(PL)- Chưa có mức trần về phí chứng nhận bản dịch của công chứng viên nên các tổ chức công chứng vận dụng theo mức tối thiểu của chứng nhận giao dịch.
Yên tâm nghiệp vụ của công chứng viên
Gần 11 giờ ngày 6-1, Phòng công chứng số 4 ở đường Hoàng Việt, quận Tân Bình vẫn đông nghịt khách. Nhiều người ngồi quanh dãy bàn chứng thực chữ ký và chứng thực bản sao, chứng nhận bản dịch mới được bố trí tại tầng trệt. Một thanh niên cho hay: “Khi biết các cơ quan công chứng được phép sao y, tiện đường tôi mang bằng tốt nghiệp đến nhờ công chứng vì các công chứng viên (CCV) hoạt động chuyên nghiệp, khi cầm bản sao y có cảm giác… thích hơn, mức phí lại không cao hơn ở phường, xã…”.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Công chứng số 4, cho biết: “Triển khai Luật Công chứng (mới), phòng công chứng đã sắp xếp, bố trí nhân sự để thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký, bản sao từ bản chính và chứng nhận bản dịch cho khách hàng. Các CCV không bỡ ngỡ hay khó khăn về nghiệp vụ chuyên môn với những công việc mới. Trong ngày đầu tiên áp dụng Luật Công chứng mới (5-1), phòng đã chứng thực sao y bản chính cho 51 lượt khách hàng với 122 văn bản sao y; chứng thực chữ ký cho hai trường hợp và nhận hồ sơ dịch thuật cho 15 lượt khách với 28 tài liệu yêu cầu dịch thuật.
Phòng công chứng số 7 trưng bảng thông báo tiếp nhận những mảng công việc mới cho khách hàng. Ảnh: CT
“Phòng công chứng số 7 nhận khá nhiều hồ sơ sao y chứng thực của khách hàng” - ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó Trưởng phòng Công chứng số 7, thông tin. Theo ông Thắng, khách hàng chủ yếu là những người đến thực hiện thủ tục công chứng các hợp đồng giao dịch rồi sao y chứng thực, chứng nhận bản dịch luôn. Trước đây CCV thực hiện việc chứng thực trong một thời gian khá dài nên khi Luật Công chứng 2014 giao lại nhiệm vụ này cho CCV thì không gặp khó khăn gì về nghiệp vụ.
Tương tự, các CCV thuộc Văn phòng công chứng Chợ Lớn cho hay: “Chúng tôi đã chuẩn bị trước nên không gặp bỡ ngỡ gì”.
Lấn cấn phí bản dịch
Qua tìm hiểu lệ phí chứng thực chữ ký và bản sao từ bản chính tại các tổ chức công chứng bằng với mức của UBND cấp xã theo khung giá do TP ban hành. “Dù chưa có hướng dẫn về việc thu lệ phí của công chứng trong lĩnh vực mới nhưng Luật Công chứng nêu “việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực” nên có thể vận dụng để làm cơ sở cho khoản lệ phí chứng thực” - ông Hoàng Mạnh Thắng cho hay.
Vướng mắc hiện nay là chứng nhận bản dịch. “Theo Luật Công chứng, chứng nhận bản dịch là xác nhận về nội dung, CCV liên đới chịu trách nhiệm với người dịch. Đây không phải là việc chứng thực chữ ký người dịch như công việc chứng thực bản dịch của phòng Tư pháp. Do đó cơ quan công chứng không thể thu theo lệ phí chứng thực là 10.000 đồng/chữ ký như phòng Tư pháp. Với việc chứng nhận bản dịch, Phòng công chứng số 7 thu theo mức phí tối thiểu khi chứng nhận một giao dịch là 40.000 đồng” - ông Thắng thông tin.
Ông Thắng cũng nhìn nhận khó có thể ban hành khung giá cụ thể cho bản dịch vì tính chất, mức độ của từng trường hợp khác nhau. “Dịch một giấy chứng minh nhân dân hoàn toàn khác với dịch một toa thuốc. Do đó Nhà nước nên ban hành một mức trần rồi từ đó các cơ quan công chứng xây dựng cho phù hợp, thù lao người dịch nên là sự thỏa thuận của các bên” - ông góp ý.
Trong khi đó, Trưởng phòng Công chứng số 5 - ông Đỗ Hà Hồng cho rằng việc tồn tại song song hai hệ thống vừa phòng Tư pháp vừa cơ quan công chứng thực hiện chứng thực, chứng nhận bản dịch rất dễ dẫn đến lấn cấn vì giá trị, thủ tục, khoản thu. Trong khi hai loại này hoàn toàn khác nhau nhưng người dân thì hiểu nó na ná nhau. “Với số lượng tổ chức hành nghề công chứng tương đối đầy đủ như hiện nay, tôi nghĩ nên giao hẳn công tác này cho cơ quan công chứng để đảm bảo tính thống nhất” - ông bày tỏ.
Sở Tư pháp vừa có văn bản đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng đề xuất mức thu tối đa đối với mỗi nội dung công việc và xác định cơ sở hợp lý cho mức thu đề xuất. UBND cấp tỉnh sẽ ban hành mức trần thù lao công chứng tại địa phương nên mức thù lao đối với từng loại việc không được vượt quá mức trần thù lao quy định, Sở Tư pháp lưu ý.
|
CẨM TÚ
Theo Báo Pháp luật TPHCM
Các bản tin khác
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng: Cần một cuộc “đại phẫu”? (Kỳ cuối: Không thể không làm!)
- Hỗ trợ công nhân tiếp cận nhà ở xã hội
- Quy hoạch tuyến đường vành đai phía tây 2
- Đà Nẵng: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không quá 10 ngày
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng: Cần một cuộc “đại phẫu”? (Bài 3: Những kiến giải)
- Bùng nổ xu hướng “wellness” trong lĩnh vực địa ốc
- Chuyên gia nói gì về thị trường đất nền?
- Người Việt mua nhà chú trọng đến vị trí
- Thị trường bất động sản: Cảm nhận nhịp đập M&A của thị trường
- Khách sạn, căn hộ condotel, biệt thự nghỉ dưỡng tiếp tục hưởng lợi từ du lịch Đà Nẵng
- Sát nhập Công ty Quản lý nhà với Công ty Quản lý nhà chung cư
- Các ngân hàng đang cho vay bất động sản ra sao?
- Đà Nẵng: Đấu giá quyền sử dụng 19 lô đất lớn trên địa bàn
- Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đất đai
- Sứ mệnh của doanh nghiệp bất động sản Việt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0
- Đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa phục vụ thi công các dự án
- Đà Nẵng đấu giá một số khu đất có diện tích lớn
- Cần một cuộc "đại phẫu" trong quy hoạch đô thị Đà Nẵng?
- Hình thành cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị
- Vì sao nhà đầu tư châu Á đổ bộ bất động sản Việt Nam?