghĩa là Đà Nẵng đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành dự án rất lành nghề. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã trở thành địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng được các thể chế quan trọng về chính sách quản lý nước thải và mô hình thủy lực cho hệ thống thoát nước của thành phố. Đó chính là những cơ sở để thành phố theo đuổi mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Tin, ảnh: Trần Luân Sơn
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2030
- Siết tín dụng bất động sản: Loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"
- Cam kết lợi nhuận tựa con dao hai lưỡi
- 03/08/2018 1:25 PM Sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế
- Việt Nam sẽ có đô thị thông minh vào 2025
- 'Địa ốc hạng sang Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển'
- Biến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thành điểm “ngắm cảnh, ăn uống, vui chơi”?
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Cú hích xây dựng Đà Nẵng đột phá, đáng sống
- Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore liên kết hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng
- Dự án căn hộ cao cấp: Những hiện tượng lạ trên thị trường
- Bài toán giải quyết rủi ro khi đầu tư thị trường bất động sản nam Đà Nẵng
- Giá đất tái định cư tại một số dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ
- Phát triển đô thị Đà Nẵng: Hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường
- Sắp có ‘thuốc’ trị tranh chấp tại các chung cư
- Việt Nam có quá ít bất động sản xanh
- Siết lập vi bằng, mua bán nhà bớt rủi ro
- Nhận diện lực đẩy mới của thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Chẳng dại gì mang 800 triệu mua đất ngoại thành, chọn chung cư mà ở
- Sốc với ưu đãi chưa từng có tại công viên giải trí nổi tiếng Đà Nẵng
- Ngắm hoàng hôn trên Cầu Vàng – Bà Nà Hills