Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa nắm bắt và khai thác hết lợi thế của thương mại điện tử (TMĐT) mà vẫn tập trung vào kênh bán hàng truyền thống. Giao dịch qua các sàn TMĐT đang là xu hướng chủ đạo không thể thiếu nếu các DN muốn quảng bá và đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.
Đưa sản phẩm lên thương mại điện tử là xu thế tất yếu. |
Theo thống kê từ Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, tính đến tháng 3-2019, có khoảng 400/550 DN hội viên xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử. Tuy tỷ lệ này khá cao (hơn 72%), nhưng việc vận hành và khai thác trong thực tế vẫn gặp nhiều bất cập. Số DN thật sự tận dụng công cụ này cho việc mua bán hàng hóa, dịch vụ chỉ chiếm khoảng 5%.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Châu Thông cho biết, tất cả sản phẩm của công ty hiện được bán qua nhiều sàn TMĐT lớn ở Việt Nam như: Adayroi, Lazada, Tiki, Shopee… và việc thỏa thuận để đưa hàng lên bán trên các sàn này khá dễ dàng. Các sàn không can thiệp về giá hay doanh thu, họ tập trung hỗ trợ nhà sản xuất đẩy lượng truy cập vào các mặt hàng, sản phẩm rao bán. Với các chương trình khuyến mãi, giảm giá do các sàn TMĐT tổ chức nhằm kích cầu, DN tham gia theo nhu cầu, không bị bắt buộc. Song, hầu hết các nhà sản xuất và nhà bán hàng đều hào hứng tham gia các chương trình này do đây cũng là cơ hội để họ tăng doanh thu, giải phóng hàng tồn kho.
Ông Hồ Đức Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV cà-phê Mayaca phân tích, nếu thuê một nhân viên để đi giao cà-phê cho khách lẻ thì phải trả thêm tiền lương mà chưa chắc hiệu quả cao vì việc giao hàng có thể gặp rất nhiều sự cố trên đường đi. Thay vào đó, nhờ các sàn TMĐT, công ty chỉ cần soạn hàng, còn việc giao hàng và liên hệ khách đã có sàn TMĐT chịu trách nhiệm. Công ty tập trung vào việc giao hàng cho các khách sỉ, khách mua số lượng lớn nên đạt hiệu quả cao. Chỉ riêng bán hàng qua các sàn TMĐT mà công ty đã đạt doanh thu 1 tỷ đồng mỗi tháng.
Đà Nẵng hiện nay có nhiều chính sách để khuyến khích các DN tham gia vào “sân chơi” TMĐT. Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, sở đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực tiếp cận và khai thác công nghệ cho DN như: tổ chức các buổi hội thảo, gặp mặt giữa các DN để chia sẻ lợi ích của TMĐT; đồng thời ghi nhận những vướng mắc trong quá trình triển khai vào thực tế.Tại các buổi gặp mặt, DN được hướng dẫn cụ thể cách thành lập và quản trị một trang thông tin điện tử phục vụ thương mại, kết nối với các đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ TMĐT… Bên cạnh đó, đối với các DN công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng và vận hành sàn giao dịch trực tuyến thiết bị và công nghệ Đà Nẵng (techmartdanang.vn), miễn phí tham gia cho các thành viên.
Techmart Đà Nẵng được liên kết với các sàn giao dịch ngoại tỉnh, giúp giới thiệu sản phẩm của DN đến cộng đồng người tiêu dùng một cách rộng rãi.
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng hỗ trợ vận hành sàn TMĐT Danangtrade với mục tiêu “kết nối hàng Việt”. Sau hơn 4 năm hoạt động, hiện có gần 3.000 sản phẩm với 1.000 DN đang kết nối trên sàn TMĐT Danangtrade. Theo ông Võ Văn Khanh, Phó Giám đốc Công ty CP VietNamtrade (đơn vị quản lý sàn TMĐT danangtrade.com.vn), sàn TMĐT Danangtrade ngoài việc giới thiệu sản phẩm cho DN, còn là một kênh để kết nối cung - cầu giữa DN và khách hàng. Tuy nhiên, sàn vẫn có một số hạn chế nhất định, đó là chỉ mang tính chất quảng bá sản phẩm, chứ chưa mang tính bán lẻ trực tuyến (e-tailing) như các sàn TMĐT lớn khác.
Về lời khuyên cho các DN khi quyết định phát triển kênh bán lẻ trực tuyến, ông Trần Anh Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Quảng cáo Enjoy (từng là Quản lý dịch vụ khách hàng Cốc Cốc tại Đà Nẵng) cho rằng, việc lên kế hoạch quản lý bán hàng là điều rất quan trọng đối với các DN. Khi mới bắt đầu kinh doanh, lượng hàng ít, đơn hàng đặt mua chưa nhiều và chưa phải xử lý tồn kho thì DN cảm thấy mọi việc đơn giản. Thế nhưng, khi đơn hàng ngày càng tăng và số lượng hàng hóa đa dạng hơn, thì công đoạn quản lý khá “đau đầu”.
TMĐT mở ra nhiều cơ hội lớn cho các DN vừa và nhỏ rút ngắn khoảng cách với các DN lớn, nhờ vào tính cạnh tranh bình đẳng và linh hoạt của môi trường kinh doanh số. Cùng với đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận với các sản phẩm, thương hiệu đa dạng, gần như không giới hạn. Nhưng để làm được điều này, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước còn đòi hỏi các DN cần đổi mới cách tư duy, xây dựng những mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo và đầu tư hệ thống hậu cần với lượng hàng hóa dồi dào, có chất lượng để chạy đua với dòng chảy thương mại số hóa.
Bài và ảnh: MAI QUẾ
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- VIỆT KIỀU MUA NHÀ: TRÊN " THÔNG" DƯỚI CHƯA "THOÁNG"
- THÊM CƠ HỘI CHO VIỆT KIỀU MUA NHÀ Ở VIỆT NAM
- NHỮNG KẺ MẠO DANH BỊ PHÁC GIÁC TẠI VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG BẢO NGUYỆT
- ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI DÂN VỀ CHỦ TRƯƠNG XÃ HỘI HÓA CÔNG CHỨNG
- Đề án “Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020’’
- VIỆT KIỀU MUA NHÀ
- HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ KHÔNG CÔNG CHỨNG: COI CHỪNG RẮC RỐI
- XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG: DÂN ĐƯỢC LỢI
- NHIỀU THỦ TỤC HÀNH CHÍNH GÂY KHÓ CHO CÔNG CHỨNG
- VPCC HÀNG VẠN NGƯỜI DÂN "CHỌN MẶT GỞI VÀNG"
- CÔNG CHỨNG GIAO DỊCH BẢO ĐẢM: VẪN VƯỚNG
- Giảm nợ và thu nợ tiền sử dụng đất
- GIÁ ĐẤT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM 2010