Qua hơn 1 năm triển khai thí điểm Đề án kiện toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký (VPĐK) quyền sử dụng đất thành một cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, VPĐK một cấp thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận và giải quyết hơn 92.300 hồ sơ, đáp ứng kịp thời yêu cầu của tổ chức, công dân trên địa bàn thành phố. Trong đó, có 28.621 hồ sơ cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và 63.732 hồ sơ đăng ký biến động sau khi cấp giấy chứng nhận.
Đó là số liệu được báo cáo tại hội nghị Sơ kết một năm thực hiện Đề án do Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố tổ chức sáng ngày 20-11. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, Trưởng ban chỉ đạo đề án; ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố.
Nhiều chuyển biến tích cực
Là 1 trong 4 địa phương thực hiện thí điểm Đề án, Đà Nẵng bắt đầu triển khai VPĐK quyền sử dụng đất một cấp trên phạm vi toàn thành phố từ tháng 8/2012. Theo ông Nguyễn Thanh Cảnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố, Giám đốc VPĐK một cấp, kết quả quan trọng đạt được kể từ khi thực hiện thí điểm thành một cấp là sự thống nhất cao về chuyên môn và đúng quy định của pháp luật trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký các quận huyện. Hồ sơ được kiểm tra chặt chẽ về tính pháp lý, cơ sở dữ liệu địa chính nên chất lượng Giấy chứng nhận được cấp đảm bảo đúng quy định, giải quyết kịp thời nhiều vướng mắc về chuyên môn; quản lý tốt việc tách thửa, không để xảy ra tình trạng chia cắt không đúng quy định gây khó khăn , phức tạp trong công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị của thành phố. Qua đó góp phần hạn chế được nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu nại trong cấp giấy chứng nhận do việc thực hiện trước đây không thống nhất giữa phòng đăng ký các quận huyện.
Đến nay, VPĐK một cấp được tổ chức thành 5 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và 7 Chi nhánh trực thuộc tại các quận, huyện (riêng các vấn đề liên quan đến đăng ký đất đai của huyện Hoàng Sa do VPĐK một cấp đảm nhiệm). Trong đó, các Chi nhánh VPĐK địa phương đảm nhiệm nhiệm vụ tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận đã cấp; quản lý và chỉnh lý thường xuyên hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu địa chính, cung cấp thông tin đất đai cho các tổ chức, cá nhân.
Chi nhánh VPĐK quyền sử dụng đất quận Hải Châu
Các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất cao những kết quả tích cực của mô hình VPĐK một cấp, đặc biệt mô hình này phù hợp với sự phát triển chính quyền đô thị mà Đà Nẵng đang hướng đến. Tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện nhiều vấn đề như giải quyết mối quan hệ giữa quản lý lãnh thổ và quản lý ngành, linh hoạt trong xử lý hồ sơ, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ; hiện đại hóa cơ sở dữ liệu…
Theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, đất đai là một lĩnh vực nhạy cảm, chiếm khoảng 75% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) tại thành phố Đà Nẵng. Theo khảo sát, có 60% người dân hài lòng về thủ tục đất đai, 20% bình thường và 20% ý kiến cho rằng còn tồn tại vấn đề tiêu cực. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu và nâng cao hơn nữa giải pháp cải cách TTHC về đất đai nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân.
Đối với ý kiến thủ tục xác nhận quy hoạch và chuyển mục đích quyền sử dụng đất nên đưa hẳn về VPĐK một cấp để giảm thời gian luân chuyển hồ sơ, ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, như thế sẽ mất đi chức năng quản lý nhà nước của địa phương. “ Địa phương không thể nói rằng không biết người ta quy hoạch gì trên địa bàn quản lý của mình”, ông Nguyễn Thương phát biểu. Đồng quan điểm trên bà Huỳnh Thị Liễu Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương và VPĐK một cấp đặc biệt trong xử lý xác nhận quy hoạch và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.
Nhanh chóng giải quyết các hồ sơ tồn đọng năm 2013
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá cao thành quả VPĐK một cấp thành phố đạt được trong thời gian qua, bám sát nội dung, nhiệm vụ với tinh thần quyết liệt và đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý đất đai cũng như chất lượng phục vụ người dân. Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, những hạng mục cần thiết để đảm bảo yêu cầu số hóa cơ sở dữ liệu đất đai, tọa độ địa chính cũng như nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc để rút ngắn thời gian truyền tải và xử lý hồ sơ. Thứ trưởng cũng khẳng định trong thời gian tới sẽ hỗ trợ quận Hải Châu thực hiện thí điểm số hóa hồ sơ dữ liệu, xây dựng hồ sơ địa chính trên cơ sở hợp tác với công ty chuyên ngành của Hàn Quốc.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại hội nghị
Thống nhất với ý kiến của Thứ trưởng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất, thực hiện các phương án cải cách thủ tục hành chính, cải tiến phần mềm một cửa điện tử, rà soát trang thiết bị và ưu tiên đầu tư các máy quét hồ sơ cho các chi nhánh đồng thời lên kế hoạch thực hiện lồng ghép bản đồ địa chính vào hồ sơ quản lý quy hoạch để xây dựng một bản đồ tổng thể. Phó Chủ tịch nhấn mạnh các đơn vị cố gắng thực hiện cam kết giải quyết các hồ sơ còn tồn đọng trong năm 2013.
Đề án thí điểm kiện toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành một cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành tại Quyết định số 447/QĐ-TTg. Đề án được thực hiện thí điểm tại 4 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nam và tỉnh Đồng Nai, trong đó hai đơn vị thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn địa bàn là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Đồng Nai.
Mục tiêu của Đề án nhằm kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành một cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, nhằm khắc phục hạn chế của hệ thống Văn phòng đăng ký sử dụng đất ở hai cấp và tiến tới chuẩn hóa hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất theo mô hình của các nước trên thế giới, phù hợp với điều kiện công nghệ. Theo đề án mô hình VPĐK một cấp (cấp tỉnh) trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có các chi nhánh trực thuộc ở các quận, huyện trên cơ sở chuyển nguyên trạng về bộ máy, nhân lực, nhà làm việc và kho lưu trữ hồ sơ địa chính, trang thiết bị và nhiệm vụ của VPĐK trực thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường ở các thành phố, thị xã, quận, huyện thí điểm. Các chi nhánh chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của VPĐK cấp tỉnh.
Thời gian thí điểm đề án kéo dài đến tháng 6/2014.
|
Cẩm Nhung- Hương Xuân
Theo Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng